Qua cầu tình thương, nhớ...

HỒ DUY LỆ 25/06/2023 09:22

Tôi trở lại Nông Sơn bằng ca nô theo đường sông. Khi bước lên cây cầu cao vời vợi bắc qua hai bờ sông Thu Bồn, ký ức trong tôi tràn về, bao câu chuyện buồn, vui chập chờn như sóng xao, nhớ thương đến nao lòng.

Cây cầu Nông Sơn cũ và mới. Ảnh: T.L
Cây cầu Nông Sơn cũ và mới. Ảnh: T.L

1. Nông Sơn là tên của một huyện - gồm một phần đất của Quế Sơn và Hiệp Đức. Trung Phước là tên ngôi làng ven sông Thu Bồn. Ghép Nông Sơn - Trung Phước thành tên gọi của một trong 3 ‘‘khu chiến’’ trong chiến dịch Thu - 1974. Chiến dịch diễn ra trên một trận địa có diện rộng của vùng đồi núi Tây Quảng Nam - Đà Nẵng, từ Hòn Chiêng - Quế Sơn, đến An Hòa - Đức Dục - Duy Xuyên.

Từ Nông Sơn - Trung Phước của Quảng Nam kéo ra đến Thượng Đức - Đại Lộc của Quảng Đà. Là chiến dịch nhằm tiêu diệt các căn cứ địch chốt sâu trong vùng giải phóng ở Nông Sơn và Thượng Đức, ý đồ của quân Giải phóng là câu chủ lực địch ra ứng cứu giải vây để có thể tiêu diệt một lực lượng quan trọng chủ lực địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng, uy hiếp căn cứ quân sự liên hợp khổng lồ của Mỹ ở Đà Nẵng từ phía Tây - Nam.

Căn cứ Nông Sơn chốt chặn trên một đồi cao 298 mét bên bờ sông Thu Bồn. Cứ điểm chốt giữa vùng gọi là yết hầu, gây nên rất nhiều khó khăn và gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác với nhân dân vùng giải phóng Hiệp Đức - Nông Sơn - Quế Sơn.

Tham gia ở khu chiến này có Sư đoàn 2 bộ binh do Sư trưởng Nguyễn Chơn chỉ huy. Ngoài các hoạt động phối hợp chiến trường diễn ra ở nhiều nơi, lực lượng của tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ cùng bộ đội công binh mở con đường chạy ven dưới chân các chốt điểm của địch ở Hòn Chiêng, Động Mông, Đá Hàm.

Bấy giờ Công binh Sư đoàn 2 có xe cơ giới cùng cùng lực lượng của các Ban giao thông và nhân dân ngày đêm ban xúc, ủi đất đắp đường. Đường thông đến đâu, hàng vận chuyển đến đó. Để che mắt địch, quân Giải phóng đưa vài xe máy cày nổ máy cày xới trên cánh đồng Sơn Khánh - dưới chân cao điểm Bàng Thùng và Đèo Le - nơi ngày ấy có lòng dân, rau rừng và sắn là quý nhất.

Từ trong rừng sâu vốn im ắng, ngoài tiếng bom B.52 lúc còn quân Mỹ, bỗng có tiếng xe cày nổ ầm ầm hòa trong tiếng ô tô vận chuyển vũ khí rùng rùng vang vọng núi đồi làm cho dân trong vùng vui mừng và hy vọng một trận đánh sắp diễn ra. Đánh nhỏ, thường xuyên rồi. Lúc bấy giờ, hy vọng một trận đánh lớn.

Thời gian này cán bộ Quảng Nam, Quảng Đà, thỉnh thoảng không phải xuống Phú Diên, Đồng Lùng sát quốc lộ 1 lấy gạo mà đi ngược lên bến Trà Linh - Tân An gùi gạo “xã hội chủ nghĩa”’ về ăn. Mỗi chuyến đi, anh chị em còn được ăn những chiếc bánh B1, B2, từ hậu phương lớn chuyển vào.

Xe ô tô chạy giữa ban ngày không ngụy trang, thỉnh thoảng dừng lại một trạm, đổ xuống mấy bao gạo trắng non phân phát cho dân bám trụ - gạo xã hội chủ nghĩa! Từ những chuyến xe xuyên dưới lá cây rừng, bộ đội Giải phóng đưa được hàng trăm tấn vũ khí, lương thực vào tận khu chiến mà địch không hay biết. Cũng có thể biết, nhưng lúc này quân Mỹ đã cuốn cờ về nước, quân Sài Gòn thì chỉ biết lo.

2. Vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 18/7/1974, quân Giải phóng nổ súng diệt chốt điểm Cà Tang. Đến 17 giờ 5 phút cùng ngày, lá cờ chiến thắng Sư đoàn 2 ngạo nghễ tung bay trên nắp hầm chỉ huy cao điểm Nông Sơn...

Giải phóng Nông Sơn - Trung Phước, giải phóng 20.000 dân 3 xã thuộc huyện Nông Sơn và thị trấn Trung Phước. Đề phòng khả năng địch phản kích chiếm lại, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương dời dân lên vùng giải phóng Quế Tiên (nay là Hiệp Đức) để có khả năng giữ dân an toàn và có đất cho dân sản xuất lo cho cuộc sống.

Bấy giờ, những cán bộ, đảng viên các cơ quan Dân Chính Đảng - là những người bao năm đã phải sống cảnh mồ côi dân nên mừng vui khôn xiết khi tiếp xúc với hàng chục ngàn dân được giải phóng trong một trận công đồn.

Để đánh được và đánh thắng cứ điểm Nông Sơn, bộ đội Giải phóng đã vận chuyển vũ khí và hành quân theo những con đường bí mật - những con đường mòn qua khe, qua đá, nằm trong hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại.

Ngày nay, có ba con đường chính đến với vùng đất nhiều trầm tích và chiến tích này. Một, theo tỉnh lộ một trăm linh tư (nay là đường 610) từ thị trấn Nam Phước lên Kiểm Lâm, An Hòa - Đức Dục, qua Phường Rạnh đến Trung Phước - đoạn đường đã được khai thông cùng với cầu Giao Thủy, nối Đại Lộc, nối tây Duy Xuyên với Nông Sơn. Hai, theo con đường 611, từ ngã ba Hương An, lên Đèo Le, ra Trung Phước đến Nông Sơn. Ba là đường theo dòng Thu Bồn.

Từ thung lũng Quế Sơn - nay là Nông Sơn, băng qua Đèo Le lên Trung Phước, lên Tý Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm - Đá Dừng. Từ Đèo Le ra Trung Phước, qua sông Thu Bồn, gặp làng Đại Bình, qua vùng B của Đại Lộc lên Giằng, lên Hiên - vùng dân tộc ít người - căn cứ cách mạng của miền Tây Quảng Nam.

3. Chuyến trở lại này, tôi chọn đường sông Thu Bồn, theo cái nhìn của người du lịch thì rất thích thú khi ngược dòng qua danh thắng Hòn Kẽm - Đá Dừng đến vùng cây trái nổi tiếng Đại Bình và thị trấn Trung Phước.

Thời gian lặng thinh chảy mãi còn con người luôn vô tình bỏ lại những gì của hôm qua. Với tôi, chuyến đi vì một nỗi nhớ thương. Cùng với dòng Thu Bồn, lúc vui lặng lờ trôi, lúc giận thì kéo nước nguồn xuống ầm ào trôi cuốn phăng những gì lũ băng qua, người Nông Sơn, người Cà Tang từng chứng kiến bao nhiêu biến cố, trong đó có trận lụt năm Thìn 1964, làm chết và mất tích hơn 7.000 người và vụ chìm đò vào chiều 19/5/2003, làm chết 18 em học sinh lớp 8.

Cả hai lần người dân chết vì nước cuốn trôi, làm rơi nước mắt bao người. Khi vụ chìm đò xảy ra, ngoài thông tin kịp thời trên các báo đài trong và ngoài tỉnh, các báo mở cuộc vận động đóng góp tiền làm một cây cầu bắc qua sông nơi bến đò Cà Tang.

Cùng với kinh phí của tỉnh và sự đóng góp của cộng đồng (trong đó có 800 nghìn yên của nhóm lưu học sinh Nhật Bản ở Fukuoka), cây cầu có trị giá 20 tỷ đồng được khánh thành ngày 30/4/2005. Tôi gọi cây cầu tình thương.

Đi qua chiếc cầu này làm ký ức lay động, bỗng nhớ buổi chiều buồn đau. Sau những ngày nắng hè oi bức, bỗng trời hầm hập xuống dông, các em học sinh hối hả chen lên đò để được qua sông thì con đò của ông già Nghĩnh thân thương biết chừng nào của các em rời bến Cà Tang chừng 5-7 mét, bỗng bị gió lên cơn làm dậy sóng, dòng nước cuộn xoáy làm chiếc thuyền của già Nghĩnh khẳm chênh chao, làm cho tay chèo vững vàng từng trải một thời nắng mưa của ông Võ Nghĩnh, năm ấy đã vượt qua tuổi tám mươi, bỗng rung lên và run...

Và trời ơi, mười tám em tươi non mắt sáng trưng, môi cười rạng rỡ trong số 39 em học sinh trên chiếc đò định mệnh bị dòng nước dữ cuồn cuộn cuốn trôi. Dù có bao nhiêu năm trôi qua, dù chỉ đọng lại im lìm trong ký ức, nhắc lại lòng cũng không nguôi rưng rưng.

Qua cầu bỗng nhớ các em học sinh đầy thơ ngây... Qua cầu, là nhớ sau khi giải phóng Nông Sơn rồi Thượng Đức - cứ điểm Thượng Đức nằm trong một khu chiến do quân Giải phóng bày ra từ Nông Sơn - Trung Phước đến Thượng Đức.

Trận Thượng Đức khai hỏa từ 5 giờ sáng ngày 29/7/1974, không dứt điểm nhanh như dự kiến mà trận đánh này kéo dài đến 8 giờ 30 sáng ngày 7/8/1974. Hàng ngàn chiến sĩ ngã xuống cho chiến thắng Thượng Đức, mở toang cánh cửa sắt vòng ngoài bảo vệ căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở Đà Nẵng.

Ngày ấy, muốn qua sông phải lụy đò, không có đò thì ôm phao ny lon lội qua sông, xuống đồng bằng, tiến về giải phóng Đà Nẵng trong mùa xuân lịch sử năm 1975... cho đến sự cố chìm đò nhói đau cả nước rơi nước mắt mới có được cây cầu - cây cầu của tình người, cầu tình thương!

(1) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Qua cầu tình thương, nhớ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO