Những năm gần đây, Huyện ủy Núi Thành đã thực hiện tốt Chỉ thị 54/CT-TU của Tỉnh ủy về sưu tầm, hệ thống và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng để giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ…
Học sinh Núi Thành tìm hiểu về truyền thống cách mạng của cha ông thông qua những cuốn sách lịch sử cách mạng địa phương. Ảnh: Đ.Đ |
Kết quả bước đầu
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Núi Thành là nơi khởi đầu phong trào đồng khởi giải phóng vùng Tứ Mỹ (1961) mở ra bước ngoặt cho phong trào đồng khởi giải phóng nông thôn đồng bằng khu 5. Núi Thành cũng là nơi đánh Mỹ và thắng Mỹ đầu tiên bằng trận đánh Núi Thành năm 1965. “Chính vì vậy, Huyện ủy Núi Thành luôn chú trọng công tác sưu tầm những tư liệu quý về chiến tranh cách mạng. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 54/CT-TU của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành đẩy mạnh công tác sưu tầm, sử dụng những tư liệu có được để tổ chức biên soạn, xuất bản nhiều tập sách có giá trị để ghi lại những chặng đường đấu tranh cách mạng hào hùng của quê hương để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhất là với thế hệ thanh niên, học sinh. Đến nay, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành đã biên soạn đề cương bài giảng nội dung Lịch sử Đảng bộ huyện để giảng dạy trong chương trình bồi dưỡng đảng viên mới, để các trường học lồng ghép vào các tiết học lịch sử, và sử dụng tuyên truyền ở các ngày lễ lớn…” - ông Hiếu chia sẻ.
Đến nay, Núi Thành đã tổ chức sưu tầm được trên 3.000 trang tài liệu quý. Trong đó, có 2.000 trang báo cáo, 200 trang các văn bản nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ Nam Tam Kỳ thời kháng chiến chống Mỹ, gần 25 cuốn hồi ký của các đồng chí cán bộ tiền nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương. “Bên cạnh công tác sưu tầm, Huyện ủy cũng đã thông qua các cuộc thi viết về đề tài chiến tranh cách mạng với kết quả khả quan. Nhiều bài viết ghi lại đầy đủ sự kiện, những trận đánh, những con người cách mạng trung kiên… với những chứng cứ cụ thể, có giá trị” - ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay. Từ các nguồn tài liệu này, huyện ủy đã sử dụng để biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, Lịch sử vũ trang nhân dân huyện, các ngành, đoàn thể và các xã… Song song với việc tìm kiếm tài liệu lịch sử, Huyện ủy Núi Thành còn chú trọng, chỉ đạo các cơ quan liên quan ở huyện quan tâm hơn đến các di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, Núi Thành tổ chức các cuộc khảo sát, thống kê và đã xếp loại trên 70 di tích lịch sử và xây dựng hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận. Đồng thời dành nguồn kinh phí xây dựng một số di tích lịch sử trên địa bàn để tạo nên các điểm tham quan, học tập cho học sinh, thanh niên.
Tăng mức đầu tư
Cùng với những thành công trong công tác tìm kiếm, sưu tầm tư liệu về chiến tranh cách mạng, Huyện ủy Núi Thành giao cho Ban Tuyên giáo tổ chức thực hiện các tập sách viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Kết quả, năm 2011, xuất bản tập ký sự Lửa Núi Thành (tập 1). Năm 2013, tiếp tục xuất bản tập 2 và hiện nay đang triển khai thực hiện tập 3. Đây là thành công lớn vì các tập sách đã viết về người thật, việc thật, được đông đảo người đọc ở địa phương quan tâm, nhất là những người trực tiếp tham gia kháng chiến. Qua đó, người đọc cung cấp thêm tư liệu để làm sinh động, rõ ràng hơn nhiều sự kiện xảy ra trong chiến tranh. Ngoài ra, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Núi Thành (năm 2013), Huyện ủy đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản tập sách “Núi Thành - những con người kiên trung” và tập kỷ yếu Hội thảo “Giải phóng Tứ Mỹ - ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”. Các xã, thị trấn ở Núi Thành cũng tổ chức sưu tầm và biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Đến nay, gần 10 xã đã viết xong Lịch sử đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930 - 1975 của địa phương mình.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, công tác sưu tầm, sử dụng các tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng ở huyện Núi Thành đạt được những kết quả khả quan là nhờ sự quan tâm đúng mức của huyện ủy trong công tác này. Đặc biệt, sự hỗ trợ về kinh phí cho các địa phương, ban ngành, đoàn thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc sưu tầm, biên soạn. “Hằng năm, huyện phân bổ cho các xã miền núi, ven biển 70 triệu đồng/xã và xã đồng bằng là 50 triệu đồng/xã, riêng với xã đặc biệt khó khăn là Tam Trà thì huyện hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện và các ngành, đoàn thể có mức hỗ trợ là 150 - 200 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chi phí thực hiện khá lớn nên năm 2015, huyện sẽ tăng mức hỗ trợ cho các xã lên 100 triệu đồng/xã”. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc sưu tầm, hệ thống và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng vẫn gặp khó ở các điểm: “Thiếu những con người có trình độ chuyên môn, có hiểu biết giỏi về nghiệp vụ khảo cứu, biên soạn và kinh phí thực hiện còn khá eo hẹp, nhiều nhân chứng qua đời do tuổi cao sức yếu mà các địa phương không thể “chạy đua với thời gian” do không đủ nhân lực… đã hạn chế đến công tác này.
ĐOÀN ĐẠO