Trong khi nhiều khu dân cư tại Phước Sơn đối diện với tình trạng sạt lở, quá tải với cảnh nhà cửa chen chúc khiến không gian sống trở nên chật chội, ô nhiễm, thiếu đất sản xuất… thì công tác dãn dân lại diễn ra ì ạch do thiếu kinh phí hỗ trợ di dời.
Cấp thiết
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân thôn 2 (xã Phước Chánh) phải sống trong cảnh khổ sở, quá tải bởi chỉ trong không gian khoảng 1ha, nhà cửa quây quần, chen chúc, vách liền vách khiến cho người dân thiếu không gian sống, khó khăn trong việc ăn ở, sinh hoạt. Đáng nói, sự quá tải về dân số và thiếu đất ở khiến nhiều ngôi nhà tại khu vực thôn 2 không có chỗ để làm công trình phụ. Cả thôn không có gươl làng, cũng không có khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, vốn là những thiết chế quan trọng trong xây dựng thôn văn hóa và hướng tới xây dựng nông thôn mới, xã nông thôn mới theo lộ trình chung. Ông Hồ Văn Toàn - Trưởng thôn 2, xã Phước Chánh chia sẻ, thực trạng quá tải về dân số, thiếu không gian sống đã trở thành nỗi bức bách suốt nhiều năm qua. Cũng bởi do thiếu đất ở nên nhiều gia đình phải chấp nhận cảnh cả 3 thế hệ cùng chung sống trong một căn nhà chật hẹp. “Qua nhiều lần kiến nghị, toàn thôn trước mắt cần di dời khoảng 30 hộ. Hiện, Ban quản lý dự án đầu tư của huyện đang cày ủi mặt bằng, giải tỏa một số nhà trong khu vực thôn” - ông Toàn nói. Được biết, thôn 2 là một trong 7 thôn của xã Phước Chánh thuộc khu vực trọng điểm phải dãn dân. Song, trước hàng loạt khó khăn đặt ra như vấn đề đất ở, đất sản xuất, sinh kế… trước mắt, UBND xã Phước Chánh và huyện Phước Sơn chỉ có thể giải quyết việc cấp đất ở cho dân. Khi mặt bằng được san ủi hoàn thiện, số hộ thuộc diện dãn dân sẽ được di dời tới nơi ở mới để ổn định đời sống.
Nhà cửa san sát khiến không gian sống tại nhiều vùng cao Phước Sơn bị thu hẹp. Ảnh: B.L |
Trên thực tế, dù một số khu tái định cư đã có mặt bằng mới khang trang, song việc di dời người dân đến nơi ở mới cũng đối diện với không ít khó khăn, do thiếu kinh phí hỗ trợ di dời. Trước đây, trường hợp 50 hộ dân của thôn Trà Văn A (Phước Kim) là điển hình. Mặt bằng đã xong, nhưng người dân chưa thể dọn tới nơi ở mới do không có tiền di dời, làm lại nhà ở nơi mới. Có một số hộ dọn tới ở nhưng cũng không thể bám trụ lâu được, nhà cửa hư hại, dột nát, không có tiền sửa chữa, nhiều hộ phải bỏ quay về làng cũ. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể phải vất vả vận động bà con chuyển đi khỏi các vùng triền đồi, vùng dễ xảy ra sạt lở, lũ quét. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn – ông Nguyễn Phiếm, vấn đề tiền hỗ trợ di dời, đất sản xuất, sinh kế… là điều bức thiết trong chính sách dãn dân. Chủ trương chung của huyện là dãn dân theo kiểu xen ghép, ít tập trung, nên đây là lộ trình lâu dài, nhiều người dân đến nơi ở mới vẫn sản xuất ở nơi cũ để đảm bảo đời sống. Việc đầu tư mặt bằng, cơ sở hạ tầng ban đầu ở các khu tái định cư đều do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phước Sơn đảm nhiệm, Phòng NN&PTNT huyện đảm nhiệm việc hỗ trợ di dời từ kinh phí sự nghiệp định canh định cư theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ.
Thiếu kinh phí
Theo ông Phiếm, huyện đang tiến hành san ủi mặt bằng để di dời gần 30 hộ dân thôn 2, xã Phước Chánh. Thời điểm này, Ban quản lý dự án của huyện đang tiến hành san ủi, sẽ bàn giao mặt bằng để di dời dân tại thôn 2 Phước Chánh trước mưa bão năm nay. Tuy nhiên, theo ông Phiếm do nguồn hỗ trợ di dời từ nguồn kinh phí sự nghiệp định canh định cư phân bổ về không kịp thời nên việc vận động bà con dọn đi sẽ rất khó. Các hộ được di dời phần lớn là hộ nghèo, khó khăn trong cuộc sống nên rất cần được hỗ trợ kinh phí để di dời, làm nhà cửa nơi ở mới, cũng như chính sách hỗ trợ lương thực 6 tháng đầu ở khu tái định cư, hỗ trợ cây con giống… để tạo điều kiện cho bà con ổn định ở nơi ở mới. “Theo phê duyệt phương án thực hiện hỗ trợ kinh phí sự nghiệp định canh định cư năm 2015, tổng kinh phí để thực hiện hỗ trợ di dời đối với 185 hộ dân của các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Công và Phước Chánh là 2,77 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ làm nhà ở hơn 1,3 tỷ đồng, mua lương thực hơn 900 triệu đồng và mua cây giống cấp phát cho dân 540 triệu đồng nhằm hỗ trợ sinh kế ban đầu. Song, đến nay vẫn chưa có nguồn” - ông Phiếm chia sẻ.
Hiện Phước Sơn có nhiều khu dãn dân gồm: Phước Kim với 2 khu dãn dân là Trà Văn A (25 hộ/103 nhân khẩu), Luông A (22 hộ/96 nhân khẩu). Ở xã Phước Thành, có 3 khu dãn dân gồm thôn 1A (22 hộ/92 nhân khẩu), thôn 4A (30 hộ/132 nhân khẩu) và thôn 1B (20 hộ/85 nhân khẩu). Khu dãn dân thôn 4, xã Phước Công với 13 hộ/54 nhân khẩu. Hiện phần lớn các khu dãn dân đã hoàn thiện mặt bằng, cơ bản đã bố trí dân vào tái định cư, chỉ thôn 1A Phước Thành do mặt bằng san ủi tiếp tục đối diện với sạt lở, đang trong giai đoạn khắc phục. Riêng năm nay, huyện đang san ủi mặt bằng và xây dựng nhiều hạng mục hạ tầng ban đầu ở Phước Chánh, phục vụ tái định cư cho 28 hộ dân thôn 2 với 116 nhân khẩu. Ngoài ra, thôn Triên (Phước Kim) cũng vừa xây dựng kế hoạch dãn dân trong năm 2015…
Ông Hồ Công Điểm - Chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn cho biết, tiến độ triển khai các dự án dãn dân còn chậm bởi nhiều lẽ, các khu dãn dân đều thuộc vùng cao, địa hình phức tạp nên việc san ủi, chi phí san ủi mặt bằng tương đối cao, trong khi ngân sách hỗ trợ còn khó khăn. “Dù những năm qua, huyện đã nỗ lực đầu tư lĩnh vực này rất nhiều, song nguồn thu của huyện cũng hết sức khó khăn, trong khi nguồn hỗ trợ từ tỉnh còn chậm và thiếu đồng bộ, khiến tiến độ triển khai chậm” - ông Điểm nói.
BÍCH LIÊN