Thời gian qua, các nhà nghiên cứu căn cứ vào những tư liệu trong các bộ chính sử và địa chí, các châu bản Triều Nguyễn khẳng định nhà nước phong kiến Việt Nam trong lịch sử đã chiếm hữu và tiến hành quản lý, khai thác liên tục trên thực tế với danh nghĩa nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp nối cách tiếp cận đó, với loạt bài này, chúng tôi dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin từ những văn bản pháp lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) để đề cập sự khẳng định chủ quyền và quản lý liên tục của chính quyền này đối với quần đảo Hoàng Sa kể từ khi người Pháp rút khỏi Việt Nam cho đến năm 1975, khi chính quyền này sụp đổ.
KỲ 1: KÉO VÀO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRONG ĐẤT LIỀN
Sau khi Hiệp ước Elysée được ký kết (8.3.1949), quốc gia Việt Nam do Pháp dựng lên, đứng đầu là Bảo Đại, thì tháng 4 năm này Chánh Văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại là Hoàng thân Bửu Lộc tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Và đến đầu tháng 10.1950, Tổng thống Cộng hòa Pháp Vincent Auriol gửi thông điệp cho Bảo Đại trao lại cho quốc gia Việt Nam chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Liền ngay sau đó, ngày 14.10.1950 Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo chủ trì việc bàn giao này.
Một năm sau, ngày 22.10.1951 Thủ hiến Trung phần Trần Văn Lý có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ quốc gia Việt Nam bấy giờ là Trần Văn Hữu đề nghị sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào thị xã Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam, để “chứng tỏ với dư luận quốc tế về chủ quyền của quốc gia Việt Nam” và cũng để “thuận tiện về phương diện liên lạc và tiếp tế đối với trung đội Việt Binh Đoàn hiện đóng tại đó”. Nhưng đề xuất này không được sự lưu ý của chính quyền Bảo Đại bấy giờ.
Ngày 21.7.1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc. Các nước tham dự đi đến tuyên bố cuối cùng của Hội nghị về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Căn cứ vào Điều 4, Chương I của Hiệp định Giơ-ne-vơ về phân vùng lãnh thổ trên đất liền và trên biển, các đảo ở nam vĩ tuyến 17, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, thuộc quyền quản lý của quốc gia Việt Nam (sau gọi là VNCH). Thế nhưng, tháng 4.1956, nhân lúc quân viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, lúc đó quân đội VNCH chỉ mới kịp chiếm đóng các đảo phía tây, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã vi phạm hiệp định mà họ là một thành viên tham gia ký, bí mật đưa quân đến chiếm cứ bất hợp pháp nhóm phía đông quần đảo, trong đó có đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn. Cũng từ thời gian này trở đi, chính quyền VNCH liên tục có những hoạt động khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như đối với quần đảo Trường Sa.
![]() |
Chỉ ranh giới xã Định Hải (quần đảo Hoàng Sa) sáp nhập vào xã Hòa Long, theo Nghị định 709-BNV/HCĐB/26 ngày 21.10.1969 của Tổng trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa. Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng. |
Ngày 16.9.1960, Bộ Nội vụ VNCH có tờ trình chuyển đạt đề xuất của Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần giao quần đảo Hoàng Sa cho tỉnh Quảng Nam để dễ liên lạc và bổ nhiệm viên chỉ huy quân sự kiêm chức đảo trưởng - tương đương với một quận trưởng. Nhưng sau chuyến khảo sát quần đảo của phái đoàn do tỉnh Quảng Nam cử đi vào ngày 27.7.1960, ngày 23.8.1960 Tỉnh trưởng Quảng Nam Võ Hữu Thu gửi công văn cho Tòa Đại biểu này đề xuất chỉ nên lập một đơn vị hành chính cấp xã tại quần đảo Hoàng Sa để dần về sau nâng lên thành đơn vị cấp quận. Về tên gọi của xã đảo này, Võ Hữu Thu đề xuất đặt là xã Hòa Đức. Nhưng tên gọi này không được chấp thuận. Lúc đầu Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định gọi tên là xã Hoàng Sa cho tiện với tên gọi bấy lâu của quần đảo, nhưng sau một thời gian nghiên cứu, ngày 13.7.1961, Ngô Đình Diệm chính thức ban hành Sắc lệnh số 174-NV quyết định thành lập đơn vị hành chính cấp xã đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam.
Về tình trạng hành chính của quần đảo trước khi có Sắc lệnh số 174-NV, trong công văn ký ngày 16.9.1960, Bộ Nội vụ VNCH cho biết, trên quần đảo lúc này có một trung đội Thủy quân lục chiến (30 người) và 38 bảo an binh, do một thiếu úy Thủy quân lục chiến chỉ huy. Ngoài ra còn có 4 nhân viên dân chính phụ trách Đài khí tượng; 38 nhân viên của Công ty Khai thác phân chim “Guano”. Trong khi chưa có quyết định chính thức về tình trạng hành chính của quần đảo, viên sĩ quan Thủy quân lục chiến được dân chúng trên đảo coi như Đảo trưởng, nhưng vì “không được chánh thức giao phó trách vụ hành chánh nên gặp nhiều trở ngại trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách liên hệ đến sanh hoạt của dân cư tại đây”. Từ thực trạng này, Bộ Nội vụ đề nghị vẫn tiếp tục giao cho viên chỉ huy quân sự tại đảo kiêm nhiệm chức vụ phái viên hành chính.
Thời gian đầu, từ tháng 12.1960 đến tháng 6.1961 phái viên hành chính tại quần đảo được lấy từ cán bộ hành chính của tỉnh Quảng Nam. Về sau, ra giữ chức Đảo trưởng đảo Duncan (đảo Quang Hòa) kiêm luôn chức phái viên hành chính xã Định Hải được lấy người ở cấp hạ sĩ quan thuộc Bộ Chỉ huy địa phương quân và nghĩa quân Quảng Nam, do tỉnh Quảng Nam đề nghị; Tư lệnh kiêm đại biểu Chính phủ Vùng 1 chiến thuật ký sự vụ lệnh bổ nhiệm; Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương ra nghị định chuẩn y, nhiệm kỳ làm đảo trưởng kiêm luôn phái viên hành chính ở xã Định Hải 3 tháng.
Nhận thấy sự hoạt động độc lập của xã Định Hải có những bất tiện, ngày 22.1.1969, Trung tá Tỉnh trưởng Quảng Nam Lê Trí Tín có công văn gửi Đại tướng Tổng trưởng Nội vụ tại Sài Gòn về việc sáp nhập xã Định Hải vào địa phận xã Hòa Long, quận Hòa Vang. Công văn cho biết: “Trong phiên họp thường kỳ của Hội đồng tỉnh Quảng Nam ngày 6.11.1968, khi cứu xét vấn đề xã Định Hải, Hội đồng cho rằng nếu sáp nhập vào một tỉnh nào phụ cận thì động chạm đến quyền lợi địa dư của địa phương; còn nếu thành lập Nha phái viên hay Ủy ban hành chánh xã thì thực tế không làm gì mà tổn phí ngân sách. Do đó, Hội đồng đề nghị nên sáp nhập xã Định Hải vào địa phận xã Hòa Long thuộc quận Hòa Vang. Về việc này, Tỉnh tôi tán đồng quan điểm của Hội đồng tỉnh để xin sáp nhập xã Định Hải tức quần đảo Hoàng Sa vào địa phận xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam và không cần đặt cho khu vực đất đai này một chính quyền xã ấp gì cả”.
Căn cứ vào đề nghị trên, ngày 21.10.1969 Tổng trưởng Nội vụ Trần Thiện Khiêm ký nghị định sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận. Theo đó, địa phận và ranh giới xã Hòa Long mới này được xác định lại, kéo từ địa phận xã Hòa Long vốn có trong đất liền (thuộc phần lớn diện tích quận Ngũ Hành Sơn của TP.Đà Nẵng hiện nay) ra toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Hay nói cách khác, quần đảo Hoàng Sa đã được kéo vào đất liền, trong một đơn vị hành chính chung với xã Hòa Long, mà cơ quan của xã này chính là Trường THCS xã Hòa Hải hiện nay. Và cũng chính vì sự tồn tại của di tích này, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng của TP.Đà Nẵng cần sớm lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử đối với ngôi trường này, bởi nó liên quan đến quần đảo Hoàng Sa trong những năm 1969-1975.
(Tư liệu trong bài được trích dẫn từ các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông tư liệu Đệ nhất Cộng hòa và phông tư liệu Phủ Thủ tướng).
_________________
Kỳ 2: Lưu quân trấn giữ
PGS-TS. NGÔ VĂN MINH