Quá khứ hiện về ngày hội ngộ

CÔNG TÚ 02/09/2015 09:54

Cuộc hội ngộ của những người lính quê Điện Bàn nhập ngũ tháng 8.1980 trong những ngày của tháng 8 lịch sử này, có một vị khách quý đến từ tỉnh Ratanakiri (Campuchia), đó là chị Thoan Lanh, nguyên là thông dịch viên cho quân tình nguyện Việt Nam, khiến không khí buổi gặp mặt thêm thắm tình hữu nghị “Việt Nam - Campuchia samakhi”...

Gian khổ mà hào hùng   

Tháng 8.1980, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 450 chàng trai, cô gái tuổi chừng mười tám đôi mươi ở Điện Bàn đã xếp bút nghiên hăng hái lên đường nhập ngũ. Không chỉ góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, những người con ưu tú này còn tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng của Pôn Pốt - Iêng Xari. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình, họ không ngại hy sinh, chấp hành triệt để mệnh lệnh từ cấp trên. Vì sự hồi sinh của nhân dân nước bạn, nhiều người đã anh dũng ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu trên chiến trường K. Xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, phần lớn trong số họ xuất ngũ trở về cuộc sống đời thường, số còn lại tiếp tục phục vụ trong quân đội hay chuyển ngành, làm việc tại các cơ quan, đơn vị khác. Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, họ - những người lính từng có một thời cùng “chung lưng đấu cật”, tổ chức gặp mặt để ôn lại những tháng năm gian khổ mà hào hùng.

Chụp ảnh, tặng quà lưu niệm ngày gặp mặt.Ảnh: C.TÚ
Chụp ảnh, tặng quà lưu niệm ngày gặp mặt.Ảnh: C.TÚ

Ngày hội ngộ, ai cũng bắt tay thật chắc, ôm thật chặt và trò chuyện với nhau thân tình. Trong niềm xúc động dâng trào, ký ức thời ở chiến trường K. lại ùa về với họ. “Chúng tôi sống trong vùng rừng núi nước bạn Campuchia, cách xa phum sóc của dân ít nhất 10 cây số. Nhà lợp bằng tre nứa, dưới sàn là giao thông hào để dễ dàng chuyển sang trạng thái chiến đấu. Điều kiện sống vô cùng gian khổ, bệnh tật luôn đồng hành song chúng tôi không quản ngại hy sinh. Chúng tôi lúc đó xem chết chóc không là cái gì cả, vì vậy ai nấy đều tranh nhau để được cấp trên giao nhiệm vụ” - ông Võ Quang Dân, quê xã Điện Phong tâm sự. Nhớ lại kỷ niệm xưa, ông Lê Văn Ngự, quê xã Điện Quang bồi hồi kể về những lần băng rừng lội suối, đêm nằm trong núi bị muỗi đốt, vắt đeo và bao lần đối diện với quân thù. Lúc ấy, tình đồng chí trở thành tri kỷ, tay nắm tay khi giá rét, tâm sự chuyện vui buồn và đồng cam cộng khổ. Khóe mắt đỏ hoe, ông Ngự nói: “Buồn đau biết mấy khi mỗi lần vĩnh biệt một đồng đội ngã xuống nơi đất khách quê người. Nhưng chúng tôi tâm niệm, mình phải biến đau thương thành sức mạnh, động viên nhau không hề lùi bước để chiến đấu với tàn quân Pôn Pốt, giúp nhân dân Khmer được sống trong cảnh yên bình”.

Tặng quà cho thân nhân đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống.
Tặng quà cho thân nhân đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống.

Vị khách đặc biệt

Buổi gặp mặt còn có sự tham dự của những đồng đội quê ở Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Quê ở tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70 ở chiến trường K. - ông Nguyễn Tiến Phước đánh giá rất cao thế hệ thanh niên Điện Bàn cống hiến công sức, máu xương trên đất Campuchia. Ông Phước bày tỏ lòng tự hào và sự khâm phục ý chí sắt son của những người lính Cụ Hồ khi làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia. Hồi đó, tất cả đều nêu cao ý thức kỷ luật quân đội, tận tình giúp nhân dân nước bạn xây dựng phum sóc, xây dựng cuộc sống mới dưới chính quyền cách mạng Campuchia.  Tròn 83 tuổi, cụ Nguyễn Phước Ban ở phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) được cháu chở đến tận nơi để hội ngộ với đồng đội… của con mình. “Con trai tôi là Nguyễn Phước Tùng hy sinh năm 1984 tại chiến trường K. Nhận được lời mời của Ban tổ chức, tôi rất mong sớm được gặp mặt đồng đội của con mình để nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ con” - cụ Ban giọng run run chia sẻ.      

Vượt hàng nghìn ki lô mét, nhiều người Campuchia ở tỉnh Ratanakiri (Campuchia) - nơi quân tình nguyện Việt Nam từng chiến đấu, cũng lặn lội về Điện Bàn hội ngộ với cố nhân. Hơn 30 năm trước, bà Thoan Lanh đảm nhiệm phiên dịch cho bộ đội Việt Nam nên chất chứa trong lòng bao kỷ niệm thời chiến tranh loạn lạc. Giọng nghẹn ngào, bà nói: “ Chúng tôi rất xúc động khi được gặp lại các bạn, các anh đã che chở, giúp đỡ cho phum sóc mình. Đồng bào nơi đó luôn biết ơn các gia đình đã hiến dâng những người con ưu tú đến Ratanakiri giải phóng người dân Khmer thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pôn Pốt - Iêng Xari và giúp chúng tôi xây dựng cuộc sống mới từ đống tro tàn. Công lao to lớn ấy, chúng tôi không thể nào quên!”. Những vị khách đặc biệt đến từ nước bạn Campuchia đã cùng hòa chung một nhịp với mọi người tại cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 35 năm ngày nhập ngũ, lên đường làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Campuchia…

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quá khứ hiện về ngày hội ngộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO