Quán Đầu Ngựa

TƯỜNG LINH 23/11/2014 10:00

Lão Đó vừa cập tuổi lục tuần. Lão có tật hễ uống rượu tới độ ngà ngà là ngồi khóc và kể. Lão vừa uống, vừa khóc, vừa kể từng chuyện đã qua và từng người có liên quan với lão.

Tên Đó do thân phụ của lão đặt. Gia đình lão không có một tấc đất cắm dùi tại cái làng thuần nông ven sông này. Họ chỉ sống bằng nghề làm cá. Họ có một căn nhà nhỏ lợp tranh, phên tre dựng trên một doi đất cao sát bờ sông. Doi đất này nhô lên như đầu con ngựa. Tuy ở bên sông nhưng nhờ doi đất có chiều cao của con ngựa ngẩng đầu nên những cơn lụt thông thường hàng năm không thể đe dọa.

Con sông này thời trước rất hào phóng về thủy sản đối với những người sống nhờ vào nó. Các loại cá, tôm, hến, lạch… mùa nào cũng phong phú tha hồ cho người ta đánh bắt. Cha mẹ của lão Đó nhờ quãng sông này nuôi sống cả gia đình. Biết ơn sông nước và nghề nghiệp, ông bà đã đặt tên con theo tên ngư cụ. Người con đầu là Lưới, người thứ hai cũng con trai tên Rớ và út là Đó. Mẹ của ba người mất sớm vì bệnh sản hậu khi Đó mới mười hai ngày tuổi. Đó được một bà khá giả tốt bụng trong xóm cho bú thép (bú nhờ) và nhà cho uống thêm nước cơm thay sữa. Khi lên bảy tuổi nghe cha vô tình kể về cái chết của mẹ, Đó lăn đùng ra khóc, ai dỗ cũng không nín. Cậu bé cho rằng tại mình ra đời nên mẹ mới chết.

Nghề làm cá của cha Đó có hai người anh là Lưới và Rớ phụ lực, Đó còn nhỏ nên chưa nhập môn. Gia sản đáng kể nhất của gia đình họ là chiếc ghe đóng bằng gỗ kiền kiền có quai chèo. Ba cha con họ dùng ghe này để bủa câu trên sông. Bủa câu ngang sông thì họ chèo ghe vì sức nước chảy mạnh, còn bủa dọc thì chỉ cần một người ngồi phía lái ghe để bơi bằng dầm. Mỗi “tay” nhợ bủa câu dài ngót trăm mét, cứ cách đoạn khoảng một mét được buộc chặt một dây câu có lưỡi vào dây chính. Họ móc mồi trùn vào từng lưỡi câu rồi giăng ngang sông gọi là bủa ngang, bủa theo bờ sông là bủa dọc. Ngày đêm nào họ cũng bủa được khá nhiều cá lấu, cá chình, cá leo, cá rói… và đưa vào chợ bán, đổi gạo, mắm muối...

Lúc Đó lên mười tuổi thì gặp cơn gia biến. Trong số sáu mươi ba người làng T. tử nạn bi thảm vì trận lụt lịch sử Giáp Thìn (1964) có cha và hai anh của Đó.

Cả thôn Hạ chỉ nhà Đó có ghe. Nước lụt lên nhanh và dâng quá cao. Sông dữ dằn như con thuồng luồng trong cơn cuồng nộ. Không nhà nào thoát ngập. Cha và hai anh của Đó cật lực chèo ghe đi cứu bà con. Họ chèo ghe đến từng nhà để đưa mọi người vào các gò cao. Họ chạy đua với nước lụt.

Cứu được bốn gia đình, họ chèo ghe trở ra xóm ven sông để tiếp tục cứu người. Ba cha con vừa chèo, vừa bơi bằng dầm cố cưỡng lại với dòng nước đang cuốn mạnh. Khi ra đến giữa cánh đồng bị nước phủ, ba người cùng kinh hãi thét lên. Một cây cổ thụ chết khô từ đâu trên nguồn trôi nhanh như phóng lao đâm ngang chiếc ghe. Không tránh kịp. Ghe và người chìm tức khắc.

Nhà của họ cũng bị nước lụt cuốn mất, chỉ còn trơ doi đất giống hình đầu ngựa.

Ba hôm sau nước rút, Đó theo mọi người đi dọc bờ phía hạ lưu tìm xác cha và hai anh nhưng chỉ tìm được  anh Lưới đem về chôn gần chân núi. Cha và anh Rớ cũng như nhiều nạn nhân khác - không tìm thấy thi thể.

Đó mồ côi hoàn toàn. Cậu bé mười tuổi phải sống cô đơn, không nhà cửa, không có gì ăn ngay trong ngày chôn cất anh Lưới. May sao, bà nhà giàu tốt bụng mười năm trước cho Đó bú thép đã tìm gặp và bảo Đó về ở tại nhà bà, có gì ăn nấy, có việc gì làm việc ấy. Đó vâng lời. Bà xem Đó như con và Đó cũng kính yêu bà như mẹ.

Đó ở tại nhà bà hơn mười năm.

Rồi Đó lấy vợ. Vợ Đó cũng mồ côi cha mẹ, ở với bà dì ruột tại cuối chợ làng. Bà nhà giàu phúc hậu giúp vốn để vợ chồng Đó ra riêng làm ăn. Bà còn cho họ mượn trả góp một khoản tiền để cất lại nhà. Đó bỏ nghề làm cá truyền thống. Dòng sông không còn trong lành như xưa nữa. Trên đầu nguồn, người ta đào đãi vàng, chất độc hại ngấm vào dòng nước. Người ở hai bên bờ không dám uống, tắm nước sông; các loại cá, tôm cạn kiệt. Cá đối, cá chày không thấy nữa.

Nghề bủa câu xưa đã hết thời.

Đó cất lại nhà trên nền cũ. Căn nhà mới khá hơn trước với vách gạch, lợp tôn và rộng hơn. Một năm sau ngày cưới, vợ Đó sinh được bé gái. Không muốn đặt tên con nghe quá kham khổ như Lưới, Rớ nữa, Đó đặt tên con là Kim Thoa. Hai năm sau vợ Đó sinh con trai, đặt tên Kim Bảo. Vợ chồng Đó thực hiện cách làm ăn mới. Họ mở quán bán tạp hóa, đắp lò tráng bánh tráng bán sỉ và lẻ. Trước nay cả thôn không có quán loại này nên quán được bà con rất chiếu cố. Quán gần nhà, mọi người khỏi phải đến tận chợ. Họ đặt tên cho quán của vợ chồng Đó là quán Đầu Ngựa theo hình tượng của doi đất.

Dần dần, quán Đầu Ngựa có thu nhập khá. Hai chị em Kim Thoa, Kim Bảo lần lượt đi học. Đó hạ quyết tâm sẽ cho chúng học tiếp đại học sau khi qua cấp ba để hai con “rửa mặt” cho ông cha.

Lúc này Đó vẫn chưa nghiện rượu.

Mỗi con người đều có những chặng đời, khi thế này, lúc thế khác. Lúc còn nhỏ, còn trẻ, có những điều Đó không nghĩ tới hoặc có nghĩ tới cũng không sâu. Nay lên tuổi trung niên Đó mới suy nghĩ sâu hơn về lẽ đời, tình người, số phận… Nhiều sự việc lúc này được Đó nhìn lại. Hầu hết là những vụ việc, những cảnh đời buồn rơi vào gia đình và bản thân Đó. Lúc này Đó mới đụng tới rượu. Uống riết đâm ghiền và sinh tật.

Sau mỗi bữa cơm chiều với vợ con, lão Đó ngồi lại để uống rượu và khóc, kể. Lão thường khóc và kể nhiều nhất về hình dạng, tính tình, cố tật của cha và hai anh, về cái chết thảm của ba người. Về mẹ, Đó khóc và kể riêng theo lời thuật lại của cha chứ lão nào biết...

Hai ngày qua, quán Đầu Ngựa tạm nghỉ bán vì trên xã báo doi đất này đang bị sạt lở nguy hiểm. Đang mùa mưa lụt, sự sạt lở càng nhanh, càng rõ. Lão Đó cũng biết vậy vì đêm đêm lão thường nghe tiếng đất lở. Hôm nọ mượn ghe bơi đi quan sát, lão càng sợ hơn khi thấy nước sông xói một hàm ếch ngay chân doi đất. Lão đã quá rõ nguyên nhân. Đó là do bọn trộm hút cát cả hai bờ sông. Khá lâu rồi, ngày nào cũng có năm, bảy ghe lớn gắn máy thi nhau hút cát từ giữa sông đến sát bờ. Lão Đó biết cát bờ sông như cái chân vững vàng để giữ sự bình yên cho làng. Cát bị hút cạn, cái chân của làng bị hoại tử, làng khó thể tránh được thảm họa.

Nhà lão Đó, tức quán Đầu Ngựa gồm bốn sinh mạng con người đang ở ngay trên cái “hàm ếch” ngày càng dài và rộng ra.

Quán nghỉ bán, rảnh, lão Đó uống rượu sớm hơn mọi ngày. Lão uống từ sau bữa cơm trưa. Chai rượu gạo cứ vơi dần theo chuyện lão khóc và kể. Hai hôm nay lão chỉ khóc, kể một “đề tài” là nạn trộm cát hoành hành. Lão hận bọn này. Không lâu nữa đất bìa làng sẽ sạt lở, trong đó có quán Đầu Ngựa của vợ chồng lão.

Lão lớn tiếng hỏi đi hỏi lại một câu:

- Bọn trộm cát cho ghe lớn đi ngờ ngờ ra đó để tha hồ hút cát mà chẳng thấy người có trách nhiệm nào lên tiếng. Vì sao? Hốt một vài lon cát người ta mới không biết, không thấy, đằng này… Làng ơi, bà con ơi, quán Đầu Ngựa của ta ơi, nguy tới nơi rồi!

Kể xong là lão khóc.

Ngày thứ ba, trời bắt đầu mưa dầm, thứ mưa mùa lụt của vùng rốn lũ này.

Lão Đó nhìn tờ lịch treo tường rồi nói với vợ:

- Năm nay nếu không nhuần hai tháng Chín âm lịch thì bữa nay đúng là ngày mùng sáu tháng Mười ta.

Vợ lão cũng nhớ ra:

- Ngày giỗ cha và hai anh.

- Và cũng là ngày giỗ của nhiều nhà khác với sáu mươi vong linh trong trận lụt lịch sử Giáp Thìn.

Im lặng giây lát, lão nói như chỉ nói với mình:

- Chẵn năm mươi năm kể từ cái năm bi thảm ấy...

Mưa vẫn ngày càng lớn và dai dẳng. Nước sông cứ lên dần, đục ngầu. Lại một trận lụt tháng mười. Doi đất hình đầu ngựa đang bị đe dọa.

Vợ chồng lão Đó dẫn hai con, mang theo ít gia sản nhẹ đi di tản.

Hôm sau nước lụt xóa bờ, băng đồng và đã vào đến các xóm.

Mờ sáng hôm sau, khi nước lụt vẫn đang lên, lão Đó đội mưa về thăm nhà. Căn nhà của lão, tức quán Đầu Ngựa đã biến mất. Lão Đó đứng chết lặng. Trước mắt lão hiện ra một khoảng trống rợn người. Lão dường như thấy tang thương của năm mươi năm trước sắp hiện về…

TƯỜNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quán Đầu Ngựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO