UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sớm tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội, góp ý đối với dự thảo Phương án tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên biệt trên địa bàn tỉnh.
Tạo động lực học tập
Duy trì trong suốt hơn 10 năm qua, phương thức xét tuyển được đánh giá có nhiều ưu điểm “gọn nhẹ, không gây áp lực cho học sinh, đỡ tốn kém ngân sách”.
Tuy nhiên, đầu năm học 2023 - 2024, Sở GD-ĐT xây dựng phương án tuyển sinh mới, chuyển từ xét tuyển sang thi tuyển kết hợp với đánh giá kết quả học tập và rèn luyện 4 năm học THCS.
Lý giải việc thay đổi này, Sở GD-ĐT cho biết trước đây tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 là 95% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS đối với đồng bằng và 100% đối với miền núi nên tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển là hợp lý (vì không có hoặc rất ít trường hợp rớt).
Thời gian qua, tỷ lệ tuyển sinh giảm dần, tỷ lệ chung toàn tỉnh hiện nay là 80% và kế hoạch trong các năm đến sẽ tiếp tục giảm. Sự cạnh tranh lớn trong tuyển sinh nên chuyển sang thi tuyển là hợp lý.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT giải thích thêm, nếu tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển phân tuyến là không công bằng đối với HS giữa các trường THCS với nhau.
Hơn nữa, xét tuyển trong những năm qua bộc lộ nhiều hạn chế như việc đánh giá, xếp loại HS chưa đúng thực chất, làm cho HS thiếu động lực học tập, không đảm bảo được sự khách quan, công bằng.
Vì vậy, phương án thi tuyển sẽ khắc phục tình trạng học lệch, sự may rủi khi thi; đồng thời tạo động lực cho HS học tập cũng đánh giá toàn diện quá trình học tập của học trò.
Cần nói thêm, hiện nay trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước có đến 44 tỉnh tổ chức thi tuyển, 11 tỉnh chọn phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển, chỉ có 8 tỉnh chọn phương thức xét tuyển, trong đó có Quảng Nam.
Ủng hộ phương án thi tuyển vào lớp 10 công lập, song theo phụ huynh Đoàn Minh Cường (Tam Kỳ), thời điểm thực hiện trong năm 2025 là hợp lý nhất để phụ huynh và học sinh có thời gian chuẩn bị kỹ, tránh trường hợp bị động, tạo ra sự lo lắng.
Nhiều phụ huynh cũng mong muốn và đề nghị ngành GD-ĐT tổ chức kỳ thi công bằng, minh bạch, đề thi vừa sức và nên thông tin sớm ngay từ đầu năm học để toàn xã hội biết.
Cần thêm sự đồng thuận xã hội
Để xây dựng phương án tuyển sinh, Sở GD-ĐT đã có sự chuẩn bị khá công phu trong thời gian dài (từ năm 2020), từ việc tổ chức khảo sát lấy ý kiến phụ huynh và HS, các trường THPT, UBND huyện, thị xã, thành phố đến hội nghị chuyên đề với sự tham gia của hiệu trưởng các trường THPT và trưởng phòng GD-ĐT. Sở GD-ĐT cho biết, về cơ bản tất cả đều ủng hộ thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 từ xét tuyển như hiện nay sang thi tuyển.
Không dừng lại ở ngành GD-ĐT, để góp thêm tiếng nói, tháng 11/2023 Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh cũng đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện phương án tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, thu hút sự tham gia của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, trường THPT, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các ý kiến đều đồng tình với phương án và cho rằng “đã học thì phải thi và thi tuyển sẽ tạo ra công bằng, nâng cao chất lượng”.
Cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn về thời điểm áp dụng, cho rằng đây là vấn đề mới, tác động sâu rộng đến nhiều gia đình nên cần đẩy mạnh tuyên truyền và cần có độ trễ về thời gian để ngành chuẩn bị kỹ hơn, phụ huynh, HS có thời gian để đón nhận thay đổi.
Có thể nói, thay đổi phương thức tuyển sinh 10 tác động đến nhiều phụ huynh, HS và xã hội nên việc chuẩn bị kỹ càng và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân là điều hoàn toàn cần thiết.
UBND tỉnh cũng vừa có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội, góp ý đối với dự thảo phương án tuyển sinh nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân trước khi triển khai thực hiện sau khi có kết luận của Thường trực Tỉnh ủy và Ban cán sự đảng UBND tỉnh.
Ông Thái Viết Tường cho biết, Sở GD-ĐT đang chờ hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức để tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị, hoàn chỉnh phương án trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
So với phương án cũ chỉ lùi thời gian thực hiện sang năm 2025, còn lại về cơ bản vẫn giữ nguyên: thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, kết hợp với đánh giá kết quả hạnh kiểm và học tập trong 4 năm học ở cấp THCS; mỗi HS được đăng ký 2 nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT khác nhau.