Đằng sau những vinh quang trên sân cỏ, “Quả Bóng vàng Việt Nam năm 2012” Huỳnh Quốc Anh còn nhiều điều ít được biết đến.
Trong sự nghiệp cầu thủ, Huỳnh Quốc Anh nổi tiếng với 2 hình ảnh trái ngược: Vòng lao lý do tiêu cực tại SEA Games 23 năm 2005 và “Quả Bóng vàng Việt Nam năm 2012”.
Trái bóng - cuộc đời
Huỳnh Quốc Anh quê thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My. Ba là ông Huỳnh Quốc Thu từng là công nhân lái xe cho một xí nghiệp ở địa phương, mẹ là bà Lê Thị Tuyển - giáo viên tiểu học. Một năm sau khi tỉnh Quảng Nam tái lập và Đoàn bóng đá Quảng Nam tổ chức tuyển sinh lớp năng khiếu, Quốc Anh lặng lẽ ứng tuyển. Thời điểm đó, một cậu trò lớp 8 từ miền núi Bắc Trà My xuống Tam Kỳ học bóng đá khó được cha mẹ đồng ý. Huống gì, theo lời kể của bà Tuyển, Quốc Anh đi thi gia đình không biết. Chiều ý con, gia đình đồng ý với điều kiện sau 1 năm phải về vì “đá bóng đâu có tương lai”. Nhưng 1, 2 rồi 3 năm chẳng thấy con về!
Huỳnh Quốc Anh trong màu áo SHB Đà Nẵng. |
Với tố chất kỹ thuật khá tốt cùng thái độ tập luyện chăm chỉ, Quốc Anh tiến bộ nhanh chóng. Sau 3 năm khăn gói vào lớp năng khiếu, ở mùa giải hạng nhì quốc gia năm 2001, vừa 16 tuổi, Huỳnh Quốc Anh đã được huấn luyện viên (HLV) Bùi Thông Tuân đôn từ đội trẻ lên đội 1. Sự có mặt của chàng trai trẻ đã tạo nét tươi mới của đội Quảng Nam lúc đó. Chỉ 1 năm sau, cậu học trò lớp 11 đã được tin tưởng giao suất chính thức trong đội hình tuyển Quảng Nam tại mùa giải hạng nhì năm 2002. Từ thành công ban đầu này, sự nghiệp cầu thủ của cậu bé người Trà My đã bước sang trang mới với việc gia nhập đội bóng Đà Nẵng. Con đường mà Quốc Anh chia tay Quảng Nam về với Đà Nẵng cũng chẳng dễ dàng. Lúc đầu, lãnh đạo Sở TDTT và Đoàn bóng đá Quảng Nam không đồng ý. Nhưng vì mối quan hệ giữa 2 địa phương nên buộc lòng, lãnh đạo ngành TDTT tỉnh nhà để cầu thủ trẻ nhiều triển vọng của mình ra đi. Biết chuyện, ba mẹ Quốc Anh không đồng ý vì sợ con xa nhà, học hành dở dang. Lại thêm nhiều lần thuyết phục, gia đình mới gật đầu.
Cho đến hôm nay Quốc Anh đã có nhiều thứ mà bất cứ cầu thủ nào cũng đều mong ước, từ tiền bạc cho đến những phần thưởng, danh hiệu cao quý như tuyển thủ quốc gia, giành 2 chức vô địch V-League, danh hiệu “Quả Bóng vàng Việt Nam”. Cũng có thể nói, ngả rẽ sự nghiệp khi gia nhập đội bóng Đà Nẵng năm 2002 là cơ hội quý hơn vàng để Huỳnh Quốc Anh trong hơn 10 năm qua được thi đấu tại đấu trường cao nhất Việt Nam. Nhưng, đất mẹ Quảng Nam - nơi Quốc Anh sinh ra, lớn lên, học tập, tập luyện được coi là khoảng thời gian đáng nhớ nhất để anh trưởng thành.
Trọng nghĩa - trọng tình
Theo lời kể của HLV Nguyễn Thiên, lúc đầu khi mới vào lớp năng khiếu Đoàn Bóng đá Quảng Nam Huỳnh Quốc Anh thi đấu thuận chân phải. Tuy nhiên, sau một thời gian, không hiểu sao Quốc Anh lại đá tốt chân trái hơn. Hiện nay, Quốc Anh là một trong số rất ít cầu thủ Việt Nam thi đấu đều cả 2 chân. Thế nhưng, chân trái của anh vẫn đá tốt hơn. |
Một thời gian ngắn sau khi giành danh hiệu cao quý “Quả Bóng vàng Việt Nam”, Huỳnh Quốc Anh quay trở lại trường THCS Nguyễn Huệ (TP.Tam Kỳ), nơi anh học tập những năm 1998-2000. Ngoài thăm lại thầy cô giáo cũ, Quốc Anh còn làm một việc rất ý nghĩa là trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của trường. Nhưng không phải đợi đến khi đã trưởng thành, giành được nhiều thành công thì “Quả Bóng vàng Việt Nam” mới nhớ đến những người đã giúp đỡ mình thời thơ ấu. HLV Nguyễn Thiên từng làm công tác đào tạo bóng đá trẻ tại Đoàn bóng đá Quảng Nam và là người thầy đầu tiên khi Huỳnh Quốc Anh tập tễnh vào lớp năng khiếu bóng đá Quảng Nam năm 1998 nhận xét, Quốc Anh là cậu học trò rất có tình nghĩa và thường xuyên quan tâm đến người khác. Chia tay Quảng Nam để ra Đà Nẵng thời gian dài nhưng mỗi lần về Bắc Trà My thì cậu học trò cũ đều tranh thủ ghé thăm thầy. Dù chỉ là vài câu hỏi thăm sức khỏe, kể về công việc ở đội bóng mới nhưng điều đó đã nói lên tấm lòng của học trò đối với thầy.
Không chỉ với những người thầy, cầu thủ gốc Trà My này còn tỏ ra trọng nghĩa với những người chung quanh mình. Ra Đà Nẵng nhưng nhiều năm qua không ít lần Quốc Anh trở lại sân Tam Kỳ cùng đội bóng Đà Nẵng thi đấu giao hữu với đội Quảng Nam. Cứ mỗi lần như vậy, Quốc Anh cũng tranh thủ tìm gặp “má Liên” - người phụ nữ nấu ăn cho đội bóng để chào. “Nó là một trong những đứa ngoan, hiền, lễ phép, sống đầy tình nghĩa nhất” - chị Liên chia sẻ về Quốc Anh.
TƯỜNG VY