Phước Sơn nỗ lực bình ổn hàng hóa

TUỆ LÂM 05/03/2015 09:00

Theo thường lệ, hàng hóa sau tết ở vùng cao rục rịch tăng, gây khó khăn cho người tiêu dùng, nhưng năm nay chưa xảy ra tình trạng này. Tại huyện Phước Sơn, nhờ triển khai các biện pháp kiểm soát thị trường đạt hiệu quả nên giá cả hàng hóa ở đây vẫn bình ổn.

Kiểm tra các mặt hàng sau tết tại các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Phước Sơn.Ảnh: TUỆ LÂM
Kiểm tra các mặt hàng sau tết tại các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Phước Sơn.Ảnh: TUỆ LÂM

Theo ông Trần Thanh Tân, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phước Sơn, nhờ làm tốt công tác quản lý về bình ổn giá, cũng như tăng cường kiểm tra kiểm soát chất lượng, xuất xứ các mặt hàng trên địa bàn nên sau tết, các loại hàng hóa thiết yếu ở địa phương không có sự biến động về giá cả. “Thêm vào đó, các cửa hàng cũng đã dự trữ một lượng hàng tương đối lớn để  bình ổn giá cho dịp sau tết nên nhìn chung tình hình tương đối ổn định. Đây là huyện vùng cao, nhân dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc ổn định giá, không tăng đột biến là rất cần thiết. Nắm rõ điều này, chúng tôi đã nỗ lực để kiểm soát được tình hình...” - ông Tân nói. Chị Nguyễn Thị Bích Lợi (khối 4, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) cho biết, do điều kiện của gia đình nên việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cho những ngày tết đã hết. Ngay từ đầu năm, gia đình chị đã phải mua, sử dụng những nhu yếu phẩm. “Giá cả của các mặt hàng sau tết vẫn bình thường như mọi năm, không tăng giá. Chương trình khuyến mãi cho ngày tết giờ vẫn còn, chất lượng vẫn đảm bảo và còn trong hạn sử dụng nên người mua rất yên tâm”- chị Lợi nói.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phước Sơn, toàn huyện có hơn 300 cơ sở kinh doanh buôn bán, phục vụ cho hơn 22.000 người dân và đồng bào các dân tộc. Trong đó, thị trấn Khâm Đức có hơn 45 cửa hàng bách hóa lớn nhỏ chủ yếu bán các nhu yếu phẩm, bánh kẹo; 43 quầy bán hàng hóa thực phẩm khô và gia vị... Tại xã Phước Thành có 12 hộ bán hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm; xã Phước Chánh, Phước Hiệp mỗi xã có 5 hộ buôn bán. Các xã còn lại mỗi xã đều có khoảng 4 hộ buôn bán. Đối với những xã vùng cao, huyện Phước Sơn phối hợp với UBND xã và các hộ buôn bán để niêm yết giá theo chủ trương của Sở Công Thương, không để đội giá lên quá cao gây khó khăn cho người tiêu dùng. Huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Hoàng Nguyên có chương trình bình ổn giá dầu ăn tại các hộ tiểu thương, đồng thời tạo điều kiện cho Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức bán hàng chợ lưu động để phục vụ người dân trước và sau tết. “Hiện nay, giao thông đã được đảm bảo nên chi phí vận chuyển hạ xuống, thêm vào đó, các công ty phối hợp với địa phương bán các mặt hàng với giá không cao hơn so với đồng bằng nên người dân sẽ dễ chịu hơn” - ông Tân cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (khối 2B, thị trấn Khâm Đức, chủ cửa hàng tạp hóa) cho biết, theo chủ trương của huyện, trước tết cửa hàng của chị đã dự trữ hàng hóa với hơn 1 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong những ngày đầu năm. Còn chị Nguyễn Hoàng Lê Na (khối 7, thị trấn Khâm Đức, là chủ cửa hàng tạp hóa Sơn Na) thì nói: “Cửa hàng của tôi đã bắt đầu nhập hơn 800 triệu đồng tiền hàng, lấy những nhu yếu phẩm để bán cho người dân. Mình buôn bán đều theo chủ trương của huyện, Nhà nước, không bao giờ dám tự ý tăng giá các mặt hàng để kiếm lời. Với lại ở đây, các ngành chức năng thường xuyên đi kiểm tra để thông báo tình hình. Là một người buôn bán lâu dài, hơn ai hết mình hiểu rõ được chữ tín trong kinh doanh là như thế nào”.

Theo ghi nhận của các ngành chức năng của tỉnh, không riêng gì huyện Phước Sơn mà hơn 1.500 hộ kinh doanh buôn bán ở 9 huyện miền núi cao của tỉnh, tình hình giá cả sau tết vẫn tương đối ổn định, chưa xảy ra tình trạng các hộ tư thương tự tăng giá kinh doanh, cũng như chưa xảy ra việc bán hàng hóa quá hạn sử dụng hay không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Theo Sở Công Thương (cơ quan thường trực Ban 389/ĐP về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh), thời gian qua đơn vị thường xuyên chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm chủ động nắm diễn biến tình hình thị trường giá cả, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong và sau Tết Nguyên đán. Ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng như pháo các loại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực; các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như rượu ngoại, thuốc lá ngoại, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thực phẩm các loại; nông sản, hoa quả, thủy sản, gia súc, gia cầm và các phụ phẩm gia súc, gia cầm; phân bón, mũ bảo hiểm, quần áo may sẵn; các mặt hàng xuất lậu cần chú trọng như xăng dầu, than, khoáng sản, động vật hoang dã, gỗ và các lâm sản quý hiếm... Qua kiểm tra, không có trường hợp đầu cơ, tích trữ, nâng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, có một số trường hợp vi phạm như kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn hàng hóa, không có hóa đơn chứng từ... Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban 389/ĐP kiểm tra 16 cơ sở, xử lý 4 cơ sở vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 25 triệu đồng; đội quản lý thị trường các huyện, thành phố xử lý 530 vụ, số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 1 triệu đồng, tiền bán hàng tịch thu gần 235 triệu đồng.

Ngoài ra, Sở Công Thương tham gia đoàn kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do ngành y tế chủ trì, kiểm tra chủ yếu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ tết; các đội quản lý thị trường còn tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết... (M.Đức)

TUỆ LÂM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phước Sơn nỗ lực bình ổn hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO