Những ngôi làng thinh lặng, nép mình ở các vùng ven đô thị, một thời và mãi mãi là nơi chở nặng các trang sử vàng.
Tôi hình dung, nếu ngày giải phóng ở các đô thị được chọn làm những mốc trọng đại, thì các ngôi làng ven đô đóng vai trò “dọn đường” để làm quang rạng con đường tổng tiến công tròn 40 mùa xuân trước. Bây giờ, những “cánh đồng chết” đã phủ màu sự sống, xanh tơ, vàng ươm. Lớp người tận tay chèo đò đưa cán bộ về thị xã Hội An, lớp người sẵn sàng bươn mình ra để che giấu cho cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Đà thời ấy, đã về với đất mẹ gần hết. Người còn sống, thì nói, chắc sẽ không bao giờ quên, mọi chuyện còn như mồn một trong ký ức. “Mỗi năm, kề ngày giải phóng thành phố, chúng tôi lại họp mặt. Gặp để nhìn nhau cười mà nếp nhăn đã phủ hết mặt. Gặp để nhớ một thời chúng tôi đã được người dân ven đô hết lòng giúp sức. Gặp để còn biết dù có nói bao nhiêu lời vẫn không hết được những ân tình mà người dân Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Hà… dành cho chúng tôi” - ông Nguyễn Hưng, nguyên Trưởng ban An ninh thị xã Hội An năm 1973, đến năm 1987 là Bí thư Thị ủy Hội An, chia sẻ. Còn ông Nguyễn Hữu Bì, bà Nguyễn Thị Nhi, những người trực tiếp nằm ở vùng ven đô thị Đà Nẵng, trực tiếp chiến đấu tại xã Điện Thắng (Điện Bàn) - nơi làm bàn đạp để quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng, bây giờ, trong lòng, trong giọng nói, vẫn còn ngọn sóng của những ngày oanh liệt.
Đình làng Thanh Quýt - một trong những nơi phát lệnh tiến công giải phóng Đà Nẵng.Ảnh: SONG ANH |
Mắt xích Cẩm Thanh
Quá khứ và hiện tại. Chiến tranh và hòa bình. Bom đạn và thơ nhạc… Ở những vùng đất anh hùng của xứ Quảng, những thứ tưởng chừng trái ngược nhau, lại cùng nhau tồn tại, hiển hiện. Huyền thoại xứ sở dựng nên từ những con người bình dị, lành như đất. Ông Lê Văn Giảng - nguyên Chủ tịch UBND TP. Hội An nói rằng vùng đô thị này “như vươn tới ôm trọn vào mình những tận cùng sông nước của Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc… và cả TP.Đà Nẵng”. Phải vậy nên, vùng đất này, từ trong chinh chiến lẫn hòa bình, là nơi tụ hội của những linh khí, những con người với trái tim và trí óc bằng sắt, bằng đồng. Nghe ông Nguyễn Hưng kể những câu chuyện đấu tranh ngoan cường để giành giật lại toàn bộ vùng đô thị cổ, mới thấy rằng, bình yên, tĩnh lặng của Hội An hôm nay, phải đổi bằng bao nhiêu gian nan, xương máu. Ông Hưng nói, nếu không có sự ngoan cường, kiên gan đến trơ lỳ của người dân vùng ven thì vùng nội thị Hội An - với sự tập trung của các cơ quan đầu não ngụy quân, ngụy quyền bấy giờ, rất khó có cơ hội để đánh sập một lúc như vậy. “Từ năm 1964 đến 1972, chúng ta mất Cẩm Thanh. Nhưng cái đất thật lạ, giặc chiếm vùng cửa ngõ thì dân ta ở vòng trong, vẫn ngày đêm nuôi giấu cán bộ và làm cách mạng. Từ 1967 cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh là nơi trú ẩn an toàn, nơi bảo tồn lực lượng cách mạng của thị xã Hội An, là bàn đạp quan trọng ở phía đông thị xã để ta xuất kích, tiến đánh nội ô Hội An. Cán bộ chúng tôi ở Cẩm Thanh nhưng hoạt động trong lòng thị xã” - ông Hưng tiếp chuyện.
Đội thiếu niên anh hùng xã Cẩm Thanh. |
Cẩm Thanh - nơi được mệnh danh vùng đất thép. Trong suốt chuỗi dài lịch sử, từ lúc hình thành với cái tên tổng Thanh Châu thời phong kiến, đến khu Thanh Hiệp, khu Hội Hải, khu Đông thời kháng chiến chống Pháp và tên gọi Cẩm Thanh thời chống Mỹ cho đến ngày nay, người dân vùng này vẫn giữ trọn truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động, rất đỗi kiên gan trong đấu tranh với kẻ thù. Ở đây còn lưu truyền câu ca: “Sông sâu, bót giặc, khu dồn/ Rừng dừa Bảy Mẫu và Cồn Kiện xưa”. Cồn Kiện - Thuận Tình - bến sông Gò Hý, là những địa danh gợi nhớ về những trận chiến quyết liệt của cư dân vùng sông nước hạ du. Sông ngòi và các rừng dừa nước bao bọc là thế mạnh để cán bộ, lực lượng vũ trang cách mạng làm nơi đóng chân. Từ đây, khơi mở những trận đánh xuất sắc vào nội ô tiêu diệt tiền đồn Cẩm Phô nam, giải phóng nhà lao Thông Đăng, bắt tỉnh trưởng bù nhìn… Cẩm Thanh còn là mắt xích quan trọng của “con đường Hồ Chí Minh trên sông” - tên gọi của con đường huyết mạch nối bờ nam sông Thu Bồn với các vùng bị tạm chiếm phía bờ bắc sông Thu. Hàng hóa, lương thực, thuốc men… từ vùng tự do chuyển vào tiếp tế cho vùng tạm chiếm, đều đi qua con đường này.
Thuyền của người dân Cẩm Thanh tham gia đưa đón cán bộ.Ảnh tư liệu |
Một chiều tháng 3, sau 40 năm hòa bình, những ngày người dân bờ nam và bắc sông Thu náo nức chờ sự kiện hợp long cây cầu Cửa Đại, có người đàn ông ngồi phía bờ sông Cẩm Thanh, dõi mắt ngóng về phía cầu xa xa. Những ngày đạn pháo ác liệt, bao nhiêu chuyến đò đưa người sang bờ nam Duy Xuyên và ngược về bờ bắc Hội An, bao trận phục kích của Biên đội hải thuyền ngụy đóng tại đồn Cửa Đại bắn phá tan tành, khí thế của đêm 26.3.1975, khi hàng chục chiếc thuyền bí mật chở quân từ căn cứ Xuyên Tân (Duy Xuyên) về giải phóng Hội An. Những hồi ức dồn dập đổ về trong mắt người già. Ông nói, Cẩm Thanh là con đường hành lang, là bàn đạp xung yếu của phong trào cách mạng Hội An. Đêm 26.3 của 40 năm về trước, chính ông lão nay đã ngoài bát tuần - Trần Văn Xe là người trực tiếp chỉ huy, tổ chức đoàn thuyền 51 chiếc lên căn cứ Xuyên Tân, Xuyên Thái đón cán bộ, bộ đội về giải phóng hoàn toàn thị xã Hội An vào ngày 28.3.1975. Thế là niềm vui, nỗi chờ đợi đã đủ vỡ òa. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, mảnh đất Cẩm Thanh anh hùng có 719 liệt sĩ, hơn 180 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cẩm Thanh cũng là xã đầu tiên của TP.Hội An được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Rào chắn”
Con đường Bắc - Nam ngày một đầy đặn. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, tô thêm cho trang đời những hình ảnh mới. Nhưng với bà Nguyễn Thị Nhi, người nữ du kích tham gia cách mạng khi tuổi chỉ mới 15, vẫn đau đáu những ngày làng quê Thanh Quýt, những xóm Chay, xóm Rừng… trong cơn đạn bom ác liệt nhất, vẫn quyết bảo vệ người cán bộ cách mạng đến cùng. Những người cùng lứa với bà, đã ghi tên mình vào lịch sử. Người dân Điện Thắng (huyện Điện Bàn) khi ấy cùng một lựa chọn, cùng một quyết định. Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng ghi lại, một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Thắng là bảo vệ hành lang đưa đón cán bộ ra - vào vùng địch. Đó là con đường đi từ vùng A - vùng căn cứ cách mạng, qua vùng B - vùng Điện Thắng, đến vùng K - vùng cát Điện Ngọc, Điện Nam… Trên đường hành lang đó, Điện Thắng nằm ở vị trí xung yếu, có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại của con đường nối liền vùng giải phóng, vùng tranh chấp với vùng địch kiểm soát. Người dân dùng tre gai để lấp đường. Hoặc khi vác cuốc ra đồng, cuốc ở vai trái là có địch, vai phải thì không. Rồi khi thắp hương ngoài đồng, bên đường hàng lang, 7 cây là có địch, 3 cây nghĩa là an toàn… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bất khả kháng, để bảo vệ hành lang, nhiều người đã ngã xuống. Nhưng, điều cơ bản nhất là tính mạng của bộ đội, cán bộ, đảng viên đi trên đường hành lang an toàn.
Về Điện Thắng, hỏi người làm cách mạng gan lỳ nhất thời chống Mỹ, người dân kể ra không biết bao nhiêu cái tên. Nhưng nói về người vinh dự cùng đồng chí Võ Chí Công đề ra các vị trí trọng yếu ở Điện Thắng để đưa lực lượng tham gia mũi tiến quân giải phóng Đà Nẵng thì người ta nghĩ tới ông Nguyễn Hữu Bì - nguyên Chủ tịch UBND xã Điện Thắng. Tuổi đã ngoại bát tuần, ông Bì tham gia chống Mỹ, rồi lại tiếp tục góp sức vào công cuộc cải tổ, hồi sinh vùng đất ngoại ô sau giải phóng. Ông kể, ở đất Điện Thắng này, đã từng vinh dự là nơi đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân… trú chân để phát lệnh giải phóng Đà Nẵng. Ông Bì kể thêm rằng, các đơn vị quân đội, bảo vệ đóng quân trong đình làng Thanh Quýt, khu vực cây chim chim cổ thụ và các nhà dân lân cận. Từ đây, những mũi quân tiến công giải phóng Đà Nẵng bắt đầu. Riêng tại Điện Thắng khi ấy, ngày 26.3.1975, các đoàn thể quần chúng đều ở trong tư thế sẵn sàng đứng lên nổi dậy giành chính quyền. Nhờ vậy, ngày 27.3.1975, khi Huyện ủy Điện Bàn phát đi mệnh lệnh khởi nghĩa, gần 7.000 bà con Điện Thắng đồng loạt xuống đường.
Hồi sinh
Ở Cẩm Thanh, những hố bom sâu hoắm trong chiến tranh nay đã được lấp đầy bởi màu xanh của khóm dừa đang vươn lên mạnh mẽ. Một bức tranh nông thôn mới, bức tranh của làng quê sinh thái yên bình đầy sức quyến rũ đang hiện rõ nét. Những cây dừa chở che bộ đội năm xưa nay qua bàn tay cần cù, sáng tạo của người dân trở thành nguyên liệu cho nghề dựng nhà vườn bằng tre và lá dừa với doanh thu hàng năm toàn xã đạt hơn 8 tỷ đồng. Cùng với đó, những mô hình du lịch cộng đồng đưa du khách trải nghiệm cuộc sống trong rừng dừa cũng đang góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân. Thu nhập bình quân đầu người của Cẩm Thanh hiện đạt 23 triệu đồng/năm và xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015. Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, khu rừng dừa Bảy Mẫu có một sức sống kỳ diệu, là biểu tượng cho tinh thần cách mạng bất khuất của người dân Cẩm Thanh. Chính phủ đang giao cho tỉnh lập quy hoạch bảo tồn khu rừng dừa ngập mặn này. Xã cũng đã có chủ trương khôi phục lại những công trình phòng thủ, chiến đấu năm xưa tại rừng dừa Bảy Mẫu.
Đất anh hùng Điện Thắng, sau 40 năm giải phóng, đã đi từ vùng đất thuần nông sang phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Đất đã hồi sinh từ những hố bom. Về với đời thường, người dân Điện Thắng, bây giờ là 3 xã Điện Thắng Nam, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, với những tên đất tên người đi vào lịch sử, tiếp tục bản lĩnh của một thời “rào chắn đạn bom”, để xây dựng quê hương. Ngang qua Điện Thắng, trên dọc tuyến quốc lộ, hẳn ít ai ngờ rằng, tròn 40 năm trước, đây từng là vùng đất chết, bởi đụng đâu cũng thấy bom mìn. Nay, nhà cửa đã mọc lên san sát, như phố phường…
Ghi chép của SONG ANH