Qua làng cổ Đường Lâm

TÂM AN 08/11/2014 08:41

Sẽ thiếu sót nếu ai từng theo đuổi “mùa thu phương Bắc” mà bỏ qua Làng cổ Đường Lâm - nơi cách Hà Nội chưa đầy 50km.

Cổng làng Làng cổ Đường Lâm - Hà Nội.  Ảnh T.AN
Cổng làng Làng cổ Đường Lâm - Hà Nội. Ảnh T.AN

Một ngôi làng cổ kính với nhiều mái nhà ngói đỏ xưa cũ. Sẽ khá nhiều người thấy làm bất ngờ khi biết có những ngôi nhà đã hơn 300 năm tuổi. Bạn Hà Nội nói phố cổ Hội An đẹp trong từng con hẻm nhỏ dẫn về phía sông Hoài. Chúng tôi từ Quảng Nam ra Hà Nội lại thấy Đường Lâm đẹp bình yên từ cây đa đầu làng đến từng viên đá ong chạy dọc đường đi. Đến Đường Lâm từ Hà Nội, thong thả thì bằng tour xe đạp, hoặc nên chọn xe máy theo hướng đại lộ Thăng Long hoặc tuyến đường 32 đi Nhổn. Tới huyện Sơn Tây hỏi Đường Lâm thì một học sinh tiểu học cũng sẽ chỉ đường cho bạn.

Đường Lâm - một ngôi làng cổ kính với nhiều ngôi nhà mái đỏ xưa cũ. Những ngôi nhà này, có khi đã hơn 300 tuổi. Người Đường Lâm nói mùa đẹp nhất ở đây là mùa lúa chín tháng 9 hoặc tháng 5, vì khi đó đường làng được lót bằng rơm khô. Theo một người dân trong làng, ở đây có khoảng 100 căn nhà cổ được xây từ gỗ và đá ong có niên đại hàng trăm năm tuổi. Điều đặc biệt là tất cả ngôi nhà đều quay lưng ra đường với các bức tường đá ong, mái ngói rêu phong cổ kính. Ghé thăm một ngôi chùa, điều đầu tiên chúng tôi tò mò là những chiếc chum đậy kín đặt san sát nhau dưới những bóng cây. Các cụ bà chít khăn mỏ quạ đặc trưng miền Bắc nói ở Đường Lâm, ngoài nghề nông thuần túy còn có thêm nghề làm tương gia truyền. Muốn tương ngon phải có bí quyết và phải được ngâm ủ lâu ngày dưới bóng mát của cây. Các cụ mời du khách một ngụm chè tươi rồi bắt đầu tụ nhau trong sân chùa hóng chuyện đổi thay mỗi ngày ở làng. Cũng như quán nước chè tươi của cụ bà đối diện đình làng Mông Phụ, bà bỗng dưng nổi tiếng từ ngày du khách đến Đường Lâm ngày một đông. Bà tự tin nói: “Về đây mà không ghé quán ăn kẹo Dồi, kẹo Lạc, uống nước chè xanh của tôi là coi như chưa có biết làng cổ Đường Lâm đâu nhé”. Một điểm đáng chú ý nữa là bức tường gạch “Chú ý trẻ em” - dường như nét chữ này cứ phai đi một chút là người trong làng lại thay phiên nhau vẽ lại nguyên nét cũ. Chúng tôi có thắc mắc với cụ bà bán nước chè ở đình làng Mông Phụ tại sao nhà nào ở Đường Lâm cũng thấp hơn mặt đường. Bà nói, vì người xưa quan niệm “tụ thủy sinh tài”, khi trời mưa đến nước sẽ dẫn vào sân nhà, thế mới sinh ra tài lộc. Còn kiến trúc ở Đường Lâm là theo đường xương cá với một trục chính nên nhà trong làng này không dễ mất mát thứ gì. Người dân Đường Lâm cũng tự hào về “địa linh, nhân kiệt”, khi nơi đây là đất 2 vua - 2 vị anh hùng dân tộc là Phùng Hưng, Ngô Quyền.

Có một thời chưa xa, người trong làng đồng lòng ký vào đơn xin được trả lại danh hiệu làng cổ, bởi vì, theo câu chuyện của những cụ bà chúng tôi gặp trong sân chùa cuối làng, họ chỉ muốn quay trở lại những ngày xưa, Đường Lâm vẫn là Đường Lâm bình dị và êm ả. Còn phát triển du lịch, con cái họ muốn về quê cũng phải mua vé. Nhưng như một trang web giới thiệu về du lịch đã viết: “Nếu du khách đến với phố cổ Hội An để được tham quan, tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc trưng của cuộc sống đô thị hồi thế kỷ 16 - 17 ở xứ Đàng Trong với kiến trúc đại diện cho những tầng lớp thương gia phong kiến pha trộn nền văn hóa bang giao của xứ sở Phù Tang, Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc thì khi đến với làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, họ lại được hòa mình, được chiêm ngưỡng một “bảo tàng sống” về lối sống nông nghiệp - nông thôn Việt Nam”.

TÂM AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Qua làng cổ Đường Lâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO