Không chỉ tạo thói quen đọc báo, chủ trương “cấp phát báo cho già làng, trưởng bản uy tín” ở vùng đồng bào miền núi của Chính phủ còn là “cầu nối” giúp mọi thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước… được truyền tải đến với người dân.
Đưa báo về vùng biên giới. Ảnh: Lăng A Cúi |
Món ăn tinh thần
Hàng tuần, ông Alăng Bê - Bí thư Chi bộ thôn Sơn Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang) đều đặn đến UBND xã nhận vài tờ báo. Đọc báo trở thành thói quen mỗi ngày, giúp ông Bê nắm bắt được nhiều thông tin mọi mặt trong xã hội đồng thời cũng cập nhật thông tin phục vụ công tác tuyên truyền đến với từng đảng viên và người dân trong thôn. “Hễ ngày nào không có báo, tự nhiên thấy thiêu thiếu. Dù bận nhiều công việc gia đình nhưng tôi vẫn tranh thủ ghé ủy ban xã để nhận báo về. Nhờ vậy mà cập nhật thường xuyên, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn”- ông Bê bộc bạch.
Không chỉ ông Bê, kể từ khi chủ trương cấp phát báo cho già làng, trưởng bản ở vùng miền núi được triển khai, việc đọc báo đã trở thành thói quen của rất nhiều người. Tờ báo ở miền núi trở thành một “món ăn tinh thần”, giúp thư giãn và “luận” cùng nhau những thông tin bổ ích. Bởi vậy, tranh thủ ngoài các buổi lên rẫy, nhiều người dân vùng cao lại đến tìm đọc những bài viết hay, ý nghĩa trên các trang báo được trưởng thôn lưu giữ. Già làng Aviết Bia, ở thôn Pà Xua (xã Tà Bhing, Nam Giang) chia sẻ: “Đọc báo, thấy có rất nhiều bài viết hay về gương người tốt, việc tốt, các mô hình sản xuất hiệu quả… có thể áp dụng cho đồng bào. Những thông tin hay như vậy, đọc xong già lại cất cẩn thận, kẻo làm mất nguồn tư liệu hay”.
Còn tại các xã biên giới Đắc Pre, Đắc Pring (Nam Giang), để khuyến khích người dân tìm đọc báo, các đồn biên phòng đã thực hiện nhiều mô hình “phòng đọc biên giới” với nhiều đầu sách báo hay, giúp đồng bào có không gian ngồi đọc thư giãn, nắm bắt được nhiều thông tin bổ ích. Chính các phòng đọc này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo thói quen đọc báo, nâng cao hiểu biết cho đồng bào vùng cao.
Kết nối chủ trương
“Ở vùng miền núi, tiếng nói của già làng được xem như “phát ngôn” chung của cả làng. Bởi vậy, một khi “lời phát ngôn” đó được đưa ra, ai cũng đều nghe theo”, ông Bhơriu Quân - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tây Giang nói về vai trò của già làng ở miền núi. Theo ông Quân, kể từ khi chủ trương “cấp phát báo cho già làng, trưởng bản uy tín” của Chính phủ được triển khai, nhiều chính sách liên quan đến vùng đồng bào miền núi đã được đi vào đời sống nhân dân một cách ổn định và hiệu quả. Thông qua các buổi họp thôn, ngoài việc phổ biến tình hình về kinh tế - xã hội cùng các hoạt động tại địa phương, các già làng, trưởng bản còn nêu ra nhiều gương điển hình về phát triển kinh tế, xã hội ở các trang báo giúp người dân cùng học tập. Họ được xem là những “cầu nối” giúp truyền đạt mọi thông tin chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân địa phương, thông qua các kênh tuyên truyền của báo chí.
Ông Cơlâu Nâm, ở thôn Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) cho biết, bản thân ông rất đồng tình với chủ trương đưa báo về vùng đồng bào miền núi trong tỉnh. Để tạo sự đa dạng trong việc tiếp nhận từ các kênh tuyên truyền, ông Nâm kiến nghị, chính quyền các cấp nên có thêm chủ trương hỗ trợ radio cho các già làng, trưởng bản, nhằm giảm “khoảng cách” đối với những người… chưa biết mặt chữ hoặc ở một số vùng mà tờ báo không thể chuyển tới nơi kịp thời. Già làng Y Kông, nguyên Chủ tịch huyện Đông Giang chia sẻ, ông thường xuyên vận dụng nhiều mô hình, sáng kiến hay từ các trang báo để áp dụng, tuyên truyền cho đồng bào mình các buổi họp thôn. Nhiều vấn đề về bảo tồn văn hóa, các thông tin về chủ trương, chính sách mới… được ông nêu ra khiến nhiều người thích thú.
Theo bà Lê Thị Thủy - quyền Trưởng ban Dân tộc tỉnh, chủ trương cấp phát báo cho những người uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng tình từ phía chính quyền địa phương cũng như các già làng, trưởng bản. Đây thực sự là chủ trương đúng đắn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, tạo sự kết nối giữa chính quyền và người dân bản địa thông qua công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, việc phát hành báo tại địa bàn miền núi còn gặp khá nhiều khó khăn do đường sá xa xôi, cách trở; nhiều số báo đến tay người dân còn chậm trễ, khiến một số thông tin “nguội”, mất tính thời sự. “Qua các đợt khảo sát, đa số các già làng, trưởng bản đều tỏ sự đồng tình ủng hộ và coi đó như một “cầu nối” giúp việc chuyển tải các nội dung về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được đảm bảo, kịp thời đến với từng người dân” - bà Thủy nói.
LĂNG A CÚI - P. GIANG