(QNO) - Đó là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phước Sơn và các sở, ban ngành của tỉnh vào sáng nay 29.6. Cùng chủ trì buổi làm việc có Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hà và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu.
Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đến nay địa phương đã hoàn thành xây dựng 43 nhà ở cho người dân bị trôi nhà cửa do thiên tai, 10 nhà đang triển khai khoảng 70 - 80% khối lượng; đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu tái định cư để bố trí đất ở cho các hộ còn lại làm nhà, mục tiêu hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 15.7 tới.
Đối với 69 nhà bị hư hỏng, UBND huyện phân bổ kinh phí cho các hộ và đã triển khai sửa chữa xong. Phước Sơn cũng giải ngân hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh thủ tục đầu tư và triển khai sửa chữa, khắc phục các công trình bị thiệt hại do thiên tai năm 2020.
Lãnh đạo huyện cũng thông tin về tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác quốc phòng - an ninh của địa phương. Những tồn tại, hạn chế được đề cập là: tiến độ triển khai các công trình xây dựng cơ bản năm 2021 còn chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp; khai thác lâm - khoáng sản trái phép, phá rừng còn xảy ra; hoạt động quản lý thị trường, quản lý đô thị, quản lý chợ, vệ sinh môi trường còn một số mặt hạn chế; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu…
Huyện Phước Sơn kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ huyện đầu tư cụm công nghiệp để bố trí nhà máy, nhà xưởng, giải quyết lao động địa phương; hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai; xem xét hỗ trợ đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sách giáo khoa, thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình phổ thông mới lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo chỉ thị của UBND tỉnh, do địa phương gặp khó khăn không có kinh phí thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, Phước Sơn đã rất nỗ lực trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, có sự lựa chọn thích hợp đối với các khu tái định cư vùng sạt lở. Về phát triển trong thời gian tới, địa phương phải có cách làm cụ thể đối với khu trồng cây ăn quả, tìm kiếm và thu hút doanh nghiệp xứng tầm. Mạnh dạn tính toán cho việc xây dựng thị xã, phát huy tiềm năng dựa vào đường Hồ Chí Minh, trên cơ sở vừa được bàn giao bổ sung diện tích đất từ sân bay Khâm Đức; khảo sát cụ thể các tuyến giao thông, bám những chương trình, chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh đang được triển khai để sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư tái thiết.
Đặc biệt cố gắng đẩy nhanh tiến độ bàn giao vị trí xây dựng sân bay trực thăng tại xã Phước Thành; tuyên truyền người dân chủ động hơn trong phòng chống thiên tai, phát triển cây bản địa; đưa thương mại điện tử đến gần với người dân.
Tạo đột phá phát triển bền vững
Khẳng định lợi thế của Phước Sơn đã được xác định từ sớm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, đây là thời điểm Phước Sơn có nhiều cơ hội bứt phá cần phải nắm lấy. Bước vào nhiệm kỳ mới, với tầm nhìn khát vọng mới, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh mong muốn Phước Sơn phải có đột phá trong phát triển bền vững, phát huy vị trí, tiềm năng của huyện.
Đồng chí Lê Trí Thanh đánh giá cao nỗ lực của Phước Sơn trong phát triển kinh tế - xã hội, tái thiết sau thiên tai. Đi vào trọng tâm những kiến nghị của địa phương, đồng chí Lê Trí Thanh cho rằng, sau 10 năm, Quảng Nam đã được chuyển giao sân bay Khâm Đức, mở ra quỹ đất rất lớn, là cơ hội phát triển cho Khâm Đức. Phước Sơn cần tập trung phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường tham mưu UBND tỉnh có văn bản xác nhận kết quả bàn giao để gửi Bộ Quốc phòng, tập trung hoàn chỉnh quy hoạch vùng, có những bước thực hiện trình tự thủ tục theo quy định. Đồng chí Lê Trí Thanh ủng hộ chủ trương phát triển một khu mới tại thị trấn Khâm Đức từ quỹ đất vừa chuyển giao với yêu cầu đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch chuẩn, xứng tầm để làm nền tảng phát triển trong tương lai.
Đối với khu vực quy hoạch trồng cây ăn quả, đồng chí Lê Trí Thanh ủng hộ chủ trương, đề nghị kiểm lâm phối hợp đánh giá hiện trạng rừng, đánh giá nhu cầu chuyển đổi rừng sản xuất sang mục đích khác, chú ý đến thẩm quyền chuyển đổi. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu lựa chọn vị trí thuận lợi về giao thông, cấp điện, xử lý môi trường, hạn chế thấp nhất việc san gạt gây nguy cơ sạt lở đối với việc xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp địa phương với quy mô vừa và nhỏ. Đồng chí Lê Trí Thanh cũng đề nghị trong năm 2022, Sở Tài chính tính toán cơ chế tạo điều kiện cho các huyện khai thác nguồn thu, điều tiết lại cho các địa phương có nguồn thu phát sinh cao, nhất là các địa phương miền núi phù hợp quy định của luật.
Đối với các công trình đã bố trí vốn, huyện Phước Sơn cần hoàn chỉnh thủ tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là khu tái định cư. Các dự án mang tính khẩn cấp, cấp bách, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ đầu tư, giao Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu tỉnh bố trí vốn, xin nguồn của Trung ương từ các chương trình phòng chống thiên tai. Hiện nay nguồn lực cân đối cho các dự án trung hạn rất khó khăn, ngoài những công trình đã đăng ký, cần xem xét tính thiết yếu của các công trình đầu tư, nếu thực sự cần thì sẽ đưa vào danh mục dự phòng khi có nguồn bổ sung sẽ xem xét theo thứ tự ưu tiên.
“Đối với sách giáo khoa, đề nghị Sở GD-ĐT thống kê nhu cầu sách giáo khoa ở 6 huyện miền núi, tham mưu tỉnh bố trí nguồn kinh phí, hoặc xem xét xã hội hóa, phải để cho các em có sách để học. Phước Sơn phải đặc biệt chú ý việc phòng chống thiên tai, phải hết sức sẵn sàng trước mùa mưa lũ năm nay, lưu ý có phương án tạm thời xử lý nếu xảy ra tình huống tương tự như năm 2020” - đồng chí Lê Trí Thanh nói.