Hồ sơ - Tư liệu

Qua đỉnh đèo mây

HỒ XUÂN TỊNH 02/06/2024 09:49

Núi Hải Vân nằm trong dãy núi Bạch Mã, xuất phát từ vùng Trường Sơn Bắc, đâm ngang kéo ra tận biển. Bạch Mã là đường phân giới tự nhiên về địa lý, địa chất và khí hậu, từ cấu tạo núi đá vôi có nhiều hang động ở phía bắc chuyển sang núi đá granit rắn chắc ở Bạch Mã - Hải Vân, nối vào vùng đồi núi sông Bung trong dãy Trường Sơn Nam.

vinh-nam-chon.jpg
Vịnh Nam Chơn.

Ở phía nam Bạch Mã - Hải Vân, chỉ còn sót lại vài ngọn núi đá vôi ở 2 xã Mà Cooih và Ka Dăng (Đông Giang), Thạnh Mỹ (Nam Giang) và cụm núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Từ Bạch Mã đến Hải Vân

Đỉnh Bạch Mã cao 1.444m, thấp dần về phía biển. Vùng núi Bạch Mã khí hậu quanh năm mát mẻ. Năm 1932, người Pháp bắt đầu xây dựng khu nghỉ mát trên núi Bạch Mã, đến trước năm 1945 đã có khoảng 140 biệt thự và khách sạn nằm ở đỉnh và các sườn núi.

Trên đỉnh cao nhất 1.450m, người Pháp đã xây dựng Vọng Hải Đài, từ đây có thể nhìn ra tận biển Lăng Cô. Nơi dãy Bạch Mã vươn ra giáp biển là đỉnh Hải Vân cao 500m, tại đây có đường đèo dài chừng 20km, từ Lăng Cô nối sang Liên Chiểu, ra phía đông là Hòn Hành - pháo đài Định Hải, ngoài xa một chút có hòn Chảo (còn được gọi là đảo Ngọc) vua Minh Mạng đặt tên là đảo Ngự Hải…

hai-van-quan.jpg
Hải Vân quan ngày xưa

Sách Thiên Nam dư hạ tập chép rằng: vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở Hải Vân quan, có câu thơ rằng: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt, Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”.

Đồng Long là tên vũng biển ở phía nam núi Hải Vân, Lộ Hạc là tên một nước, người nước này thường đến đây buôn bán. Theo nhà nghiên cứu Châu Yến Loan, bài thơ mà vua Lê Thánh Tông sáng tác lúc bấy giờ có tên là Hải Vân hải môn lữ thứ.

Cũng từ Đại Nam thực lục, chúa Tiên - Nguyễn Hoàng đã theo đường bộ vượt đèo Hải Vân để kinh lý đất Quảng Nam. Quảng Nam đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân cũng bằng quá nửa.

Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài đến mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc…

Yết hầu của vùng Thuận Quảng

Ngày xưa, dọc theo đường cái quan, các nhà trạm, quán dịch được dựng lên để làm nơi nghỉ chân cho quan lại triều đình khi đi công cán. Đây cũng là nơi vận chuyển văn thư của triều đình đến các phủ, huyện trong nước. Cứ khoảng 30 dặm (15km) đặt một trạm.

Con đường thiên lý băng qua Hải Vân ngày trước hoang vu, mênh mông rừng rậm, đường dốc khó đi, là nơi có lục lâm trú ẩn cướp bóc. Để kiểm soát người qua lại, bảo vệ người dân và quan sát vùng biển, vào năm 1826, vua Minh Mạng cho “xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân, phía trước phía sau đều đặt một cửa quan (Ngạch trước viết 3 chữ Hải Vân quan, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Hải Vân quan kiểm soát đoạn đường bộ hiểm yếu từ Đà Nẵng ra Huế, trên đỉnh Hải Vân có thể quan sát tàu thuyền ra vào vùng vịnh Đà Nẵng và vịnh Lăng Cô.

Cụm công trình trên Hải Vân quan bao gồm 2 cổng quan, nơi ở và làm việc của quan tấn thủ cùng binh lính, kho đạn dược, các ụ đặt súng thần công cùng với hệ thống tường bao bằng đá núi xếp dày, khiến Hải Vân quan trở thành một pháo đài kiên cố.

Theo mô tả của Camille Paris, người chỉ huy thi công tuyến đường điện báo Trung kỳ (1886-1888): “Cánh cổng được gọi là Hải Vân quan do một ông đội và 5 lính dân binh An Nam canh giữ. Một bức tường dày có lỗ châu mai, nối với những gò đất xung quanh. Sáu khẩu thần công chia đôi cho mỗi bên, toàn bằng gang, không có cái nào bằng đồng, bao quát Nam Chơn và vùng vịnh…”.

Phía nam đèo Hải Vân, có một ngọn núi thấp nối từ chân đèo ra biển, nhân dân thường gọi là Hòn Hành. Năm 1823 vua Minh Mạng đổi tên là núi Định Hải, cho xây dựng một pháo đài ở đây để phòng thủ vùng biển nam Hải Vân. Gần pháo đài Định Hải là đồn Chơn Sảng nằm trên bờ vịnh Nam Chơn. Nơi đây đã chứng kiến những trận chiến đấu ác liệt trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhìn ra vị trí xung yếu của Hải Vân quan, khi xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều cho quân đồn trú, xây tăng cường công trình phòng thủ trên đỉnh Hải Vân để kiểm soát con đường nối Huế - Đà Nẵng và vùng biển Lăng Cô - Đà Nẵng.

Trên cơ sở thành lũy của Hải Vân quan, quân Pháp xây thêm lô cốt kiên cố, biến nơi đây thành một cứ điểm có hỏa lực mạnh, gọi là đồn Nhất nhằm bảo vệ tuyến đường bộ và đường sắt đi qua núi. Cứ điểm này đã bị quân ta bất ngờ nổ súng tiến công vào sáng ngày 25/9/1952. Sau hai giờ chiến đấu ác liệt, ta đã tiêu diệt cứ điểm và bắt toàn bộ quân địch tại đồn Nhất.

hai-van-quan-ngay-nay.jpg
Hải Vân quan ngày nay.

Trong kháng chiến chống Mỹ, vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn Đặc công 87 Đà Nẵng đã tấn công tiêu diệt đại đội bảo an đóng ở đồn Nhất và trận địa tên lửa Mỹ ở phía đông đồn Nhất.

Con đường thiên lý dốc cao hiểm trở ngày xưa đã được thay thế bằng đường đèo quanh co lượn sát đỉnh Hải Vân. Cùng với đó, tuyến đường sắt chạy dọc theo sườn núi khiến việc đi lại giữa Huế và Đà Nẵng trở nên dễ dàng, nhanh chóng, nhất là từ sau khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng.

Trải qua thời gian và chiến tranh, đèo Hải Vân, Hải Vân quan cùng các di tích ở vịnh Nam Chơn đã ghi dấu những biến động lịch sử và thiên nhiên nơi đây. Núi Hải Vân vẫn còn nguyên giá trị chiến lược, là “Yết hầu của miền Thuận Quảng” như đánh giá của chúa Tiên Nguyễn Hoàng…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Qua đỉnh đèo mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO