Được ví như cội nguồn sáng tạo, linga – yoni trở thành biểu tượng sống động về tín ngưỡng phồn thực của người Chăm xưa thể hiện sự hòa hợp âm dương cùng khát vọng vạn vật luân hòa, sinh sôi nảy nở.
Trải qua hơn nghìn năm với nhiều biến động, dù số lượng linga – yoni tại các phế tích, đền tháp Champa trên địa bàn tỉnh không còn nhiều nhưng vẫn phản ánh sinh động về quan niệm thẩm mỹ và tâm thức của người Chăm xưa về loại hình thờ cúng độc đáo này.
Nhiều kiểu dáng
Thường trong mỗi đền tháp chính của người Chăm xưa đều thờ bộ ngẫu tượng linga – yoni, tùy giai đoạn lịch sử, quan niệm thẩm mỹ mà các linga có sự khác nhau về kiểu dáng, kích thước, chất liệu và hình tượng thể hiện. Tuy vậy, đa số linga - yoni chủ yếu được chế tác từ sa thạch, một số ít được làm bằng kim loại quý (vàng, bạc) hoặc bằng đất nung hay đá granit… Về hình dáng, có linga theo kiểu dáng một tầng, hai tầng, ba tầng, kích thước có thể cao trên 200cm hay chỉ 4 - 5 cm; có loại là một nhóm 7 linga nằm trên bệ đá hoặc 5 linga trên một bệ yoni; có linga mép đỉnh chạm búi tóc, có linga chạm mặt người (mukhalinga) hay được thờ cúng dưới dạng một vị thần trên bệ yoni… Nhìn chung, hầu hết linga phát hiện ở Quảng Nam chủ yếu được chế tác theo 3 nhóm chính là một tầng, 2 tầng, 3 tầng và chất liệu bằng sa thạch. Riêng tại khu di tích Mỹ Sơn hiện còn khoảng 13 linga gồm 8 linga rời, 4 linga gắn liền với yoni và 1 linga đôi nằm trên bệ.
Mukhalinga Mỹ Sơn đã được công nhận bảo vật quốc gia. Ảnh: VĨNH LỘC |
Nguyên vẹn nhất có thể kể đến nhóm linga được chế tác theo mô-típ 3 phần với chân đế hình vuông, giữa bát giác và đỉnh hình tròn tượng trưng cho 3 vị thần chủ đạo trong Bàlamôn giáo (tam vị nhất thể) là thần Siva (sáng tạo - hủy diệt), Brama (sáng tạo), Visnu (bảo tồn). Những linga loại này thường có hình dáng to lớn, các phần được điêu khắc tương đối cân xứng, trên mép đỉnh được chạm trổ hình búi tóc, hoặc một đường gờ mỏng vắt lên đỉnh có công dụng như mắc khóa gắn kosa (bao bọc linga). Ngoài khu di tích Mỹ Sơn nhóm linga này cũng thấy tại tháp Chiên Đàn; khu phế tích An Phú, Phú Ninh; chùa Vua, Duy Xuyên (đang được trưng bày tại Bảo tàng Duy Xuyên)… Nhóm thứ hai là những linga kích thước nhỏ gồm 2 tầng, đế hình vuông, đỉnh hình tròn có chốt gắn vào bệ yoni. Cuối cùng là nhóm linga nhỏ gắn liền với bệ yoni, loại này tương đối đơn giản và thường được thờ trong các tháp phụ, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở dạng rời với yoni nhưng không nhiều.
Nhiều kiểu dáng linga đã thể hiện sự đa dạng thẩm mỹ của người Chăm xưa về quan niệm phồn thực. |
Hầu hết linga đều gắn liền với bệ yoni để tạo thành bộ ngẫu tượng hoàn chỉnh, tùy quan niệm thẩm mỹ trong từng giai đoạn lịch sử và vùng miền mà yoni có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng nhìn chung 2 mô-típ chủ đạo vẫn là yoni bệ vuông và yoni bệ tròn (hoặc bệ tròn có vú xung quanh), thỉnh thoảng xuất hiện thêm mô-tip yoni bệ hình chữ nhật với 2 lỗ mộng nhưng số này không nhiều. Khu di tích Mỹ Sơn hiện còn khoảng 18 yoni thuộc 2 loại này (14 yoni bệ vuông, 4 yoni bệ tròn).
Báu vật quốc gia Mukhalinga
Trong nghệ thuật điêu khắc Champa ngẫu tượng linga hiện diện khá nhiều tại các đền tháp dưới những hình dạng khác nhau. Trong đó, tháp Bằng An (Điện Bàn) được xem là một linga vĩ đại nhất (Linga Paramesvara - thượng đế tuyệt đỉnh, một tên hiệu của thần Siva) với chiều cao trên 21m. Qua hình dáng bên ngoài dễ dàng nhận thấy kiến trúc tháp chính là một linga 3 tầng gồm đỉnh, thân, đế được phân chia khá rõ. Trải qua gần nghìn năm “linga” Bằng An vẫn sừng sững như khẳng định sự trường tồn của các giá trị phồn thực trước thời gian. Tuy nhiên, nổi bật nhất phải kể đến Mukhalinga Mỹ Sơn (linga mặt thần Siva) được phát hiện tháng 11.2012 tại khu vực tháp E Mỹ Sơn. Linga có kích thước cao 146,5cm, rộng 41,5cm, dày 41,5cm gồm 3 phần tròn, bát giác và vuông gần bằng nhau, riêng phần đỉnh đầu được chạm nổi hình tượng thần Siva với búi tóc cao 5,5cm, khuôn mặt thanh tú. Hiện ngẫu tượng này đã được công nhận bảo vật quốc gia.
Tháp Bằng An được xem là một “linga” vĩ đại nhất.Ảnh: VĨNH LỘC |
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Mukhalinga Mỹ Sơn được xem là độc bản và còn nguyên vẹn nhất được phát hiện lần đầu tại khu vực Đông Nam Á. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Chăm khẳng định, nét nổi bật nhất của Mukhalinga chính là giá trị nguyên gốc và có niên đại sớm nhất (thế kỷ 7 - 8) được tìm thấy ở Mỹ Sơn, điều này chứng tỏ sự đa dạng trong nghệ thuật điêu khắc ngẫu tượng của người Chăm xưa nhằm phản ánh những quan niệm về phồn thực riêng biệt. “Tính cách phồn thực của người Chăm rất cao chủ yếu được thờ dưới dạng vua - thần Siva vì thần Siva tượng trưng cho dục tính và cũng là biểu tượng ngợi ca sự sinh sôi nảy nở, nguồn gốc của mọi sự phát triển” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ diễn giải. Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm - Trần Kỳ Phương, giá trị Mukhalinga Mỹ Sơn được thể hiện khá rõ về mặt mỹ thuật vì đây là linga chuẩn nhất (có 3 thớt), một kỹ thuật điêu khắc rất khó thực hiện và dễ sứt vỡ, do vậy mukhalinga chỉ xuất hiện trong một giai đoạn nhất định, sau đó người Chăm chuyển sang làm các kosalinga chạm mặt người bằng vàng, bạc (kosalinga) dùng trùm lên trên linga để vừa tiện lợi lại vừa quý giá và đẹp hơn. “Việc thờ linga – yoni trong các đền tháp Chăm đã nâng tín ngưỡng phồn thực sơ khai lên thành một nghi thức tôn giáo vì đã được tổ chức có hệ thống cũng như gắn liền giữa vương quyền với thần quyền thể hiện qua việc thờ vua - thần” - nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương phân tích.
KHÁNH LINH