Những năm qua, nông dân xã Quế Mỹ (Quế Sơn) nỗ lực cải tạo, đầu tư phát triển các mô hình kinh tế vườn nhằm nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Phần lớn diện tích vườn tạp, đất đồi rừng sau khi cải tạo chuyển sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu..., bắt đầu cho những “quả ngọt”.
Trước đây hộ bà Lê Thị Dân (thôn Phước Chánh, xã Quế Mỹ) có 7 sào đất trồng keo, mấy chục năm canh tác nhưng mang lại giá trị kinh tế không cao. 4 năm nay gia đình cải tạo đất, bố trí từng khu vực phù hợp để trồng mỗi loại cây khác nhau. Hiện nay khu vườn của bà có hơn 100 cây chuối cấy mô, 200 cây mít Thái, 50 cây bưởi da xanh, 50 cây dừa xiêm lùn được trồng trên 7 sào đất.
Bên cạnh việc đầu tư giống cây ăn quả đảm bảo nguồn gốc, chất lượng thì bà Dân còn học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng. Nhờ chăm sóc tốt nên khu vườn phát triển xanh tốt và nhiều loại cây bắt đầu ra trái, hứa hẹn mang đến nguồn thu nhập khá trong những năm đến.
Bà Dân nói: “Nhận thấy nhiều hộ dân địa phương chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả vừa đẹp cho khu vườn vừa có thêm thu nhập nên gia đình cũng chuyển hướng. Sau 4 năm trồng bây giờ chuối, mít Thái trong vườn đã cho thu hoạch. Khi bà con ở đây đến xem thì tôi cũng chia sẻ, vận động họ trồng để có thêm thu nhập”.
Phát huy lợi thế đất vườn đồi rộng, anh Đinh Văn Trí (thôn Phú Cường 2, xã Quế Mỹ) bỏ công chăm sóc, học hỏi kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ và áp dụng trên chính khu vườn của mình. Lúc đầu, anh Trí cải tạo 3 sào đất vườn để trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ, đến năm thứ 3 thì cho trái ổn định. Với giá bán 30 nghìn đồng/kg như hiện nay thì mô hình đem lại cho gia đình anh mức thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Hiện tại, anh Trí không lo đầu ra sản phẩm mà tập trung để mở rộng diện tích trồng mới cây thanh long ruột đỏ trên các thửa đất gò đồi trồng keo của gia đình.
Anh nói: “Bà con trong xã và nhiều khách hàng lúc đầu mua về ăn thử thấy trái thanh long ruột đỏ ngon, ngọt nên từ đó họ đến mua liên tục. Người mua tiếp tục giới thiệu, có cả khách hàng ở Đà Nẵng cũng liên hệ đặt mua số lượng lớn nhưng không đủ bán. Tôi có ý định mở rộng và liên kết với các hộ dân lân cận để trồng mới cây thanh long ruột đỏ, đồng thời cam kết lo đầu ra ổn định cho bà con”.
Ba kích là cây trồng quen thuộc với đồng bào miền núi của tỉnh nhưng đối với người dân xã Quế Mỹ thì vẫn còn mới mẻ. Nhận thấy sâm ba kích mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Đặng Ngọc Trung - Giám đốc HTX Trung Toàn Phát (xã Quế Mỹ) tiên phong đưa cây giống từ huyện Tây Giang về trồng thử nghiệm trên đất đồi rừng ở địa phương, bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan. Trồng trên 1,5ha đất đồi, nhờ áp dụng kỹ thuật, đầu tư hệ thống tưới tự động nên cây ba kích phát triển nhanh, phủ xanh diện tích trồng keo kém hiệu quả trước đây. Đây là mô hình hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao, hình thành vùng dược liệu ngay tại địa phương, góp phần thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng trên địa bàn huyện Quế Sơn.
Anh Trung chia sẻ: “Trước đây tôi có đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng ba kích tại huyện Tây Giang và sau đó mua giống về trồng thử nghiệm. Qua gần hai năm tôi nhận thấy cây sinh trưởng, phát triển rất tốt. Hội Nông dân xã Quế Mỹ đã cho vay 100 triệu đồng để HTX đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tự động cho vườn ba kích này”.
Để có những mô hình hiệu quả như trên, cũng phải nhắc đến vai trò bà đỡ của tổ chức Hội Nông dân trong tuyên truyền, vận động hội viên nông dân khai hoang, cải tạo đất để đầu tư kinh tế vườn; đồng thời hỗ trợ các nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để hội viên chuyển đổi sang các mô hình sản xuất trên.
Bà Đinh Thị Phúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Mỹ cho biết: “Thời gian qua Hội Nông dân xã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi sang các mô hình trồng trọt, chăn nuôi trang trại, gia trại. Đồng thời hỗ trợ thêm các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT và Quỹ hỗ trợ nông dân để các tổ chức, gia đình đầu tư, nhân rộng mô hình kinh tế vườn. Kinh tế vườn phát triển mạnh đã góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động là nông dân địa phương”.