Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ cuối)

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH 24/04/2017 09:14

KỲ CUỐI: CHIẾN DỊCH NGOẠI GIAO

Ngay khi cuộc hải chiến Hoàng Sa diễn ra, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) liền ra Tuyên cáo Về chủ quyền của VNCH trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển VNCH, khẳng định: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần tử bất khả phân của lãnh thổ VNCH. Chánh phủ và nhân dân VNCH không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những đảo ấy. Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của VNCH bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân VNCH còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình”.

  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 4)
  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 3)
  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 2)
  • Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ 1)
Tuyên cáo của Đại hội đồng Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa (29.1.1974). Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng.
Tuyên cáo của Đại hội đồng Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa (29.1.1974). Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng.

Cùng với việc triệu tập ngoại giao đoàn tại Sài Gòn thông báo về tình hình và đề nghị chính phủ các nước ủng hộ VNCH trong vấn đề lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, ngày 20.1.1974, VNCH chính thức gửi thư đến Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn để xem xét hành động xâm lược của Trung Quốc “nhằm thực hiện các hành động khẩn cấp để sửa chữa tình hình và chấm dứt việc xâm lược”.

Ngày 21.1.1974 Bộ Ngoại giao VNCH gửi công hàm cho các nước thành viên ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam để thông báo vụ việc, với lý do Trung Quốc là một thành viên ký kết Định ước, đã vi phạm Hiệp định Paris, vốn quy định mọi quốc gia phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Toàn văn công hàm được Việt Nam thông tấn xã đăng tải vào ngày 22.1.1974 như sau:

“Bộ Ngoại giao VNCH trân trọng lưu ý các thành viên ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Paris ngày 2.3.1973, về tình hình trầm trọng đang xảy ra trên các đảo Hoàng Sa, ngoài khơi bờ biển VNCH.

Ngày 16 tháng Giêng, 1974, để trả lời một sự mạo nhận của chánh phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chánh phủ VNCH đã chính thức phổ biến một bản tuyên bố chứng tỏ rằng nhóm đảo có tên là quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và quần đảo Trường Sa (Spratley) là một phần đất của toàn bộ lãnh thổ VNCH, không những vì vị trí lân cận với VNCH mà còn trên căn bản một sự hành xử chủ quyền quốc gia một cách liên tục và an hòa trong một thời gian dài. Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao VNCH có tác dụng tái xác nhận chủ quyền của VNCH trên các quần đảo này.

Ngay khi đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chuyển qua hành động quân sự, bằng cách gửi nhiều chiến hạm đến vùng liên hệ và đổ bộ binh sĩ lên các đảo Hoàng Sa. Ngày 19 tháng Giêng, 1974, lúc 8 giờ 29 phút, binh sĩ Trung Hoa nổ súng vào các binh sĩ Việt Nam trú đóng trên đảo Quang Hòa (cũng được gọi là đảo Duncan). Đồng thời các chiến hạm Trung Cộng khiêu chiến các chiến hạm Việt Nam ở trong vùng, gây nhiều thương vong và thiệt hại vật chất. Ngày 20 tháng Giêng, 19 phi cơ của không lực Trung Cộng, đã từng bay trong không phận của vùng này từ các ngày trước, tham gia chiến đấu và thả bom xuống các vị trí Việt Nam trên các đảo Hoàng Sa (Pattle), Cam Tuyền (Robert) - tức đảo Hữu Nhật và Vĩnh Lạc (Money) - tức đảo Quang Ảnh. Đến chiều ngày 20 tháng Giêng, 1974, binh sĩ Trung Hoa đã đổ bộ lên tất cả đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, và lực lượng đặc nhiệm Hải quân Trung Hoa có vẻ chuẩn bị trực chỉ quần đảo Trường Sa.

Các diễn biến trên đây chứng tỏ rằng Chánh phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang cố tình sử dụng võ lực như một phương tiện để chiếm lãnh thổ, vi phạm trầm trọng các nguyên tắc thông thường được chấp nhận bởi công pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc, và cũng vi phạm trầm trọng Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký tại Paris ngày 27 tháng Giêng, 1973 và Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam ký tại Paris ngày 2 tháng ba, 1973.

Chánh phủ VNCH trân trọng kêu gọi các thành viên đặc biệt lưu ý đến Điều 1 của Hiệp định Paris và Điều 4 của Định ước của Hội nghị quốc tế Paris, cả hai đều long trọng công nhận rằng sự bất khả phân lãnh thổ của Việt Nam phải được tích cực tôn trọng bởi mọi quốc gia và nhứt là bởi các thành viên của Định ước.

Trước tính cách trầm trọng của tình hình hiện nay và vì lý do phải bảo vệ hòa bình và sự ổn cố trong vùng tây Thái Bình Dương, Chánh phủ VNCH kêu gọi các thành viên tìm mọi biện pháp mà các thành viên xét thấy thích ứng, chiếu Điều 4 trong Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam.

Bộ Ngoại giao VNCH trân trọng kính chào các thành viên ký kết Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam.

Sài Gòn, ngày 21 tháng Giêng, 1974”.

Ngày 29.1.1974, Đại hội đồng Tối cao pháp viện VNCH ra Tuyên cáo với nội dung:

“Xét vì, theo các tài liệu lịch sử và hành chánh, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc lãnh thổ Việt Nam và được quốc gia Việt Nam cai trị liên tục từ trên 100 năm nay;

Xét vì, do đó quốc gia Việt Nam có chủ quyền trên hai quần đảo nói trên theo quốc tế công pháp;

Xét vì, hơn nữa chủ quyền của quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo liên hệ đã được đại diện của Việt Nam xác nhận tại hội nghị San Francisco năm 1951 mà không có sự phản đối nào của các quốc gia tham dự;

Đại hội đồng Tối cao pháp viện long trọng tuyên cáo:

1. Xác nhận chủ quyền của quốc gia Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;

2. Cực lực tố cáo trước dư luận quốc tế hành vi xâm lăng của Trung Cộng vi phạm trầm trọng chủ quyền lãnh thổ của VNCH;

3. Khẩn thiết kêu gọi các đoàn thể luật gia trên thế giới tích cực giúp VNCH trong việc tái chiếm chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa”.

VNCH cũng đồng thời kiến nghị đến Hội đồng Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) kêu gọi các thành viên của tổ chức này “xem xét cách thức và biện pháp để khắc phục tình thế nguy hiểm do cuộc xâm lược của Trung Quốc gây ra”.

Không thể bảo vệ được quần đảo Hoàng Sa, VNCH cho lui quân về trấn giữ quần đảo Trường Sa, đồng thời tiếp tục tái xác nhận chủ quyền của mình về hai quần đảo với Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (23.3.1974) và tại các diễn đàn quốc tế, như tại kỳ họp lần thứ 30 của Hội đồng kinh tế Liên hiệp quốc về châu Á và Viễn Đông (ECAPE) tại Colombo (30.3.1974), tại kỳ họp thứ hai Hội nghị lần thứ 3 của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS III) diễn ra ở Caracas ngày 2.7.1974, cũng như công bố Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này vào ngày 14.2.1975.

Sau năm 1975, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức ra Tuyên bố về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (7.8.1979), trong đó có chỉ ra rằng, vào thời điểm Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp quân sự thì quần đảo này vẫn dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn và VNCH lúc đó đã tuyên bố rõ ràng cương vị của họ. Gần đây nhất, trong Tài liệu lập trường gửi Liên hiệp quốc ngày 22.8.2014 về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam lại một lần nữa nói rõ: “Trong những năm Việt Nam bị chia cắt, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm ở phía nam đường giới tuyến, thuộc thẩm quyền duy nhất của VNCH. VNCH, trong thời kỳ này, đã thực thi một cách hữu hiệu chủ quyền của mình và thực hiện nhiều hành vi quản lý đối với lãnh thổ này”.

(Tư liệu trong bài được trích dẫn từ các tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông tư liệu Đệ nhị Cộng hòa).

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quần đảo Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa (kỳ cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO