Trên tinh thần giúp bạn chính là giúp mình, thượng tuần tháng 10, đoàn cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh và Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tây Giang đã vượt hơn 100km đường rừng để đến 5 cụm bản Abưm, Panoon, Akeeo, Tà Vàng, Bhalee thuộc huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông - Lào) tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu cho người dân nước bạn.
Đến với các bản của huyện Kà Lừm phải lội bộ, khiêng xe qua sông suối. Ảnh: ĐÌNH HIỆP |
Gian nan trên đất bạn...
Theo chân các anh qua Lào mới thấy hết sự gian nan, vất vả. 38 người trên 20 chiếc xe máy mang theo trang thiết bị y tế phục vụ cho công việc, bắt đầu cuộc hành trình tình nguyện xuyên biên giới. Cơn mưa rừng những ngày trước làm cho con đường đất từ xã A Xan đi cửa khẩu phụ (Tây Giang - Kà Lừm) trơn trượt. Dù chỉ xa 60km, nhưng chúng tôi phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới được cửa khẩu. Từ đây đoàn tách ra thành 5 nhóm, bắt đầu hành trình gian nan về các bản. Bác sĩ Zơrâm Ngọ - Phó Giám đốc TTYT huyện Tây Giang cho biết, sau khi trao đổi với Sở Y tế tỉnh Sê Kông, chúng tôi đã thống nhất được thời gian, địa điểm để phối hợp tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu. Anh Ngọ kể, thời gian qua trên địa bàn huyện Tây Giang và các bản giáp ranh Lào liên tiếp xảy ra dịch bệnh bạch hầu, mà nguồn gốc lây lan đều từ bên Lào qua. Ở Tây Giang thực hiện tiêm chủng rất tốt nên số người mắt bệnh ít, còn bên bạn do không được tiêm chủng nên thường xuyên xảy ra bệnh và từ đó lây sang Tây Giang, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch cũng như việc điều trị. “Chúng tôi mang theo đầy đủ thiết bị, ban đầu mang theo cả vắc xin, nhưng phía bạn đã có nguồn thuốc từ Tổ chức Y tế thế giới tài trợ nên chúng tôi chỉ sang phối hợp với y tế thôn bản tiến hành tiêm phòng” - bác sĩ Ngọ cho biết.
Y sĩ Yđel Sơn tiêm phòng cho bà con bản Bhalee. Ảnh: Đ.H |
Y sĩ Yđel Sơn - thành viên của đoàn được phân công về cụm bản xa nhất, bản Bhalee, cho biết dù khó khăn nhưng anh em vẫn không quản ngại. Trong đoàn, ngoài cán bộ nam còn có cán bộ y tế nữ, “chân yếu tay mềm” nhưng họ tự nguyện tham gia. Bản Bhalee là bản có đông người cần tiêm phòng nhất 168 người (độ tuổi 5 - 45). Suốt vòng 3 ngày, đoàn làm việc liên tục không nghỉ ngơi, có bệnh nhân đến là chúng tôi thực hiện công việc của mình. Do người dân ở không tập trung nên việc đi tiêm phòng thường phải kéo dài. Bác sĩ Lê Trung Hiếu (TTYTDP) tâm sự: “Mình được cử lên đây cùng với anh em Tây Giang qua nước bạn hỗ trợ tiêm chủng. Mình đã đi phòng chống dịch nhiều huyện miền núi nhưng đây là lần vất vả nhất, nhiều lần ngã xe ê ẩm cả người. Nhờ anh em động viên nên mình cố gắng tiếp tục, giờ xong việc thấy đồng bào nghèo chào đón, nồng nhiệt mình vui lắm”.
Thắm tình hữu nghị...
Có đội tiêm chủng Tây Giang sang, nhân dân các bản giáp biên huyện Kà Lừm chào đón nồng nhiệt, rồi góp gạo nấu cơm, bắt cá suối, hái rau, mang rượu ra đãi khách. Y sĩ Sô Pa - Trạm trưởng Trạm Y tế cụm bản Bhalee tâm sự, việc chăm sóc sức khỏe ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ngay tại TTYT huyện Kà Lừm cũng chỉ có quy mô 10 giường bệnh với khoảng 20 cán bộ y tế. Còn cụm bản, nơi có cán bộ y tế, nơi không. Xưa nay, người dân không biết viên “thuốc Tây” là gì, không được tiêm chủng như ở bên Việt Nam nên dịch bệnh thường hay xảy ra, nhất là bệnh bạch hầu, ho gà, bại liệt, lao... Nay, nghe có tiêm chủng, bà con đi đông đủ. Lúc đầu thấy tiêm thuốc họ sợ, nhưng rồi quen dần, không sợ nữa. “Chỉ có vài trường hợp con em đi học xa chưa tiêm phòng, còn từ trẻ nhỏ đến người lớn đều tiêm hết. Cảm ơn mấy anh em y tế Tây Giang nhiều” - bác sĩ Sô Pa nói. Còn anh Tham Say - Trưởng bản Bhalee, không giấu được niềm vui khi bà con được hỗ trợ khám chữa bệnh, rồi được tiêm chủng. Ông cảm ơn các bác sĩ Tây Giang đã giúp đỡ bà con cái ăn cái mặc, nay lại tiêm phòng dịch bênh. Bà con hai bản giáp ranh cũng qua tặng quà. Riêng bà con ở đây đau ốm đều được các Trạm Y tế xã A Xan, Ga Ry, Ch’Ơm điều trị, cấp phát thuốc miễn phí” - Tham Say tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc TTYT huyện Tây Giang cho biết, những năm qua, ngành y tế đều trích một khoản kinh phí hỗ trợ việc điều trị, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bệnh nhân Lào. Có trường hợp điều trị dài ngày được hỗ trợ miễn phí việc ăn uống và 500 nghìn đồng làm lộ phí đi lại. Số tiền này từ nguồn ngân sách huyện và vận động anh em cán bộ đóng góp. “Việc chăm sóc sức khỏe ở miền núi Tây Giang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn “nhường cơm sẻ áo”, giúp đỡ cho bà con các bản giáp biên (Lào). So với mình họ còn khổ lắm” - anh Thông tâm sự.
ĐÌNH HIỆP