Trong khi những loại cây dược liệu quý là sâm dây và sâm 7 lá hoa ngày càng bị cạn kiệt ở rừng, người dân Bh’noong ở thôn 5 và thôn 6 (xã Phước Lộc, Phước Sơn) đã tự nhân trồng, thuần dưỡng, biến loại sâm hoang dã thành cây trồng kinh tế, mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao.
Di thực cây sâm
Cây sâm dây, sâm 7 lá hoa dễ trồng, dễ chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân thôn 5 và thôn 6 (xã Phước Lộc) đã tự tìm hiểu cách trồng và làm giàu từ giống cây này. Ông Hồ Văn Yên (thôn 6) là một trong những người tiên phong về việc di thực cây sâm 7 lá hoa về trồng ở rẫy của gia đình. Là người địa phương nên ít nhiều ông cũng hiểu biết về tác dụng của cây sâm đối với sức khỏe con người nên ngay từ năm 2009, khi người dân ở đây khai thác sâm ồ ạt, ông cũng vào rừng đào củ sâm. Củ to thì ông đem bán, củ nhỏ ông mang lên rẫy trồng với mục đích vừa để bảo tồn giống cây quý này, vừa gây dựng vườn sâm để có thu nhập ổn định, lâu dài cho gia đình. Ông nói về những ngày đầu làm quen với cây sâm 7 lá hoa: “Bản thân thấy củ sâm trước năm 2010, hàng quán họ mua giá cao, người dân mình khai thác kiểu tận diệt để bán, trong rừng ngày càng cạn kiệt loại sâm quý này. Do vậy tôi trồng thử, ban đầu trồng củ sâm bị thối, không phát triển. Sau một thời gian nghiên cứu về đặc tính của cây sâm thường sống ở ven những con suối nhỏ, ưa mát nên tôi đem trồng lại, ai ngờ cây phát triển tốt. Giờ gia đình đã có diện tích khoảng 500m2 sâm 7 lá hoa, dự kiến sang 2015 là bắt đầu khai thác”.
Ông Hồ Văn Lá (thôn 5, Phước Lộc) cũng trồng sâm dây cho thu nhập cao, mỗi năm ông thu về hơn một tạ sâm. Ông nói: “Ban đầu tôi cũng không biết trồng sâm dây đâu, vì trong rẫy nhà tôi có sâm dây, chưa khai thác vội, tôi để sâm lớn bán có giá hơn, không ngờ sâm ra hoa, có hạt và rụng xuống lại mọc ra những cây sâm con. Từ đó tôi mới phát dọn rẫy để cây sâm phát triển và chuyển hướng trồng chuyên canh luôn. Với 3 sào trồng sâm, hằng tháng cho 10 - 15kg sâm dây tươi. Kinh tế của gia đình từ đây mà khá lên, nhiều vật dụng dùng cho gia đình được sắm sửa, con cái có thêm điều kiện học hành”. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây sâm dây, sâm 7 lá hoa, nhiều hộ dân của thôn 5 và thôn 6 đã tin tưởng và làm theo, đến nay thì hầu như nhà nào của 2 thôn cũng có diện tích trồng sâm.
Những củ sâm 7 lá hoa được người dân thôn 6 rửa sạch chuẩn bị đem đi bán. Ảnh: H.Yên |
Mở rộng diện tích
Không phải nhọc công mang gùi, vác cuốc vào rừng sâu lùng sục, giờ đây các hộ dân ở Phước Lộc có thể vào những vùng rẫy của nhà mình để đào củ sâm về bán quanh năm. Hiện nay, trên thị trường, sâm dây và sâm 7 lá hoa đang được giá. Chị Hà Thị Hường, một chủ tiệm tạp hóa ở trung tâm xã Phước Lộc cho biết sâm dây đang được thu mua mạnh, mỗi ký sâm dây tươi có giá 200 – 250 nghìn đồng, sâm dây khô có giá từ 0,8 - 1 triệu đồng/kg; còn sâm 7 lá hoa giá sâm tươi khoảng 700 – 800 nghìn đồng/kg, khô có giá khoảng 3,5 triệu đồng/kg.
Theo một tư liệu, cây hồng đẳng sâm (hay còn gọi sâm dây) là một trong những cây dược liệu quý có tác dụng chữa nhiều loại bệnh và hồi phục sức khỏe. Theo đông y, sâm dây có tác dụng bổ toàn thân và kích thích miễn dịch, gây tăng hồng cầu, giảm bạch cầu, hạ huyết áp... Còn thất diệp nhất chi hoa (sâm 7 lá hoa) có nhiều tác dụng với những người mắc bệnh nan y, không để lại tác dụng phụ, phù hợp với tình trạng bệnh tật ở nhiều độ tuổi khác nhau, tác dụng giảm đau, kháng viêm, cô lập tế bào ung thư, bài thải các mô chết, giúp ngăn ngừa quá trình lây lan, làm chậm quá trình ung thư hoại tử… Hai loại sâm này đều mọc nhiều ở vùng rừng núi Phước Lộc. |
Từ khi sâm dây, sâm 7 lá hoa được thị trường ưa chuộng, người dân Phước Lộc phấn khởi với những rẫy sâm có được của mình. Ông Hồ Văn Hạnh (thôn 6) hồ hởi: “Từ năm 2009 biết được đặc tính và giá trị của sâm dây và sâm 7 lá hoa, người dân trong thôn đã biết trồng và chăm sóc vườn sâm của mình. Cả thôn có 29 hộ thì nhà nào cũng có rẫy sâm, có nhà đến 2 - 3 rẫy như hộ ông Hồ Văn Lá. Từ đầu năm 2012, các hộ dân đã bắt đầu thu hoạch sâm dây, có hộ mỗi tháng bán cả 15 - 20kg sâm dây. Thu nhập nhờ thế mà khá hơn rất nhiều so với trước kia”. Thấy có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ chủ động biến đất rẫy trước đây trồng sắn, bắp trở thành vườn sâm. Nhờ thế mà diện tích vườn sâm dây tăng lên đáng kể, chỉ riêng thôn 5, từ diện tích manh mún trồng xen với những loại hoa màu khác giờ đây đã có hơn 3ha sâm dây, còn ở thôn 6, có khoảng hơn 1ha trồng sâm 7 lá hoa.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, từ những mô hình trồng sâm dây hiệu quả trên thực tế, xã Phước Lộc cũng có những chính sách nhằm khuyến khích bà con nông dân phát triển cây dược liệu quý này và giúp họ vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, xã Phước Lộc có hơn 4ha sâm dây và khoảng 1ha sâm 7 lá hoa do người dân tự trồng tập trung chủ yếu ở thôn 5 và 6. Giá sâm dây và sâm 7 lá hoa trên thị trường rất cao và ổn định. Đầu ra cho sản phẩm này cũng được mở rộng, vì nhu cầu mua sâm dây, sâm 7 lá hoa của người dân trong và ngoài tỉnh khá lớn. “Hiện tại, người dân chủ yếu trồng tự phát, sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo với Phòng NN&PTNT huyện có hướng phát triển những cây dược liệu quý này, để nó trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương cải thiện thu nhập” – ông Lộc nói.
HOÀNG YÊN