Qua bản Tà Vàng

ĐÌNH HIỆP 26/01/2015 09:12

Trong những ngày đầu năm mới 2015, theo chân các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry trong chuyến thăm và tặng quà bà con các bộ tộc Lào ở những bản giáp ranh, chúng tôi có dịp ghé thăm bản Tà Vàng - bản làng xa xôi nhất của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông nước bạn Lào. Sau gần 2 tiếng đồng hồ đi bằng xe U oát, rồi 30 phút cuốc bộ chúng tôi đặt chân đến Tà Vàng. Bản nằm heo hút dưới thung lũng sâu, bao quanh là những đồi tranh và cánh rừng thông. Bản có 35 hộ với khoảng 189 nhân khẩu. Ngoài tiếng Lào, người dân nơi đây còn có thể nói được tiếng Kinh và Cơ Tu. Đặc biệt hơn, ai cũng mang hai họ, một theo tiếng Việt Nam, một theo tiếng Lào.

  • Ngày hội đoàn kết ở Tà Vàng
  • Lên Tà Vàng
Bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) nhìn từ trên cao.
Bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) nhìn từ trên cao.

Bản nghèo vùng biên

Phần lớn bà con nơi đây có nguồn gốc từ đồng bào dân tộc Cơ Tu từ Việt Nam sang và sinh sống định cư lâu đời. Dù sống bên Lào, hay bên Việt, tình hữu nghị đoàn kết keo sơn vẫn luôn được đồng bào nơi đây lưu giữ. Cùng với tết Bunpimay, họ vẫn ăn tết cổ truyền của Việt Nam, vẫn bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới.

Ông Khoảng Sinh - Trưởng bản Tà Vàng cho biết: “Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, không đường, không điện, không trường, không ti vi, không xe máy… Họ sống chủ yếu dựa vào phát rừng làm nương rẫy. Diện tích lúa nước cũng có nhưng rất ít, nhà cửa nơi đây toàn tranh tre, nứa lá; đường sá đi lại thì quá khó khăn. Vì đây là bản xa nhất của huyện Kà Lừm, cách trung tâm huyện gần 200km, nên việc mua bán, trao đổi hàng hóa gần như không diễn ra. Phần lớn bà con nơi đây đi bộ khoảng 3 tiếng đồng hồ sang phía xã A Xan, huyện Tây Giang để mua bán, trao đổi hàng hóa. Bà con khi đau ốm cũng đều sang Trạm Y tế Quân dân y kết hợp A Xan để khám chữa bệnh, xin thuốc. Một khó khăn nữa là hầu hết trẻ em nơi đây chỉ học xong tiểu học rồi nghỉ. Nhiều em muốn đi học lên cao hơn nhưng đành chịu vì không thể đi bộ 3 ngày đường để đến trường huyện”.

Điều kiện học tập của các em ở đây cũng hết sức khó khăn. Bốn mươi học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 phải học tập trong căn nhà tạm do bà con tự làm. Đó là căn nhà gỗ chia làm 2 phòng học, bảng viết là 2 tấm ván gỗ ghép lại; bàn học, ghế là những tấm gỗ thông kê tạm. Kẻng báo giờ học của trường được các thầy tận dụng từ lưỡi cuốc cũ của dân bản. Hai giáo viên nam được Phòng Giáo dục huyện Kà Lừm điều từ huyện vào. Các thầy dạy 3 tuần thì cho học sinh nghỉ một tuần để về thăm gia đình.

Nhường cơm sẻ áo

Trước những khó khăn của bà con nhân dân bản Tà Vàng, dù  nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước nhưng hằng năm huyện Tây Giang vẫn trích từ ngân sách khoảng 500 triệu đồng mua một số nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, muối, bột ngọt, áo quần... để hỗ trợ nhân dân các bản vùng giáp ranh, trong đó có bản Tà Vàng. Ông Alăng Tối - Trưởng phòng Dân tộc huyện Tây Giang cho biết: “Có năm Tây Giang còn mua cả tấm lợp tôn chuyển qua cấp phát để xóa nhà tạm. Đặc biệt trong những mùa mưa bão hay mùa giáp hạt, Tây Giang đều “nhường cơm sẻ áo”, chia bớt một phần gạo cứu trợ của tỉnh để hỗ trợ cho bà con nhân dân bản Lào vùng biên”.

Ngôi trường tạm của bản Tà Vàng.  Ảnh:  ĐÌNH HIỆP
Ngôi trường tạm của bản Tà Vàng. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Đại tá Trần Đắc Đồng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Xan cho biết: “Trước đây bản Tà Vàng rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Bà con nơi đây thường rơi vào cảnh thiếu đói thường xuyên, rồi bệnh tật đau ốm liên miên... Đồn đã cử cán bộ sang tận bản hướng dẫn bà còn cách làm ruộng lúa nước, cách chăn nuôi chuồng trại. Đặc biệt, năm nào đồn cũng cử cán bộ quân y sang khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân”. Ngoài việc giúp các bản Lào vùng biên xóa đói giảm nghèo, khám chữa bệnh, huyện Tây Giang còn hỗ trợ giúp bạn xây dựng trường học. Đích thân Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang đã đứng ra vận động các doanh nghiệp trong và ngoài huyện hỗ trợ được tổng số tiền 200 triệu đồng để xây dựng ngôi trường gỗ, lợp tôn với quy mô 3 phòng học cho bản Tà Vàng. Trong chuyến thăm và tặng quà cho bà con cuối tuần qua, chủ trương này của ông được bà con vui mừng đón nhận. Ông còn chỉ đạo các ban ngành liên quan, vận động các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện hỗ trợ thêm xi măng, công vận chuyển vật liệu để làm trường. Dự kiến ngôi trường này sẽ khởi công vào đầu tháng 3 và sẽ khánh thành đúng vào dịp 30.4.2015.

Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ và nhân dân huyện Tây Giang, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng A Xan và Ga Ry, đã góp phần làm cho kinh tế - xã hội bản Tà Vàng có những khởi sắc, người dân bớt đi phần cơ cực. Già làng Ría Bớp không giấu được cảm xúc vui mừng: “Nhờ tinh thần đoàn kết hữu nghị, sự yêu thương đùm bọc giúp đỡ của đồng bào, chiến sĩ huyện Tây Giang của tỉnh Quảng Nam mà bản Tà Vàng của mình có được như ngày hôm nay. Đó là minh chứng cho sự đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt - Lào”.

ĐÌNH HIỆP

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Qua bản Tà Vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO