Với những người Quảng xa quê, việc được “tiếp tế” thức ăn từ quê, trở thành chuyện thường tình. Nhưng “tiếp tế” rau củ, với tôi và không ít người thì có vẻ hơi lạ. Lạ là vì trong này rau xanh ngút ngàn, muốn ăn rau sạch cũng có, mà việc chuyển rau từ quê vào không dễ vì đường xa, rau lại mau dập, mau héo.
Hôm qua thấy bạn đưa hình đĩa rau muống luộc bên chén mắm cái, với dòng nhắn “rau quê gửi vào” trên facebook, mà thèm. Cạnh đó còn có mớ rau quê các loại, tươi roi rói. Tôi hỏi bạn “rau đi đường xa mà vẫn tươi mướt, có bí quyết gì không?”. Bạn bảo “rau phải khô, đừng cho dính nước, tốt nhất rau hái buổi chiều, nếu là xà lách nên “canh” ra cho héo, rồi gói lá chuối. Trường hợp rau chưa thật sự khô thì gói giấy báo. Tất cả cho vào thùng cạc tông có đục lỗ. Phía dưới thùng đựng củ quả, phía trên đựng rau, nên xếp chặt, vì nếu lỏng sẽ dễ dập vì va đập”. Bạn còn bảo bí quyết này rút ra từ rất nhiều thùng rau gửi vào bị hư.
Những mớ rau quê sau một ngày rong ruổi trên đường, đã nằm gọn trong tủ lạnh nhà bạn. Bạn bảo “không cần biết rau gì, miễn đó là rau quê thì được đón nhận một cách trân trọng”. Ăn rau quê là phải biết canh chừng. Rau nào héo trước thì ăn trước, tuyệt đối không để rau hư vì “của một đồng, công một lượng”. Một thùng rau quê mẹ bạn gửi chừng 30.000 đồng, rẻ gấp mấy lần tiền chuyên chở. Bạn tặc lưỡi thương người dân quê mình vất vả, chỉ lấy công làm lời, thu nhập chẳng bao nhiêu.
Đối với người Quảng xa quê như chúng tôi, quà quê bao giờ cũng ý nghĩa và được đón nhận với cả tấm lòng. Quà khi được về nhà, phải sắp xếp, bảo quản hợp lý để dùng được nhiều ngày. Chẳng hạn món nào không để lâu được thì cho vào tủ lạnh như rau củ quả; món nào lâu hư hơn như củ nén, tỏi, hành... để gần bếp; đường bát, bột nghệ, bột ớt... xài rất lâu, không sợ bị hư. Người Quảng xa quê ít khi nào thưởng thức quà quê một mình, mà chia sẻ cho đồng hương như là cách củng cố tình cảm giữa những người xa xứ với nhau. Tuần rồi chị Thủy về quê, mang vào làm quà cho tôi lon nén, và một chục bánh ít lá gai. Hay sau khi về quê nghỉ lễ 30.4, gia đình anh Thọ về lại thành phố tổ chức bữa tiệc nho nhỏ, với nhiều món ăn dân dã của người Quảng Nam. Thưởng thức món ăn quê hương với người đồng hương, bằng những câu chuyện gợi nhớ, ai cũng thấy lòng mình ấm lại.
Hè về, tôi lại nhớ gánh đậu hủ dì Hà, gánh xu xoa cô Thảo, hay nồi canh chua của mẹ, nhớ giếng nước mát rượi tuổi thơ. Ngoài quê cũng vừa gặt lúa, thể nào mẹ cũng gửi vào mấy chục ký gạo quê, còn xen trong bao gạo là mấy trái bắp khô để dành rang lên nhâm nhi cho đỡ thèm.
Món quê hương không chỉ là gợi nhớ kỷ niệm nơi chôn nhau cắt rốn, hay đảm bảo sự an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc đơn giản là một thói quen khó bỏ, mà đã trở thành một phần không thể thiếu đối với người Quảng xa quê.
KHÁNH THI