Quá tải du lịch Cù Lao Chàm

KHÁNH LINH 29/07/2016 09:08

Khái niệm “túi đựng khách” chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây tại Cù Lao Chàm khi lượng khách du lịch đổ về đảo tăng đột biến, đặt ra nhiều vấn đề đáng lo.

Mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách tham quan Cù Lao Chàm. Ảnh: KHÁNH LINH
Mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách tham quan Cù Lao Chàm. Ảnh: KHÁNH LINH

Nếu như năm 2009 tổng số khách tham quan Cù Lao Chàm mới khoảng 27 nghìn lượt thì đến năm 2013 đã tăng lên 176 nghìn lượt, sang năm 2015 con số này đạt khoảng 420 nghìn lượt. Riêng 6 sáng đầu năm nay đã có hơn 200 nghìn lượt khách đến đảo.

“Túi đựng khách”

Sự phát triển “nóng” của du lịch đã tác động đến môi trường xã hội và môi trường tự nhiên nơi đây. Tình trạng cò mồi, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, làm ăn dối trá… đã xuất hiện tại bến cảng Cửa Đại. Nổi cộm là sự phá giá. Mặc dù TP.Hội An quy định giá sàn 450 nghìn đồng/khách nhưng rất ít doanh nghiệp bán đúng giá, nhiều doanh nghiệp đón khách từ công ty lữ hành giá chỉ 350 đến 400 nghìn đồng, thậm chí có đơn vị bán giá 280 nghìn đồng/khách (trong khi công ty lữ hành và “cò” chào bán khách giá từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng).

Sự phá giá này đã dẫn đến 2 nghịch lý là doanh nghiệp du lịch Cù Lao Chàm tuy đón khách nhiều nhưng lợi nhuận không cao do phải chi lại cho “cò” và công ty lữ hành, dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, gây mất uy tín cho khách và ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến. Hệ lụy này cũng “góp phần” làm gia tăng khách lên đảo, gây tác động đến môi trường tự nhiên, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên (nước, rau rừng, thủy hải sản…). Hiện môi trường vệ sinh tại một số khu vực như Bãi Ông luôn trong tình trạng ô nhiễm khiến doanh nghiệp và du khách “kêu trời”... Cù Lao Chàm đã thực sự trở thành “túi đựng khách” quá cỡ.

Ông Trần Hưng - Chủ tịch Ban vận động Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm nhìn nhận, điều lo lắng của doanh nghiệp du lịch hiện nay là làm sao để Cù Lao Chàm vừa đáp ứng được yêu cầu chất lượng của du khách như là một điểm điểm đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhưng cũng phải đảm bảo sự phát triển bền vững vì chuyện quá tải đã hiện hữu. Theo ông Hưng, tiềm năng Cù Lao Chàm không phải chỉ đón 3.000 khách như quy định hiện nay mà có thể hơn thế nữa, vấn đề là cần có những kế hoạch, quy hoạch cụ thể; hoàn thiện các công trình, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, phân luồng, nhân lực phục vụ…, nếu không với tình hình hiện nay dù 2.000 khách cũng là quá tải, do vậy vấn đề quan trọng nhất vẫn là công tác đầu tư, quy hoạch. “Ban đầu, sự gia tăng về khách đã khiến việc ra đời của doanh nghiệp bùng phát, cùng với việc thả lỏng quản lý nên khiến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, kể cả doanh nghiệp hạ giá làm giảm chất lượng dịch vụ. Vì vậy, bây giờ các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau với mục tiêu là vì khách du lịch, vì chất lượng và vì kinh tế. Bên cạnh đó, thời gian tới hiệp hội sẽ cố gắng xâu chuỗi lại, tìm ra giải pháp, xây dựng những phép tính toán kinh tế trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, cho cộng đồng và cho sự phát triển kinh tế chung, chứ như hiện nay là mỗi người mỗi kiểu” - ông Hưng nói.

Chưa có quy hoạch chi tiết

Dù du lịch Cù Lao Chàm phát triển “nóng” trong vài năm qua, nhưng đến nay công tác quy hoạch chi tiết về du lịch vẫn chưa được triển khai. Một trong những trở ngại trong quy hoạch Cù Lao Chàm là do đây không chỉ đơn thuần là điểm du lịch thông thường mà còn là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đặc biệt là khu quân sự nên việc quy hoạch khá thận trọng, càng không thể mời chuyên gia nước ngoài vào. Thời gian qua, việc xây dựng đầu tư du lịch chủ yếu tuân thủ theo quy chế tạm thời của thành phố. Hiện nay, hoạt động du lịch ở Cù Lao Chàm phần lớn diễn ra tại 4/10 bãi của đảo là Bãi Ông, Bãi Chồng, Bãi Hương và Bãi Bấc. Theo UBND xã đảo Tân Hiệp, với tốc độ tăng khách như hiện nay, vấn đề đáng lo là nước sạch, không gian du lịch và công tác quản lý trật tự xã hội. Tuy nhiên, do xã không có chức năng nên việc xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động du lịch gặp khó khăn.

Thực tế, do diện tích xã đảo nhỏ (khoảng 15km2), dân số ít (khoảng 2.700 người), nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn nhưng mỗi năm Cù Lao Chàm phải đón vài trăm nghìn khách đã thật sự vượt sức chịu đựng, dẫn đến công tác quản lý và ứng phó dường như không theo kịp. Đặc biệt, sự chồng chéo trong quản lý khai thác du lịch nơi đây do có quá nhiều đơn vị cùng quản lý chung. Cụ thể, Ban Quản lý bảo tồn biển: nhiệm vụ bảo tồn biển và rừng, bán vé tham quan. Ban Quản lý bến cảng: kiểm tra việc xuất nhập bến. Bộ đội Biên phòng: kiểm tra an ninh, an toàn ra vào đảo. Phường Cửa Đại: đảm bảo trật tự bến bãi, quản lý xe cộ. Xã Tân Hiệp: thống kê số lượng khách ra đảo, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trên đảo, thu tiền dịch vụ, nước, môi trường… Ngoài ra, tỷ lệ phân chia tiền vé khác nhau đã khiến nhiều vấn đề phát sinh khó được giải quyết đồng bộ do không có bộ máy chỉ huy chung. Vì vậy, thời gian tới đòi hỏi công tác điều hành du lịch Cù Lao Chàm cần có sự thống nhất từ thành phố đến xã và ngược lại, tránh trường hợp không ai nghe ai.

Đã đến lúc xây dựng Cù Lao Chàm trở thành điểm du lịch cao cấp và có chọn lọc khách, chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Đã qua rồi những con số khách tăng trưởng “nóng” năm sau cao hơn năm trước vì phía sau những con số không hẳn là niềm vui. Nhưng hạn chế khách làm sao, nâng cao chất lượng thế nào để Cù Lao Chàm đón ít khánh nhưng doanh nghiệp, người dân sống được và Nhà nước có nguồn thu thì cần phải có sự phối hợp và quyết tâm của các bên liên quan, nhất là doanh nghiệp.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quá tải du lịch Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO