Qua quýt bảo vệ môi trường ở xứ vàng

TRẦN HỮU 27/03/2019 03:27

Trên đất vàng Phước Sơn, các đơn vị triển khai tận thu khoáng sản khi chưa xây dựng các hạng mục xử lý môi trường theo báo cáo tác động môi trường được duyệt. Tuy vậy, cơ chế quản lý  bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến hệ lụy là môi trường bị tàn phá nặng nề.

Hoạt động đã lâu nhưng nhà máy của Công ty TNHH Ngọc Lĩnh ở xã Phước Hiệp bây giờ mới xây hệ thống xử lý nước thải.Ảnh: H. P
Hoạt động đã lâu nhưng nhà máy của Công ty TNHH Ngọc Lĩnh ở xã Phước Hiệp bây giờ mới xây hệ thống xử lý nước thải.Ảnh: H. P

Xây dựng kiểu đối phó

Theo Sở TN&MT, UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác thác vàng cho Công ty CP Khoáng sản SSG và Công ty TNHH Ngọc Lĩnh tại thôn 8 (xã Phước Hiệp, Phước Sơn). Cả 2 doanh nghiệp đều có sử dụng hóa chất cyanua trong tuyển quặng vàng. Khu vực khai thác vàng của Công ty TNHH Ngọc Lĩnh nằm trên ngọn núi cao. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này thì xây dựng khá sơ sài, lại nằm sát con suối. Nước trong hầm lò xả thẳng ra môi trường mà không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào. Sáng 21.3, có mặt ở thôn 8 (xã Phước Hiệp)  - nơi đặt các nhà máy vàng, chúng tôi tận mắt thấy đoạn sông kéo dài nhiều cây số đã nhuốm màu bạc trắng; lớp lớp xái quặng đặc quánh trên các hòn đá ở ngầm suối hay bãi sông. Một khúc sông tại Bãi Muối (xã Phước Thành, Phước Sơn) bị xới tung nham nhở do khai thác vàng sa khoáng. Hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH Phước Minh tại Bãi Muối đắp bờ bao bọc tạm bợ, lại đặt ở vị trí sát mép nước; chỉ cần một trận mưa lớn là nguy cơ sạt lở rất cao.

Theo quy định của pháp luật, trước khi các công ty được phép tận thu khoáng sản vàng bắt buộc phải hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Thế nhưng, được gia hạn giấy phép từ năm 2017, 2018, nhưng cả 2 Công ty TNHH Phước Minh và Công ty TNHH Ngọc Lĩnh hiện vẫn chưa được cấp có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành hạng mục này. Trung tá Hồ Song Ân - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh khẳng định, các doanh nghiệp triển khai công tác bảo vệ môi trường rất chậm, mang tính đối phó. Thậm chí có 3/4 đơn vị đang hoạt động vẫn chưa có giấy phép xả thải và công nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. “Kiểm tra cho thấy vẫn có chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất như xái quặng để tràn lan, hệ thống xử lý chất thải làm tạm bợ dễ trôi xuống sông, suối. Doanh nghiệp thăm dò lén lút khai thác khoáng sản xảy ra và lực lượng công an từng xử lý” - Trung tá Hồ Song Ân nói.

Theo báo cáo của UBND huyện Phước Sơn, thời điểm này có 8 đơn vị đã hết phép khai thác, thăm dò; UBND tỉnh cấp 4 giấy phép khai thác vàng gốc, 7 đơn vị còn thời gian thăm dò khoáng sản. Một số doanh nghiệp hết thời hạn thuê đất nhưng vẫn còn khai thác, thăm dò gây thất thu tiền thuê đất cho Nhà nước. Sở TN&MT cho rằng, sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp nằm ở lỗi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đã hoạt động sản xuất và chưa được phép xả thải đúng như phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát thực địa quy hoạch mỏ sắt tại xã Phước Hiệp. Ảnh: H.P
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát thực địa quy hoạch mỏ sắt tại xã Phước Hiệp. Ảnh: H.P

Quản lý lỏng lẻo

Bí thư Huyện ủy Phước Sơn - ông Phạm Thế Quyền cho rằng, mỏ vàng Phước Sơn được giao diện tích rộng lớn, nên chính quyền địa phương quản lý không nổi. Bảy doanh nghiệp hết hạn giấy phép không thu được gì, trong khu vực lại xảy ra tình trạng khai thác trái phép. Hầu hết doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường như đã phê duyệt. Sở TN&MT giải thích, tại khu vực mỏ vàng Phước Sơn, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn xin thăm dò 28km2 nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Bộ TN&MT không chấp nhận thăm dò với diện tích quá lớn này. Sở dĩ chưa cấp quyền khai thác khoáng sản vì giữa doanh nghiệp và đơn vị cấp phép (Bộ TN&MT) chưa thống nhất cách tính nghĩa vụ tài chính với đơn vị được phép khai thác. Đề cập nguyên nhân hạn chế trong kiểm soát tài nguyên khoáng sản của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - Nguyễn Quảng nhận định, do việc phát hiện và xử lý vi phạm, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động tận thu vàng đối với các cơ quan của huyện gặp nhiều khó khăn do cơ chế, thẩm quyền và thiếu các trang bị cần thiết.

Sẽ từ chối doanh nghiệp xả nước thải trực tiếp ra sông
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa khảo sát địa điểm thăm dò, quy hoạch bãi tập kết quặng sắt tại thôn 10 (xã Phước Hiệp) do Công ty TNHH MTV Phát triển số 1 Quảng Nam tổ chức khảo sát. Lãnh đạo tỉnh cho biết, trong trường hợp dự án được chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng thì điều kiện cần mà doanh nghiệp phải đáp ứng là đầu tư công nghệ hiện đại; sử dụng tuần hoàn nước chứ tuyệt đối không cho xả ra sông Trường. “Đơn vị được giao nghiên cứu đầu tư dự án đã hết hạn, tỉnh sẽ không gia hạn thời gian nghiên cứu dự án. Giao Sở TN&MT xây dựng tiêu chí đấu giá công khai việc tận thu sắt; chú ý đến công nghệ, công tác bảo vệ môi trường, cũng như các quy định pháp luật khác. Cơ quan chức năng của tỉnh sẽ xem xét, thẩm định chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường của dự án này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.

Chỉ cần nhìn bằng mắt thường đủ thấy Công ty TNHH Ngọc Lĩnh, Công ty TNHH Phước Minh thiếu trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường như thế nào. Bằng chứng trong khuôn viên các nhà máy, rác thải sinh hoạt lẫn chất thải nguy hại vứt bừa bãi; các kho bảo quản vật liệu nổ, hóa chất, dụng cụ sản xuất thì xây khá sơ sài. Thực tế các bãi vàng đã từng xảy ra chuyện xây công trình một đằng xả thải một nẻo. Các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản ở Phước Hiệp và Phước Thành (Phước Sơn) từ hơn 10 năm nay, họ lấy đi hàng trăm ký vàng nhưng nghịch lý là thờ ơ với hạng mục bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thẳng thắn: “Trách nhiệm kiểm tra, giám sát hồ sơ pháp lý, giấy tờ có liên quan và thực địa của doanh nghiệp thuộc về Sở TN&MT; nhưng ngành công an cũng có trách nhiệm trong đó vì chậm xử phạt. Pháp luật đã quy định khá rõ là chỉ cho phép nhà máy hoạt động khi được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và có đầy đủ giấy phép xả thải. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào thăm dò mà lén lút khai thác phải cương quyết chấm dứt, rút giấy phép thăm dò”.

Sau khi đi kiểm tra thực địa các mỏ vàng, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở TN&MT rà soát, điều chỉnh lại báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đơn vị khai khoáng; kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ thủ tục pháp lý của các doanh nghiệp. Trong trường hợp đưa ra mốc thời gian khắc phục, đầu tư hạ tầng kỹ thuật mà không đáp ứng thì dứt khoát yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động. Quan điểm của tỉnh, với các doanh nghiệp cấp phép gia hạn sẽ không đồng ý cho sử dụng cyanua vào quá trình tuyển quặng vàng. Nếu trước đây đã cấp giấy phép cho doanh nghiệp thì phải có hàng rào kiểm soát nghiêm ngặt. Về lâu dài tỉnh sẽ không cấp giấy phép sử dụng chất độc này trong tận thu vàng.

Sở Công Thương là đơn vị được giao quản lý hoạt động mua bán, cấp phép sử dụng hóa chất nguy hại như cyanua; tuy nhiên cơ quan này rất lúng túng trong việc quản lý. Luật Hóa chất quy định các điều kiện hết sức nghiêm ngặt khi muốn sử dụng cyanua, nhưng dường như “hàng hóa” này đã được giao dịch, mua bán trá hình ở các bãi vàng, dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. Cuối năm 2018, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị, đối với những đơn vị khai thác vàng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vi phạm bảo vệ môi trường nhiều lần gây bức xúc trong nhân dân, phải thu hồi giấy phép hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, đề xuất xử lý hình sự.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Qua quýt bảo vệ môi trường ở xứ vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO