Phượng ca – xứ Quảng hiền triết và thơ mộng của Vũ Đức Sao Biển

LÊ THỊ CẨM PHƯỢNG 05/10/2021 17:34

(QNO) - "Phượng ca" là tập tản văn của cố nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, nhà báo Vũ Đức Sao Biển xuất bản năm 2019 sau cơn bạo bệnh dài. Bạn đọc của ông tìm thấy những mảnh ghép đầy hoài niệm về thuở ấu thơ, tuổi học trò của nhạc sĩ ở quê nhà Quảng Nam.

Lê Thị Cẩm Phượng, sinh viên Đại học Đà Nẵng chia sẻ những đồng cảm, sự mến mộ và niềm yêu thích của mình khi thật tình cờ, tên của bạn đọc là một phần của cuốn sách.

-------------   

Bìa tập sách “Phượng ca“. Ảnh: CẨM PHƯỢNG
Bìa tập sách “Phượng ca“. Ảnh: CẨM PHƯỢNG
Phượng ca - cái tên gợi nhớ về một ngày xưa trong trẻo. Một ngày xưa mà tôi chắc rằng bất cứ ai đã từng đi qua đều mang một nỗi luyến tiếc vô định. Tôi thích đọc Phượng ca của tác giả Vũ Đức Sao Biển vì giấc mộng ngược dòng thời gian.

Có thể một lúc trốn chạy cuộc sống thường nhật, của một người trưởng thành trước bao đổi thay của cuộc đời mà tôi chẳng ngờ tới, là để tìm lại một chút ngây ngô tuổi hồng tôi, tìm lại chính tôi của ngày xưa.

Tôi thích đọc Phượng ca vì chính tác giả Vũ Đức Sao Biển là người cùng quê, đồng hương với tôi. Tôi tò mò muốn biết thế hệ ông cha tôi đã trải qua thời trung học như thế nào, có giống tôi không? Những đứa đứa học trò nghèo ở bên rìa ốc đảo, theo con đò vượt sông Hoài tìm con chữ ở Hội An. Dường như rất giống mà cũng rất khác!

Tôi vẫn nhớ khi tôi còn bé, hay theo bà theo mẹ đi xem chương trình văn nghệ vì người nghèo ở sân ủy ban xã. Có một điều đặc biệt, bà con quê tôi ai cũng trông chờ đến tiếc mục cuối cùng. Trên sân khấu là một người đàn ông đã lớn tuổi, đội mũ, đeo kính ngồi trên ghế ôm cây đàn guitar cất lên một giọng ca say lòng người. Là ông - Vũ Đức Sao Biển, cậu bé Hợi người Bàn Thạch, Duy Vinh sang Hội An đi học năm nào mà tôi gặp trong quyển Phượng ca.

 

Quê hương tôi bao năm đã đổi thay, bến cũ vắng bóng con đò xưa, thay vào đó là những chiếc cầu bê tông mới. Nhưng mùi của quê hương vẫn vậy, vẫn đặc biệt như cách Hợi mang theo trong nỗi nhớ. Mùi của rơm rạ, mùi phân trâu bò, mùi thơm của sợi lác mới chẻ phơi trong nắng lụa. Nó gây nhớ lạ lùng.

Nó khác với một Hội An hiền triết và thơ mộng mà Hợi biết đến sau này.

Hợi thèm được một lần thử ăn lại cho bỏ ghét món chè đậu đen của bà Chỉ hồn nhiên, dơ hầy bán chè trên lề đường năm xưa, thử nếm qua vị phở đình Ông Voi của bọn con nhà giàu. Những món ăn mà bây giờ có tiền cũng  không mua được.

Hợi nhớ về cậu bạn học người Huế tên Tấn đã cho mượn chiếc áo vest mùa đông năm nào, nhớ thằng Bài với cái trò nghịch dại làm giả con rắn hù đám con gái. Nhớ hôm ngủ ngoài biển cùng thằng Long... Nhớ cái “mô, chi, tê, răng, rứa” đầy ân tình, gần gũi của bà con mình.

Những rung động đầu đời cứ ngỡ một thời nhưng chúng ta thường sẽ nhớ hết một đời. Thích người ta mà không dám nói thẳng, cũng chẳng dám nói vòng. Nên, trên đường đến trường, có một loại ngôn ngữ tình yêu gọi là vô thanh bay trong gió giữa cậu bé Hợi và cô bạn học cùng quê nghèo. Cứ thế cuốn đi âm thầm và lặng lẽ. Chỉ có đồi núi, tháp cổ, dòng sông, phố thị mơ màng làn chứng cho một lời hứa. “Anh sẽ viết tặng em một bài hát”. Và cậu bé Hợi sau này đã viết “Thu, hát cho người”.

Không thể phủ nhận, Hội An đem đến cho người ta cảm giác muốn làm một cái gì đó nghệ thuật. Bởi chính phổ cổ đã là một nghệ thuật kiến trúc vượt thời gian. Hội An đủ lãng mạn để chắp cánh cho những mảng tình đẹp đẽ, những tâm hồn nghệ sĩ bay bổng bên trong song cửa sổ. Và thật lý tưởng để ta bắt đầu một mối tình chăng?

Đọc hết quyển sách,  tôi lục lọi lại trong miền ký ức rời rạc những kỷ niệm chắp vá. Trong cả những khoảng vô thức vốn từ lâu đã ngủ yên, có những đoạn hồi ức làm tôi cảm thấy se lòng, lại có những đoạn làm tôi cười ha hả như đoạn ký ức của Hợi. Rồi lại chợt nhớ, chợt mơ về một miền xưa cũ, chợt nhoẻn miệng cười rồi cũng chợt thấy cay cay ở sóng mũi. Tôi gọi đó là sự đồng điệu của những trái tim trong trẻo một thời Phượng ca.

Hóa ra, ai cũng có một ngày xưa !

Và thật tình cờ tên của tôi cũng là “Phượng”.

--------

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phượng ca – xứ Quảng hiền triết và thơ mộng của Vũ Đức Sao Biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO