Hà Ngại là vị quan triều Nguyễn cuối cùng trị nhậm đất Kon Tum vào năm 1945. Đến ngày 25.8 năm ấy, Kon Tum làm cuộc Cách mạng Tháng Tám, Hà Ngại bàn giao chính quyền cho cách mạng, quay về cố quận Quảng Nam, rồi ra Huế mở lớp dạy chữ Nho.
Hà Ngại còn có tên Hà Thược, sinh năm 1890 tại xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Ông đỗ cử nhân Hán học năm 1912, sau đó tốt nghiệp trường Hậu bổ - Huế rồi được bổ đi làm quan kinh qua nhiều chức danh lần lượt tại các địa phương: Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Thuận, Thừa Thiên, Hà Tĩnh, Nghệ An, và cuối cùng là làm Quản đạo Kon Tum năm 1945. (Kon Tum được chính phủ Pháp lập thành đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 1913, nhưng theo quy định của chính phủ Nam triều - triều đình Huế - vì là tỉnh miền núi nên gọi là “đạo”; “Quản đạo” ở đây tương đương như tỉnh trưởng). Tháng 8.1945, cùng cả nước, Kon Tum làm cuộc cách mạng thành công, Hà Ngại bàn giao chính quyền cho cách mạng rồi về nhà. Ở quê một thời gian Hà Ngại ra Huế mở lớp dạy chữ Hán, rồi vào Sài Gòn ở với con trai cả Hà Thúc, đến năm 1976 thì mất.
Năm 2014, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành thiên hồi ký của Hà Ngại với nhan đề “Khúc tiêu đồng”. Nội dung sách kể lại cuộc đời làm quan và thể hiện những cảm nhận, quan điểm của tác giả về thế sự và thời cuộc.
Kon Tum cho đến lúc Hà Ngại đến trị nhậm vẫn đồng nghĩa với cảm giác là một địa danh xa lạ, nhiêu khê, sơn lâm chướng khí, khó nghèo lạc hậu,… đối với nhiều người, trong đó có Hà Ngại. Tuy nhiên, khi đặt chân đến xử sở này Hà Ngại đã có những quan sát và cảm nhận rất thiện cảm:
“Tôi xem xét thị trấn Kon Tum, thấy ở đó tuy gần núi rừng mà dân cư đông đúc, làm ăn vui vẻ. Cũng có chùa Phật giáo, nhà thờ Công giáo huy hoàng. Hỏi ra thì cách thành phố 5 cây số cũng có chỗ nước độc, mà ở đó nước hiền, khí hậu tốt. Cả gia đình tôi tuy tiếp xúc khí hậu mới lạ mà ai cũng khỏe mạnh...
... Toàn tỉnh, số người Việt (dân tộc Kinh - NV) hai vạn mà thiểu số hai mươi vạn. Duy thiểu số thì người Pháp trực tiếp cai trị, không cho chính quyền Nam triều dự vào. Chúng tôi chỉ lo sắp đặt công việc của người Việt mà thôi, nên làm việc thong thả ... Quản đạo tuy là tỉnh trưởng mà trực tiếp làm việc với chánh - phó tổng, lý trưởng và ngũ hương. Dân Kon Tum là người tứ chánh. Phần đông là người Bình Định, Quảng Ngãi... lên đó lập nghiệp đã lâu, chuyên nghề nông. Tôi có đến thăm một nông trại, thấy ruộng tốt, mùa được, sinh hoạt dễ dàng...”.
Cảm nhận chung về Kon Tum là vậy, riêng với đồng bào thiểu số bản địa, Hà Ngại đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9.3.1945:
“Người thiểu số ở Kon Tum có thể trên vài mươi vạn. Trước đây người Pháp trực tiếp cai trị. Nay nước Nhật đã tuyên bố sẽ để Việt Nam độc lập thì lẽ đương nhiên sẽ phải giao người thiểu số cho Nam triều cai quản. Tôi đem việc ấy trình bày với quan tư Nhật. Ông bảo là chưa nhận được một mệnh lệnh nào về việc ấy.
Ngày kia, nghe ông quan sáu Nhật sắp tới Kon Tum, tôi làm một lá thơ bằng Pháp văn đưa sang cho ông. Ông xem xong, thảo luận cùng tôi, và bảo:
- Chúng tôi sẽ gửi thơ sang quý đạo, giao người thiểu số cho ông quản trị. Chiều nay tôi sẽ đến thăm ông và viên chức trong đạo.
… Sau khi được Nhật giao người thiểu số cho, tôi họp viên chức trong Đạo, mời thêm thân hào nhân sĩ đến dự. Trong số này có hai thanh niên trước có làm cách mạng, học hành thông thái, có thiện chí làm công ích. Tôi mời hai thanh niên ấy làm cố vấn cho hai phái đoàn của đạo. Hai phái đoàn này bao gồm các viên chức trong đạo sẽ chia nhau đi đến từng làng khám xét, làm biên bản và hiểu dụ người thiểu số những việc vệ sinh, việc học chữ, làm nhà cửa, cầu đường, nhất là thông cảm sự bình đẳng đôi bên Việt và Thượng để cùng nhau hợp tác trên con đường mới. Tôi lại xin bộ trích một số tiền để mua các phương tiện sản xuất cung cấp cho nhà nông thiểu số.
… Chính tôi cũng chỉ mong mỏi ở mãi Kon Tum cho tới khi về hưu để làm việc cho đồng bào thiểu số”.
Nhưng…, như đã biết, Hà Ngại phải rời chốn quan trường và đất Kon Tum sớm, không thực hiện được “mong mỏi ở mãi Kon Tum cho tới khi về hưu để làm việc cho đồng bào thiểu số” vì sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc - Cách mạng Tháng Tám! Ông tâm sự: “Còn tôi thì cũng không ở lâu trên ghế quan trường được. Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 diễn ra. Tôi giao chính quyền cho Việt Nam. Họ phái một viên đội trưởng và ba lính tập đi xe hơi đưa tôi về. Họ hỏi tôi về đâu. Tôi đáp: - Tôi chánh quán ở Quảng Nam. Nhưng nay tôi về xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định thăm chơi, vì đó là quê vợ tôi. Sau, tôi sẽ ra Quảng Nam.
Họ đưa tôi 700 đồng bạc, bảo khi nào về Quảng Nam thì lấy tiền ấy thuê xe mà về”.
Việc Hà Ngại yêu quý và quan tâm tới đồng bào thiểu số ở đây còn được thể hiện ở sự “ăn năn hối lỗi” của ông như sau:
- Số là năm 1924, lúc Hà Ngại còn làm Tri huyện Phù Cát tỉnh Bình Định, thừa lệnh quan trên, ông đã huy động nhân dân làm gấp gáp một sân bay dã chiến để cho không quân Pháp bay lên thả bom Kon Tum trấn áp sự phản kháng của đồng bào dân tộc thiểu số không chịu quy phục người Pháp. Sau này, khi đã ở thực tế tại Kon Tum, thấy và hiểu rõ đồng bào, nhớ lại việc làm vì bắt buộc trước đấy trên 20 năm, ông viết:“… Ít bữa sau, phi hành đoàn trở về thăm tôi và nói: - Chúng tôi lên Kon Tum thả bom chết mấy tên mọi. Sau chính phủ phải bồi nhân mạng một số tiền to họ mới đầu hàng.
Hồi đó, tôi cho là mình đã góp phần chiến thắng, chớ có biết đâu đó là hành động tiếp tay tiêu diệt công cuộc cách mạng của đồng bào thiểu số của mình!”.
Nỗi lòng yêu thích đất Kon Tum và yêu quý người Kon Tum của Hà Ngại được ông thể hiện trong bài thơ ngẫu vịnh về xứ sở này, góp vào gia tài văn học Kon Tum thêm một tác phẩm thi ca. Bài thơ không những ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên Kon Tum mà còn thổ lộ nỗi niềm của tác giả đối với một nơi phù hợp sở thích, sở nguyện của mình: “Chen vai thủ hiến đã đà vinh/ Phong cảnh Kon Tum lại có tình/ Thân đất thấp dần sông chảy ngược/ Chân trời cao bổng núi thu hình/ Làng thi xem lại dân còn kém/ Cần rượu say rồi mọi cũng xinh/ Vừa được làm quan, vừa ở ẩn/ Lâm tuyền bốn phía của riêng mình!”.
TẠ VĂN SỸ