"Pi - a"

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 13/11/2016 08:23

Đấy là một trong nhiều “tiếng Tây” được dùng khá phổ biến hiện nay. Nếu phải “tầm nguyên” cho chắc ăn, cho khỏi phải cãi cọ, thì cứ… giở tự điển ra: “pi - a” là chữ viết tắt của hai từ P.R (public relations): quan hệ công chúng. Sách ghi rõ ràng ràng: đó là việc một tổ chức chủ động quản lý các quan hệ giao tiếp cộng đồng để tạo dựng và giữ gìn một hình ảnh tích cực của mình, bao gồm việc quảng bá thành công, giảm nhẹ thất bại, công bố các hoạt động khác. Hiểu nôm na, P.R là tạo các mối liên hệ ảnh hưởng đối với môi trường bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp, nhằm hướng đến công chúng, gồm các tầng lớp người sống trong xã hội: khách hàng, cơ quan truyền thông - báo chí, chính quyền, các đoàn thể quần chúng... Như thế, public relationship hàm chứa nội dung “xã hội”, nghĩa là trong cái việc giới thiệu sản phẩm, có sự trao đổi thông tin đi - lại giữa người sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng.

Nói “túm lại”, pi-a không có gì là… sai quấy cả! Mà ngược lại, còn cần thiết nữa chớ. Bởi vì, dù sản phẩm có tốt đến mấy, việc làm có “hay” tới đâu mà nếu không nói cho người khác biết, thì cũng như viên ngọc quý mà để trong bóng tối, có ai mà thấy cho đặng?

Nhưng vì sao mà giờ đây, cái từ này được dùng nhiều thế? Rõ ràng là, bởi đây là thời buổi của quảng cáo, của tiếp thị mà...

Mà cũng vì, khi nói hai từ này, bàn dân thiên hạ cho rằng có vẻ “sang trọng” hơn. Mà cũng vì, do bị mặc cảm dùng chữ “tiếp thị” hay “quảng cáo”, dường như nó có vẻ... thấp kém.

Nhưng thật ra, hiện nay ít có công ty nào “hành xử” đúng nội dung hai từ này. Ở nước ta, phần lớn là chỉ thông tin một chiều, qua đủ thứ hình thức quảng cáo, từ báo chí, truyền hình cho đến cái việc khá phổ biến và ít tốn tiền nhất là... thả tờ rơi.

Hai từ P.R này, hiện cũng được dùng với nghĩa... giễu cợt. Chẳng phải thế sao, khi người ta thường cười cười ở một nhóm người nào đó quanh bàn cà phê, chẳng hạn: “pi-a dữ hí”, “thôi, biết rồi, không cần pi-a nữa đâu”.

Vậy thì phải làm sao, để “trả lại công bằng” cho cái từ pi-a này? Câu hỏi có vẻ… giỡn chơi ni, để trả lời sao cho nghe lọt lỗ tai, ngó vậy mà… khó hung! Bởi vì nó liên quan đến những vấn đề vĩ mô của cả một hệ thống lớn, từ… triết lý chính trị đến thiết chế xã hội và việc cụ thể hóa bằng những cơ quan quản lý nhà nước…

Nhưng, đầu tiên và cuối cùng, “biện pháp” cho cái từ pi-a nhỏ nhỏ này lại là chuyện… đạo đức, nhất là giữa cái kỷ nguyên của sự xuống cấp toàn diện do những căn bệnh của “thế giới tân tiến hiện thời đang sụp đổ dưới sự ảnh hưởng của tội lỗi xấu xa về mặt đạo đức”, như nhận định của Sarvapalli Radhakrishnan, giáo sư bộ môn Tôn giáo và Đạo đức học Đông phương (Trường Đại học Oxford - Anh Quốc).

Như thế, từ cái “chuyện nhỏ” của hai chữ pi-a này, có thể “khái quát” thành một trong những đòi hỏi lớn: sự nỗ lực thường xuyên để chống lại các kiếu cách pi-a thiếu đúng đắn?

Có phải như thế không?

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Pi - a"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO