Vũ Hùng vừa ra mắt tập sách Miền tháp cổ (dày 230 trang, bìa do họa sĩ Phan Ngọc Minh thiết kế, NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 10.2019) - một dấu ấn nghiên cứu về giao thoa văn hóa Việt – Chăm tại xứ Quảng và miền Trung nói chung.
Vũ Hùng là tác giả không xa lạ với bạn đọc và giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa xứ Quảng, với các tác phẩm Truyện cổ Xơ Đăng, Truyện cổ Co... Anh tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Huế ở những khóa đầu tiên nên sẽ không có gì lạ khi trong các tác phẩm của anh, người ta thấy phong cách “văn - sử bất phân” trong cách thể hiện.
Tôi thích phong cách nghiên cứu và tiếp cận vấn đề của Vũ Hùng – anh luôn làm việc một cách nghiêm cẩn, có phương pháp và chọn cho mình một lối đi riêng. Nghiên cứu về giao thoa văn hóa Chăm - Việt, anh hầu như không đi vào cái tổng thể mà tiếp cận ở tính bộ phận, những cái tưởng chừng riêng biệt song lại tạo cho người đọc sự mới lạ, độc đáo để rồi toát lên cái tổng thể của vấn đề...
Có thể nói, Vũ Hùng là người đi tìm dấu xưa một cách lặng lẽ, trên một hành trình đơn độc nhằm phát hiện, lý giải những ẩn khuất của lịch sử một cách độc đáo. Tác giả đã phát hiện, nâng niu từng chi tiết, qua mỗi trang viết là những đề tài tưởng quen mà lạ như: Tản mạn về mẫu hệ Chàm, Chuyện về vị Chánh biểu tộc Trà, Trầm tích Cu Đê, Mạch giếng Chàm, Người xứ Quảng, Những Man sách trong thế kỷ 19, Tứ chánh lương bằng tộc, Những dòng tộc bản xứ đất Đà Ly, Những bí ẩn của một tộc phả... Miền tháp cổ tập trung vào 3 nội dung chính: Luận giải về địa danh, tìm hiểu về các họ Chăm và chi chép về những dấu tích Chăm còn sót lại đó đây khắp miền Trung, nhất là xứ Quảng.
Đó không chỉ là sự góp nhặt những mảnh vỡ của phế tích đền tháp trên hành trình qua miền tháp cổ của họ Vũ mà còn đan xen suy ngẫm và cảm xúc, quá khứ và hiện tại, hoài nghi và dự cảm, tiếc nuối và trăn trở cho lịch sử, văn hóa Việt - Chăm tại xứ Quảng... Vũ Hùng đã tạo nên chiều sâu của sự suy tưởng, đặt người đọc trong tâm trạng phải phản tỉnh chính mình. Với cách hành văn rất riêng, kết hợp với bút ký điền dã, tác giả đã đan cài giữa sự chiêm nghiệm tri thức khoa học lịch sử, với dân tộc học và tri thức dân gian... càng tạo nên hấp lực cho người đọc.
Họ Vũ đã sử dụng các thư tịch cổ để luận giải, giải mã những phát hiện điền dã về mối quan hệ Việt – Chàm, về những “hư truyền” và “dã sử” với thực tế lịch sử bằng nhiều vấn đề gợi tính tò mò: Liệu vua Trần có “gả con gái” cho các tù trưởng của Chiêm Thành không, trường hợp Phan Công Thiên được đề cập trong cuốn Đà Sơn - Đà Ly phổ chí liệu có liên quan đến chi tiết mà chính sử Việt Nam đã đề cập về giao hảo với một tù trưởng của Chăm trong tinh thần “hợp tác”, “giáo hóa” của Đại Việt? Liệu trong các tù binh Chăm được đưa về Thăng Long để lập nên làng Chăm tại đó, có sự hiện diện của người Chăm xứ Quảng? Vì sao các “man, sách” lại là địa bàn cư trú của người Chăm lẫn trong các khu dân cư Việt trải khắp miền Trung? Câu Chiêm hay “Cu Chiêm”, Câu Đê hay “Cu Đê”? Họ Phan và họ Phạm có phải là họ thuần Việt hay chỉ là những người Chăm có họ Việt? Vì sao người Chăm ở Bình Định lại “hay ký ngụ quê vợ, quê mẹ, ít tụ tập theo gia tộc, dân gian không có nhà thờ họ”? Tại sao số một số vùng tại Quảng Nam có việc “Các lễ tang ma cưới xin cũng đều tùy theo lực từng nhà, nhưng hôn lễ thì phần nhiều là đi ở rể, mà chỉ một số ít người làm được lễ đón dâu”? Tại sao sau gần hàng ngàn năm các giếng Chăm “vẫn ăm ắp dòng nước ngọt trong lành”?... Những câu hỏi như vậy khiến chúng ta muốn đọc ngay cuốn sách này.