Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 3)

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH 20/04/2017 08:57

KỲ 3: QUAN TRẮC KHÍ TƯỢNG VÀ KHAI THÁC NGUỒN LỢI

Ngoài việc luân phiên 3 tháng một lần đổi quân đóng giữ tại Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) còn duy trì hoạt động của Đài Khí tượng, tổ chức khảo sát và lên kế hoạch khai thác nguồn lợi kinh tế tại quần đảo này.

  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 2)
  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 1)
Kỹ sư Đinh Ngọc Châu (bên phải) phụ trách Tổ khí tượng trên đảo  Hoàng Sa những năm 1964-1969. Nguồn: UBND huyện Hoàng Sa.
Kỹ sư Đinh Ngọc Châu (bên phải) phụ trách Tổ khí tượng trên đảo Hoàng Sa những năm 1964-1969. Nguồn: UBND huyện Hoàng Sa.

Đài Khí tượng Hoàng Sa vốn do người Pháp thiết lập vào ngày 12.7.1938 trên đảo Hoàng Sa (Pattle) ở về phía tây của quần đảo, đặt tên là Indicatif international de la station d’observation 836. Lúc đầu chỉ có 2 nhân viên làm quan trắc trên mặt đất từng 3 giờ một và chuyển kết quả về đất liền bằng vô tuyến điện. Đến năm 1955, để đáp ứng yêu cầu nắm tình hình thời tiết trên biển và theo quyết nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới (O.M.M) mà Việt Nam là một thành  viên, Ty Khí tượng Hoàng Sa làm thêm trắc lượng không trung, gồm quan trắc hướng và sức gió trên cao. Số nhân viên làm việc tại đây tăng lên 4 người. Mỗi ngày họ làm quan trắc 8 lần rồi gọi về Sài Gòn qua hệ thống vô tuyến điện thoại siêu tần số (motorolar) vào lúc 5 giờ sáng, 8 giờ sáng, 11 giờ trưa, 2 giờ chiều, 5 giờ chiều, 11 giờ khuya, 2 giờ khuya. Trong trường hợp có bão họ phải làm và báo cáo hàng giờ, nhờ đó sức mạnh và hướng đi của trận bão được thông báo cho dân chúng, tàu bè, máy bay biết rõ. Từ Sài Gòn qua hệ thống viễn thông, vùng Đông Nam Á và Đông Á biết đến Hoàng Sa qua ám số 48860. Trong đó 48 là vùng Đông Nam Á, còn 860 là Ty Khí tượng Hoàng Sa. Ty này kiêm luôn cả Ty Bưu điện, đóng dấu trên thư từ gửi về đất liền. Thời gian làm việc trên đảo của nhân viên khí tượng trước năm 1945 đến 6 tháng, nhưng ở thời VNCH thì cứ 3 tháng có một nhóm theo tàu hải quân ra thay phiên. Chế độ phụ cấp về thực phẩm cho nhân viên lúc đầu được tính 40$ cho một khẩu phần, nhưng sau 3 lần điều chỉnh, đến đầu năm 1970 đã tăng lên 192$ một ngày cho một người. Dẫu vậy, cũng do giá cả thị trường trong đất liền luôn tăng vọt khiến cho sinh hoạt của các nhân viên khí tượng trên đảo khó khăn, đến mức Giám đốc Nha Khí tượng trong tờ trình đề ngày 20.1.1972 về đời sống và điều kiện làm việc của các nhân viên tại đây, phải khẩn khoản kêu xin: “Vì sức khỏe và sinh mạng của một số công bộc của Chính phủ phải luân phiên phục vụ 3 tháng trên một hòn đảo không dân cư chơ vơ giữa biển Nam Hải, khó tiếp tế, không nguồn sinh sống nào khác, Nha Khí tượng tha thiết kêu gọi lòng thương nhân đạo của thượng cấp để xin giá biểu mỗi khẩu phần được gia tăng thêm 148$ nữa, nghĩa là mỗi khẩu phần được ấn định lại là bốn trăm bốn mươi đồng (440$) một ngày, tương đương với giá biểu phụ cấp vãng phản hàng ngày của nhân viên có chỉ số 430$ trở xuống”. Cuối văn bản này, Giám đốc Nha Khí tượng một lần nữa tha thiết “kính xin thượng cấp coi việc tăng khẩu phần cho nhân viên làm việc tại đảo Hoàng Sa là một biệt lệ, vì trên đảo này chỉ độc nhất có nhân viên khí tượng làm việc để giữ vững uy tín và chủ quyền quốc gia đối với quốc tế”. Thuận theo thỉnh cầu này, ngày 14.3.1972 Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Nguyễn Văn Vàng ký công văn đồng ý tăng khẩu phần lên 50% so với giá cũ, tức là tăng lên 288$ cho một khẩu phần trong một ngày, “nhằm mục đích nâng đỡ các nhân viên khí tượng phục vụ trên đảo Hoàng Sa”. Thế nhưng, cũng lại do giá cả tăng vọt, chỉ tính 1 tấn gạo ở thời điểm tháng 4.1972 là 63.000$ thì đến tháng 8.1973 đã tăng lên 148.000$, tức là tăng đến 135% nên Tổng trưởng Giao thông và Bưu điện lại một lần nữa có công văn ký ngày 3.9.1973 xin tiếp tục gia tăng phụ cấp khẩu phần cho nhân viên làm việc tại Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa lên 576$ một ngày, nhưng không thấy có công văn trả lời của  Bộ trưởng Phủ Thủ tướng VNCH về vấn đề này.

Cùng với hoạt động của Ty Khí tượng tại Hoàng Sa, các hoạt động kinh tế cũng được tiến hành tại nhóm Croissant ở phía tây của quần đảo này, chủ yếu tập trung vào việc khai thác nguồn phốt phát rất dồi dào ở đây. Phốt phát trên các đảo ở Hoàng Sa có hai phần. Phần trên là phân chim dày 30 phân và phần dưới do san hô tạo nên. Từ năm 1920 hãng Mitsui Bussan Kaisha đã xin Chính phủ Pháp quyền đặc nhượng khai thác. Đến năm 1956, Sở Hầm mỏ, Kỹ nghệ và Tiểu công nghiệp miền Nam tổ chức một cuộc khảo sát với sự giúp đỡ của hải quân trên 4 đảo: Hoàng Sa, Quang Ảnh, Hữu Nhật, Duy Mộng. Số liệu khảo sát cho thấy phân chim trên các đảo rất nhiều, đến mức “hầu như bất tận”, dùng làm phân bón rất tốt. Theo tài liệu của Tổng nha Khoáng chất và Công kỹ nghệ VNCH, trên những đảo chính của quần đảo Hoàng Sa có từ 3.074.000 - 5.400.000 tấn phốt phát. Năm 1956, một nhà khai khoáng tên là Lê Văn Cang được Chính phủ VNCH cho phép khai thác phân chim tại quần đảo. Ông Lê Văn Cang đã giao cho Công ty Hữu Phước (Hyew Huat) có trụ sở đặt tại Singapore khai thác và vận chuyển số phân chim này đem về Sài Gòn. Số lượng phân chim khai thác trong 3 năm đầu tiên (1957-1959) là 8.000 tấn. Đến năm 1959 Công ty Phân bón Việt Nam của ông Bùi Kiến Thành thành lập tại Sài Gòn được giữ quyền khai thác nguồn lợi này, Công ty Hyew Huat chuyển sang vai trò chuyển vận về Sài Gòn. Nhưng đến năm 1962 do gặp nhiều trở ngại nên hai công ty này ngưng hoạt động. Năm 1964, Phủ Thủ tướng VNCH cho thành lập Ủy ban nghiên cứu việc khai thác quần đảo Hoàng Sa đặt tại Nha Kế hoạch. Ủy ban này đã tiến hành thu thập dữ liệu về tiềm năng kinh tế của quần đảo và lên kế hoạch khai thác. Cũng liên quan đến hoạt động này, trong phiếu trình Thủ tướng Chính phủ ngày 21.9.1971, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH nhận định như sau: “Ngoài số lượng phân chim lên đến hàng chục triệu tấn, các quần đảo còn là nơi cung cấp một số lượng hải sản rất đáng kể. Đặc biệt quần đảo Hoàng Sa có một loại rau câu biển (hàng trăm tấn mỗi năm) rất có giá trị trên thương trường quốc tế. Trong tương lai, khi ngành ngư nghiệp được khuếch trương đầy đủ, chủ quyền của VNCH tại hai quần đảo này sẽ đương nhiên mang đến cho Việt Nam quyền khai thác một ngư trường cực kỳ phong phú tại đây. Ngoài ra nếu ngoài khơi bờ bể VNCH có mỏ dầu hỏa, giá trị của các quần đảo này tự nhiên gia tăng trên phương diện chủ quyền vì liên hệ đến thềm lục địa và do đó trực tiếp ảnh hưởng đến quyền khai thác các mỏ dầu hỏa nếu có”. Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Ngoại giao còn đề xuất giải pháp phổ biến trên báo chí, qua hình ảnh hay phim thời sự về tiềm năng kinh tế của quần đảo, cấp giấy phép đánh cá và khai thác các nguồn lợi trên đảo cho công dân trong nước hay ngoại kiều, đồng thời kiểm soát tàu đánh cá của các nước trong hải phận đánh cá của quần đảo.

(Tư liệu trong bài được trích dẫn từ các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, phông tư liệu Phủ Thủ tướng).

___________________________________________
Kỳ 4: Phản ứng trước hành động tranh chấp chủ quyền

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO