Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 2)

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH 19/04/2017 08:03

  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 1)

KỲ 2: LƯU QUÂN TRẤN GIỮ

Nhận định quần đảo Hoàng Sa, cùng với quần đảo Trường Sa như hai vị trí tiền đồn nhìn ra Biển Đông, kiểm soát và chế ngự mọi hoạt động hàng hải trên trục di chuyển Bắc Nam duy nhất của vùng Đông Nam Á, từ năm 1956 trở đi, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) luân phiên đưa quân đội đến trấn giữ tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Hữu Nhật tại quần đảo Hoàng Sa. Ban đầu, nhiệm vụ canh giữ quần đảo được giao cho một đại đội thuộc Trung đoàn 162 đồn trú tại Quảng Nam đảm nhiệm thay cho trung đội Việt Binh Đoàn của quốc gia Việt Nam trước đó. Ngày 29.1.1957 Trần Trung Dung, Bộ trưởng, Phụ tá Quốc phòng gửi công văn đến Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống đề xuất lấy Bảo an đoàn thay thế quân đội phụ trách canh phòng đảo Hoàng Sa. Nhưng nửa tháng sau, Trần Trung Dung nhận được văn thư của Nguyễn Hữu Châu, Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống yêu cầu phải lưu quân đội trên đảo, vì “việc đóng quân ở Hoàng Sa có một tánh cách quân sự rõ rệt, không những để tỏ rõ chủ quyền Việt Nam trên đảo, còn để đề phòng mọi bất trắc do các nước cũng định đặt chủ quyền trên đảo có thể gây nên”. Thực hiện chỉ lệnh này, ngày 2.4.1957, Bộ trưởng, Phụ tá Quốc phòng có tư văn mật, thượng khẩn gửi cho Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng quân lực VNCH chấp thuận đề nghị lấy thủy quân lục chiến canh phòng tại đảo Hoàng Sa thay cho đại đội của Tiểu đoàn 42 thuộc Trung đoàn 162 chuyển quân vào Bình Định, và nói rõ việc thay quân tại Hoàng Sa sẽ do Tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến đồn trú ở Cam Ranh chỉ định mỗi kỳ 3 tháng. Nhưng đến ngày 14.11.1959 chính quyền Ngô Đình Diệm cho lực lượng bảo an, chủ yếu là những người quê ở Quảng Nam ra quần đảo Hoàng Sa thay thế để lực lượng thủy quân lục chiến xúc tiến cải tổ và huấn luyện, tuy nhiên Bộ Tổng tham mưu cũng nói rõ là “nếu gặp trường hợp khẩn cấp, thì các chiến hạm hải quân và nếu cần cả thủy quân lục chiến cũng sẽ được phái ra tức khắc để yểm trợ cho bảo an”.

Khu đồn trú của lính địa phương quân trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1959). Nguồn: UBND huyện Hoàng Sa.
Khu đồn trú của lính địa phương quân trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1959). Nguồn: UBND huyện Hoàng Sa.

Ngay từ năm 1957 phía VNCH đã chú ý theo dõi các hoạt động xây dựng cơ sở, công sự phòng thủ của quân đội Trung Quốc trên hai đảo Phú Lâm và Linh Côn qua không ảnh do Hạm đội 7 của Mỹ cung cấp và đề phòng sự bành trướng của Trung Quốc sang các đảo khác. Hải quân và cả lực lượng quân sự giữ đảo đã nhiều lần ngăn chặn lính Trung Quốc giả dạng ngư dân xâm nhập, như đã bắt 82 “ngư dân” vào tháng 2.1959 và bắt giữ 50 quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo Quang Hòa cũng trong năm này. Đến năm 1961 lại bắt giữ 9 người Trung Quốc cập bến Hoàng Sa đưa về Sài Gòn xử lý. Bộ Ngoại giao VNCH còn gửi giác thư cho các phái đoàn ngoại giao nêu rõ những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, xem đó là cách “phúc đáp lời phản kháng của Trung Cộng về vụ Hải quân Việt Nam bắt 50 quân Trung Cộng đổ bộ bất hợp pháp tại đảo Duncan (tức đảo Quang Hòa - NV) ”.

Trong năm 1961, Bộ Quốc phòng có công văn gửi Bộ trưởng các Bộ Kinh tế, Công chánh và Giao thông cho biết Trung Quốc đang có những hoạt động bành trướng trên đảo Phú Lâm (Boisée) và đề xuất giải pháp: “Để có thể ngăn sự bành trướng của Trung Cộng tới các đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa và cũng để giúp cho sự theo dõi, bố phòng của quân đội được dễ dàng, trân trọng thỉnh cầu quý Bộ cứu xét chỉ thị cho các cơ quan như Nha Khí tượng, Nha Ngư nghiệp, Viện Hải học v.v. bành trướng cơ sở trên các đảo thuộc nhóm Hoàng Sa”. Năm 1963 Bộ Tổng Tham mưu Hải quân lại một lần nữa có phiếu trình lên Bộ Quốc phòng, cho rằng tình trạng Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp đối với các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam như đảo Phú Lâm (I. Boisée), Hòn Đá (I. Rocheuse), Linh Côn (I.Lincoln) thuộc quần đảo Hoàng Sa; Trung Hoa Dân quốc đối với đảo Itu -  Aba (tức đảo Ba Bình - NV) thuộc quần đảo Trường Sa, Campuchia đối với một số đảo ở vùng biển phía tây là “không thể kéo dài mãi, và nước ta không thể tiếp tục thụ động không có một sự phản đối hay hành động nào, trước một hành vi xâm lăng của ngoại quốc”. Theo đó, Bộ Tổng tham mưu Hải quân đề xuất: “Trong tình hình nước ta hiện nay, việc dùng võ lực để tái chiếm các đảo tương tranh sẽ không được đề cập tới; nhưng để bảo vệ quyền lợi lâu dài của quốc gia, Bộ Tổng Tham mưu (Hải quân) trân trọng đề nghị các biện pháp kể sau: (i) Hàng năm Hải quân hoặc Bộ Công chánh và Giao thông sẽ cho biệt phái một số chiến hạm hay tàu về thủy đạo để thám sát, thăm dò thủy đạo các đảo tương tranh. Sau mỗi kỳ thám sát như thế, chắc chắn sẽ có sự phản kháng của đối phương, do đó, chúng ta sẽ có cơ hội để xác nhận với các quốc gia kia trên thế giới, chủ quyền của nước ta trên đảo được thám sát; (ii) Đối với các đảo mà sự thám sát như thế không thuận lợi như trường hợp Ile Boisée, ít lắm là một lần trong một năm Bộ Ngoại giao cũng sẽ tìm cơ hội để phản kháng sự chiếm cứ bất hợp pháp của ngoại quốc; (iii) Các cơ quan hành chánh và quân đội, trong phạm vi thẩm quyền của mỗi cơ quan, sẽ thường xuyên cho thi hành những biện pháp xác nhận chủ quyền của ta, như đề cử các viên chức hành chánh: quận trưởng, hội đồng xã, cấp giấy phép đánh cá, giấy phép khai thác tài nguyên trên đảo cho công dân trong nước hay ngoại kiều, kiểm soát tàu đánh cá trong hải phận đánh cá của đảo, soạn thảo những văn kiện pháp quy áp dụng cho từng quần đảo v.v…; (iv) Đối với các quốc gia: Trung Hoa quốc gia, Cambodge, mà vụ tranh chấp có thể giải quyết bằng đường lối hòa bình, Bộ Ngoại giao có thể cho xúc tiến ngay việc thương thuyết bằng đường ngoại giao, điều đình, hòa giải hay đem nội vụ ra trước Tòa án quốc tế La Haye; (v) Để có đủ tài liệu, bằng chứng và ý kiến giúp ích cho Chánh phủ trong việc giành lại chủ quyền các đảo, có thể thành lập một Ủy ban tư vấn về các đảo tương tranh gồm có luật gia, sử gia, hải học gia, đại diện quân đội có đủ thẩm quyền. Ủy ban này sẽ nghiên cứu các biện pháp và đường lối mà nước ta cần phải thi hành để tránh việc cưỡng chiếm trên có thể trở thành hợp lệ, cũng như để thâu hội lại các đảo này”.

Đáp lại đề xuất trên của phía quân đội, và cũng để phản đối sự chiếm đóng trái phép phần phía đông của quần đảo, ngày 15.7.1971, Bộ Ngoại giao VNCH đã ra một bản Thông cáo dẫn ra những cơ sở lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời đi đến khẳng quyết: “Chánh phủ VNCH tuyên bố VNCH có chủ quyền hoàn toàn trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và bác bỏ tất cả đòi hỏi của bất cứ một quốc gia nào về vấn đề này”.

Quân đội Sài Gòn đã trấn giữ cho đến khi Trung Quốc dùng vũ lực tấn công, và đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát đối với phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa  trong ngày 20.1.1974.

(Tư liệu trong bài được trích dẫn từ các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông tư liệu Đệ nhất Cộng hòa và phông tư liệu Phủ Thủ tướng).

_________________________
Kỳ 3: Quan trắc khí tượng và khai thác nguồn lợi

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO