(QNO) - Kết thúc mùa giải 2015, QNK Quảng Nam thanh lý hợp đồng cùng lúc 5 cầu thủ: Văn Bửu, Hồng Điệp, Văn Việt, Hoàng Đức, Hữu Phúc. Đáng nói ngoài Hữu Phúc là người thuộc biên chế Hà Nội T&T, 4 cái tên còn lại đều có hộ khẩu Quảng Nam.
Vì sao sân Tam Kỳ nguội lạnh?
V-League 2015, trận đấu thuộc vòng 17 giữa HAGL và QNK Quảng Nam, sân Tam Kỳ lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu từ thuở khai sinh đến nay. Sức chứa gần 15 ngàn chỗ ngồi của sân vận đồng này được lấp đầy, nhiều khán giả có vé vẫn đành phải ngậm ngùi về nhà mở tivi xem. Tuy nhiên, kỷ lục này xuất phát từ sức hấp dẫn của thương hiệu U19 HAGL. Ngoài trận đấu ấy, sân nhà của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc luôn trong cảnh đìu hiu, cho dù đối thủ của họ là các đội bóng lớn như B.Bình Dương, SHB Đà Nẵng hay Hà Nội T&T…
Văn Việt (3) là đội trưởng QNK Quảng Nam dưới thời HLV Vũ Quang Bảo. |
Điều này khác hẳn với bầu không khí sân Tam Kỳ ở giải hạng Nhất 2013 và V-League 2014, dưới thời HLV Vũ Quang Bảo. Khi đó, Hội cổ động viên QNK Quảng Nam, người hâm mộ bóng đá xứ Quảng luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo ra cách thức tiếp lửa sôi động nhất, hiệu quả nhất cho đội bóng. Đến Tam Kỳ chúng tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh chú chim “phượng hoàng lửa” tự chế của Hội CĐV để làm biểu tượng cho đội bóng. Rồi mấy bác đạp xích lô, xe thồ tự mày mò, chế tạo ra chiếc kèn hơi, hay những cuộc diễu binh, diễu hành rực màu xanh trên đường phố…
Theo người hâm mộ xứ Quảng, có ba lý do dẫn đến “trắng” khán đài vừa nêu: mùa này QNK Quảng Nam được đầu tư mạnh nhưng thi đấu phập phù và không thể hiện được bản sắc trong lối chơi. Dù có nhiều cầu thủ gốc Quảng trong đội hình, song HLV Hoàng Văn Phúc rất ít khi tạo cơ hội để họ ra sân. Ngoài ra, giữa người hâm mộ xứ Quảng và ban huấn luyện, cầu thủ QNK Quảng Nam luôn tồn tại khoảng cách lớn chứ không còn giữ được mối giao hòa như dưới thời HLV Vũ Quảng Bảo.
Nhạt nhòa chất Quảng
Quảng Nam là một tỉnh nghèo nhưng hàng năm vẫn phải rút khoảng 13 tỷ đồng tiền ngân sách để cùng nhà tài trợ nuôi đội bóng. Đó là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và nhân dân Quảng Nam, song dường như câu lạc bộ QNK Quảng Nam đang đi chệch hướng trong việc trở thành một đứa con tinh thần mang bản sắc xứ Quảng.
Thật ra, khi HLV Vũ Quang Bảo còn tại vị, QNK Quảng Nam đã rất nỗ lực trong việc chinh phục tình yêu của người hâm mộ quê nhà. Họ mang về sân Tam Kỳ một số cầu thủ gốc Quảng Nam - Đà Nẵng như Hoàng Đức, Ngọc Vỹ, Hồng Điệp, Minh Tuấn, Thanh Hưng, Cao Cường…; đồng thời tạo điều kiện để những mắt xích như Văn Việt, Chí Huynh, Văn Bửu, Thanh An có cơ hội tỏa sáng.
Những cố gắng ấy của HLV Vũ Quang Bảo được cầu thủ gốc Quảng Nam cũng như người hâm mộ nơi đây thừa nhận. Và trong bối cảnh lực lượng còn hạn chế, kinh nghiệm thi đấu V-League hạn hẹp, chính sự động viên, ủng hộ của người hâm mộ xứ Quảng là động lực để QNK Quảng Nam trụ hạng thành công trước nhiều vòng đấu.
Trước thềm V-League 2015, HLV Vũ Quang Bảo đột ngột chia tay đội bóng gây ra nhiều xáo trộn. Theo đó, đội bóng xứ Quảng dưới sự dẫn dắt của cựu HLV đội tuyển Việt Nam mất phương hướng với chỉ 2 trận thắng sau 13 vòng đầu tiên. Mục tiêu tốp 6 đặt ra từ đầu giải được chuyển hóa thành mục tiêu trụ hạng.
Với người hâm mộ bóng đá xứ Quảng, thắng thua không quan trọng bằng việc QNK Quảng Nam có được… chất Quảng. Mong ước đó đã không được đáp ứng trong mùa giải vừa qua, và có lẽ cũng không thể thành hiện thực trong mùa giải tới khi HLV Hoàng Văn Phúc tiếp tục xem nhẹ tính địa phương, chia tay thêm 4 cầu thủ gốc Quảng, dù những Văn Việt, Văn Bửu, Hoàng Đức đều còn khá trẻ. Thậm chí, trong mùa giải 2013, Văn Việt là đội trưởng của QNK Quảng Nam, còn V-League 2014 anh là một trụ cột nơi hàng thủ đội bóng trước khi dính chấn thương trong giai đoạn cuối mùa.
MẮT BÃO