Sông Cái Lớn nằm trong Miệt thứ của tỉnh Kiên Giang nối qua tỉnh Cà Mau. Đúng như tên gọi của nó, dòng sông vừa là sông cái, vừa là sông lớn hợp lưu tất cả kinh rạch của vùng rừng U Minh nên lưu vực của nó mênh mông.
Trên trăm năm trước, người Pháp đến vùng đất hoang hóa rộng thênh thang nằm giữa bán đảo Cà Mau và Rạch Giá cho xáng múc đất, tạo ra nhiều kinh rạch thẳng tắp. Đất hoang, cây cối mọc đầy nhưng... chưa có tên gọi. Người ta bèn đánh số cho những dòng kinh đó. Để phân biệt, người ta gọi tên các vùng đất giữa hai dòng kinh bằng thứ tự của các con số. Do vậy, vùng đất rộng lớn này được gọi là Miệt thứ.
Đặc điểm của Miệt thứ là ngoài kinh rạch ra, đất cơ bản chỉ để làm ruộng, trồng rừng. Cái màu dễ thấy nhất ở đây là màu của rừng dừa nước, tràm, đước, mắm, giá, sú, vẹt. Loại cây trầm thủy hoang dại như ô rô, cóc kèn mọc ken dày đôi bờ kinh. Ở đâu có nước là có ô rô, cóc kèn. Thiên nhiên đơn điệu nhưng cá tôm thì không thiếu.
Mọi việc bắt đầu từ lá thư của một người nông dân ở huyện An Minh (Kiên Giang) gửi trực tiếp lên tòa soạn đề tên tôi. Thư cho biết anh là một nông dân nghèo, chỉ làm sáu công ruộng, vừa đủ ăn. Qua nhiều năm dành dụm, anh mua được con trâu đực giá 8 triệu đồng để đi cày thuê cho bà con. Cứ mỗi công ruộng, trừ hết chi phí thuê chẹt - một loại xuồng gỗ đáy phẳng đóng theo hình chữ nhật để chở trâu đi, anh còn lời vài chục ngàn đồng.
Sông Cái Lớn. |
Anh cày thuê 3 năm, mọi điều suôn sẻ. Một hôm, anh đưa trâu qua huyện An Biên đi cày thì phát sinh sự cố. Công an xã X. bắt con trâu, giữ luôn cả chiếc chẹt chở trâu đi vì có một lá đơn của ai đó tố cáo con trâu của anh là trâu... bị ăn trộm 3 năm nay. Anh phải làm tường trình, đi lên đi xuống nhiều bận mới chứng minh được con trâu của mình không phải là con trâu ăn trộm. Công an xã giữ con trâu của anh 32 ngày, giữ chiếc chẹt thuê 8 ngày. Chủ chiếc chẹt đòi anh bồi thường mỗi ngày 20 ngàn, công an xã buộc anh phải trả công tiền... chăm sóc con trâu mỗi ngày 10 ngàn. Tính ra anh phải mất gần 500 ngàn đồng. Mà 500 ngàn đồng ở năm 1998 tính ra là một chỉ rưỡi vàng, tương đương năm triệu rưỡi ngày nay.
Anh lý luận: “Công an xã vô cớ bắt trâu của tôi, giữ chiếc chẹt, sao bây giờ lại bắt tôi đền bù? Đáng lẽ công an xã phải đền cho tôi chớ? Con trâu đực của tôi bây giờ ốm nhách, không biết nuôi đến khi nào nó mới mập mạp như cũ…”. Anh viết thư nhờ tôi can thiệp và giúp đỡ.
Tôi vượt 400 cây số về Miệt thứ, tìm đến Công an xã X. Bàn bạc với các anh một hồi, các anh nghe ra chuyện giữ con trâu đến 32 ngày là gây thiệt hại vật chất cho chủ trâu nên thuận tình không buộc chủ trâu trả tiền công chăm sóc nữa. Riêng chủ chẹt thì tôi... không dám có ý kiến vì chẳng gặp được ông.
Nội dung bài viết cơ bản là có rồi, chỉ thiếu ảnh. Tôi đánh giá bài viết mà không có tấm ảnh là thiếu đi 50% lượng thông tin. Một nhà báo không chụp được tấm ảnh trong trường hợp này là nhà báo tồi, thậm chí là nhà báo vô trách nhiệm với bạn đọc của mình. Tôi bèn làm một chuyện mà nhà báo bình thường phải làm: Qua An Minh chụp cho được tấm hình của anh nông dân và con trâu đực.
Ăn trưa sơ sịa trong một quán nhỏ ven sông, tôi dọ giá chuyến đò dọc đi An Minh qua sông Cái Lớn. Một chú bé mười bốn tuổi đồng ý đưa tôi đi về với giá tám chục ngàn đồng. Chiếc vỏ lãi chỉ lớn hơn cái xuồng ba lá một chút, gắn cái máy Kohler cũ mèm, phải giật đến lần thứ sáu mới chịu nổ. Tiếng nó nổ giòn như tiếng đại liên. Tôi ngồi giữa lòng vỏ, qua sông Cái Lớn.
Tháng tám, buổi chiều đầy mây. Rồi mây đen vần vũ kéo tới, gió nổi lên, mưa tới. Mùa mưa, khắp đồng bằng Nam Bộ thường mưa về buổi chiều; phải… sanh tử cọp lắm mới dám ngồi vỏ lãi xuôi sông Cái Lớn. Sông Cái Lớn nổi sóng đùng đùng, đập vào mũi vỏ lãi. Chú bé đưa cho tôi cái áo mưa mì ăn liền, bảo:
- Chú mặc áo mưa vào đi.
Tôi cẩn thận choàng áo mưa kín người, thắt chặt sợi dây trước cằm và giữ chiếc máy ảnh Canon sau lớp áo mưa bằng cả hai tay. Chiếc Canon cũ mèm này nặng trên 2 ký, chụp phim trắng đen, “để” phát nào ra phát ấy. Cơn dông đến thật nhanh làm tôi bỗng dưng nhớ đến cái… tơi ngoài mình. Ai nói quê mùa hủ lậu chi thì tôi chịu chứ trong lúc này mà có một cái tơi thì tôi cóc sợ trận mưa dữ dằn này chút nào. Gió mạnh quật vào chiếc vỏ lãi khiến nó chồm lên rồi ngập xuống. Sóng càng lúc càng to vỗ vào hai bên mạn vỏ, tràn vào cả chỗ ngồi.
Chú bé vẫn bặm môi, cầm chắc tay lái. Tiếng nổ của máy Kohler bị át đi trong tiếng mưa, tiếng sóng. Sông Cái Lớn thật sự trở thành một con rồng cuồng nộ, muốn nuốt chửng chiếc vỏ lãi như nuốt một chiếc lá.
- Mày cho vỏ chạy vào gần bờ hơn một chút!
Tôi hét lên trong mưa. Chú bé hiểu ý, chạy vào gần bờ. Những chỗ ráp nối của hai chiếc áo mưa của tôi đã bị gió giật rách bươm, mưa thấm ướt cả quần áo.
- Mày có bằng lái không, con?
- Làm gì có. Ở đây, hổng ai có bằng lái hết!
- Vậy lỡ tao chết mày lấy gì mà đền?
- Chú chết ên chú. Tui chết ên tui.
Chữ “ên” của miền Tây có nghĩa là một mình, là ai lo phận nấy, nghe ngồ ngộ, dễ thương.
- Vậy lỡ vỏ chìm, tao làm sao bơi vào bờ được?
- Không sao, chú cứ... cầm miếng ván chú đang ngồi làm phao; tui lội một mình. Không chết đâu mà chú lo.
Mưa cứ rơi, sóng cứ vỗ, gió cứ thổi nhưng chiếc vỏ lãi vẫn đến được nơi nó cần đến. Tôi tìm ra anh nông dân và con trâu nhưng tấm ảnh thì không thể thực hiện được. Mưa đã làm máy ảnh ướt sũng, cả phim và đèn flash cũng ướt luôn. Tôi hỏi anh nông dân:
- Anh có sẵn tấm ảnh nào đó không?
Anh đáp tỉnh khô:
- Không. Dưới này chẳng có ai chụp ảnh và cũng chẳng có ai muốn chụp ảnh làm gì. Người không có ảnh, nói gì tới trâu.
Tôi cụt hứng, nói thêm mấy câu, uống hết ly trà rồi đứng lên từ biệt. Điều an ủi là tôi thuộc mạng Đinh Hợi, con của vua Huỳnh đế, dù lội dở nhưng không chìm vỏ lãi, không hy sanh giữa trận cuồng phong sậu vũ trên sông Cái Lớn!
Chúng tôi - tôi và cậu bé, xuống vỏ lãi, quay lại An Biên. Lúc đó, trời đã sẫm tối.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN