Tôi qua làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An), ghé nhà anh Huỳnh Sướng đúng lúc có vài người khách từ Sài Gòn ra ghé thăm. Vắng lặng. Tôi hỏi vợ anh thì nghe chị kêu “ơi anh có nhà báo hỏi”. Vẫn những chạm trổ, hoa văn, mặt người, hình vật, những họa tiết nổi chìm. Nhưng có điều chi đó xao xác trên những thớ gỗ.
Anh Huỳnh Sướng và Nhà đón tiếp khách và trưng bày sản phẩm mộc Kim Bồng đóng cửa.Ảnh: T.V |
“Ít khách lắm, quá ít so với năm ngoái” - giọng anh Sướng thiệt rầu. “Ít là bao nhiêu?”. “Đầu năm đến chừ tổng thu nhập tại đây hơn 100 triệu đồng, trong khi năm ngoái gấp nhiều lần như rứa”. “Vì sao?”. “Khách không có chứ sao. Khách Hàn Quốc, Nhật Bản… được các công ty lữ hành đưa đi tham quan, họ chạy thẳng một đường lên Thanh Hà xuống Trà Quế, vừa đỡ tốn thời gian, xăng dầu, vừa thu được tiền nhiều. Qua đây là phải tách ra, chịu thiệt thòi, bởi bên này chỉ có một điểm thăm”. “Anh có kiến nghị không?”. “Nói miết, chán rồi, bữa trước mời họp, anh làm biếng bỏ luôn”.
Mé sát nhà anh là Nhà đón tiếp khách và trưng bày sản phẩm mộc truyền thống Kim Bồng. Rác, cỏ, đồ linh tinh bỏ ngổn ngang, bụi phủ, cửa đóng im lìm. “Đóng cửa hồi đầu năm tới chừ đó”. “Sao mà đóng?”. “Thì có ai thăm đâu mà không đóng, rồi chuyện trách nhiệm quản lý đi cùng quyền lợi ì xèo lắm”. Từ lúc gặp đến giờ, giọng anh vẫn đều đều, buồn như mọt nghiến gỗ. Có vị khách muốn tìm hiểu, như được cởi lòng, anh nói một mạch, rằng mang tiếng là làng mộc, nhưng chỉ mình nhà anh làm, nghề chính vẫn là làm nhà rường, đồ thủ công mỹ nghệ chẳng qua là phụ; trưng bày ở đây chủ yếu là hàng lưu niệm. “Bây giờ, với tài sản hiện có, anh bỏ nghề được chứ, nhưng đâu có dễ. Nghề của cha ông, mình phải giữ. Thử hỏi ở Hội An này, nếu không có các làng nghề, thì có phát triển được du lịch không? Có, nhưng sẽ đơn điệu lắm. Chính quyền hô hào phát triển, hỗ trợ làng nghề, nhưng đặc thù vị trí địa lý của làng Kim Bồng nằm ở đây, không tiện cho đi lại, thì muốn nhộn nhịp, cần phải điều chỉnh hướng tuyến cho khách tham quan biết, chứ không thể thả nổi cho tư nhân. Họ cũng kinh doanh, lợi thì họ làm. Mình không trách, nhưng đổi lại, sẽ thiệt thòi biết mấy nếu du khách không biết Hội An có một làng mộc mà tên tuổi đã vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Cái này vượt khỏi tầm tay anh. Thôi ráng được chừng nào hay chừng đó” – anh nói một tràng.
Anh Huỳnh Sướng và sản phẩm lồng chim hình Phượng Hoàng. |
Anh kéo tôi xuống gian trưng bày cuối nhà, ở đó có mấy lồng chim được tạc từ gỗ lũa, đan chèn tre vào để làm lồng. Chỉ một cái lồng lớn, anh nói: “Đây là lồng chim hình con Phượng Hoàng, tháng 4 vừa rồi anh mang ra Hà Nội triển lãm, có người trả 2 nghìn đô la anh không bán”.
Tôi ngó dáng anh đứng cạnh cái lồng hình con phượng, không dám bung ý nghĩ vừa ập đến: Ngó bộ làm ăn buồn nhách này, ông giống phượng hoàng bị nhốt trong lồng quá ông Sướng ơi!
TRUNG VIỆT