Qua con đường cái quan

NGUYỄN ĐIỆN NAM 30/01/2020 09:58

(Xuân Canh Tý) - “Quê hương ta nối liền một dải, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”. Bài ca vỡ lòng ấy có lẽ cần diễn đạt lại theo đúng hành trình lịch sử con đường cái quan. Nếu lấy mốc từ năm 1375 khi nhà Trần mở đường nối kinh thành Thăng Long với miền Thanh – Nghệ, thì đến 2020 cũng đã ngót 645 năm. Từ đó, các triều đại tiếp nối kiến tạo con đường xuyên Việt từ Ải Nam Quan tiến dần về phương Nam.

Tam Kỳ - nơi đường cái quan ngang qua. Ảnh: LÂM TỨ KHOA
Tam Kỳ - nơi đường cái quan ngang qua. Ảnh: LÂM TỨ KHOA

Thật ý nghĩa khi chuẩn bị chào đón năm mới, Biểu tượng công trình mô phỏng Cột cờ Hà Nội đã được khánh thành ở Cà Mau, gần với các công trình quan trọng như Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, Biểu tượng Mũi tàu Cà Mau, Biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh… Từ những cột mốc ấy gợi lên lịch sử gần bảy thế kỷ dân tộc ta đã đi từ Bắc tới Nam, dựng nên bức dư đồ Tổ quốc với chủ quyền được minh định bằng cả máu xương, mồ hôi và nước mắt bao thế hệ.

Nghệ thuật đã cất lên tiếng tự tình dân tộc theo con đường cái quan. Như trường ca “Con đường cái quan” nổi tiếng của Phạm Duy nhắc gợi hành trình xuyên Việt, mang theo di sản văn hóa của cha ông. “Ai cũng muốn được như “người lữ khách đi trên đường xuyên Việt, đi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”, đi để “nối liền được lòng người và đất nước”(…). Người ở “miền xuôi” hay “miền núi”, ở giữa “ruộng nghèo” hay “ven bờ biển sâu”, người ở “Đồng Đăng nhớ nàng Tô Thị” hay là “về Cà Mau, chiến đấu với rừng tràm, với lũ muỗi đặc dày như đám mây”, đều thấy “băn khoăn thương ai đầu nguồn”. Đầu nguồn có tổ tiên chúng ta, những người đã lập nên nước Việt…” (nhận xét của Nhạc sĩ Trần Văn Khê). Sau này Trịnh Công Sơn lại tiếp khúc ca “Nối vòng tay lớn”, lần nữa gợi lên âm hưởng về hành trình dân tộc từ Bắc vô Nam.

Dẫn dắt theo lịch sử mở nước, Quảng Nam là “vùng đất mở rộng về phương Nam”, từng là trung tâm phồn thịnh của xứ Đàng Trong, in đậm dấu ấn một nút thắt quan trọng trên con đường cái quan của dân tộc. Từ đất sính lễ của Huyền Trân công chúa, tiếp đến với minh quân Hoàng đế Lê Thánh Tông, rồi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng,… đã đặt định danh xưng Quảng Nam làm bàn đạp quan trọng cho cả hành trình tiến vào Gia Định, Đồng Nai, mở ra Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhận diện một chặng đường thiên lý, đường cái quan qua Quảng Nam là để gợi cảm thức về bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất, để trân quý di sản của tiền nhân trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tìm về di sản con đường từ thuở cha ông vượt đèo Ngang, vượt Hải Vân quan, trải dặm dài mở đất, mở nước, những mong mãi mãi không bao giờ quên cội nguồn.  Để, con đường đi tới tương lai hội nhập và phát triển không “đứt gãy” với giá trị văn hóa truyền thống và tự tình dân tộc. Để thêm yêu quê hương và con người xứ Quảng.

Vậy hỡi anh qua đường cái quan, hãy dừng chân ngẫm lại…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Qua con đường cái quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO