Quản lý an toàn thực phẩm ở Duy Xuyên: Lúng túng, khó kiểm soát

VIỆT NGUYỄN 08/01/2020 12:53

Nhiều quầy hàng, tạp hóa trên địa bàn huyện Duy Xuyên vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP); trong khi đó, công tác quản lý trên lĩnh vực này ở địa phương vẫn còn lúng túng, bị động.

Ngành chức năng lấy mẫu chả để xét nghiệm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành chức năng lấy mẫu chả để xét nghiệm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều sai phạm

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Sở Công Thương dẫn đầu đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm ATTP của các cơ sở buôn bán nhỏ tại chợ Nam Phước (Duy Xuyên). Ở quầy bán thịt heo thuộc lô 360 chợ Nam Phước, bà Lê Thị Huệ đã không chứng minh được thịt heo đang bán đã qua kiểm dịch. “Tôi mua thịt heo của tư thương trên địa bàn huyện về bán lại ở chợ Nam Phước. Tất cả tư thương buôn bán lớn đều cho rằng không thể xác nhận kiểm dịch cho thịt heo” - bà Huệ nói.

Cũng tại quầy hàng này, bà Huệ bán chả heo nhưng không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn hiệu, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng. Khi được hỏi, bà Huệ chỉ trả lời là mua chả ở 1 cơ sở sản xuất thuộc xã Duy Phước (Duy Xuyên) về bán chứ không rõ các quy định về ATTP đối với chả. Đoàn công tác đã lấy mẫu chả để xét nghiệm, đồng thời nhắc nhở bà Huệ phải quan tâm đến ATTP khi buôn bán, nếu lần sau phát hiện sẽ xử phạt theo quy định.

Ông Nguyễn Thiện - Trưởng ban Quản lý chợ Nam Phước cho rằng, thịt heo không có dấu kiểm dịch được bán ở chợ Nam Phước là bất cập tồn tại lâu nay nhưng dù có kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh, vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo. Nguyên nhân là cán bộ thú y cấp huyện không có dấu kiểm dịch để lăn và việc giết mổ heo diễn ra tự phát ở các điểm giết mổ nhỏ lẻ thay vì giết mổ tập trung. 

Ở quầy tạp hóa thuộc lô 118 chợ Nam Phước, khi đoàn kiểm tra yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan đến ATTP, chủ quầy tạp hóa này là bà Nguyễn Thị Liêm không thực hiện với lý do giấy tờ để ở nhà. Nhiều mặt hàng thực phẩm như bánh, kẹo ở cơ sở này không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, bao bì sơ sài. Đoàn công tác đã tiêu hủy nhiều mặt hàng thực phẩm không đảm quy định; đồng thời nhắc nhở bà Liên tuân thủ các quy định về ATTP trong kinh doanh để bảo vệ người tiêu dùng.

Tương tự, ở khu phố 2 (thị trấn Nam Phước), quầy tạp hóa của gia đình ông Đặng Đào cũng mắc các vi phạm như trên. Bánh mứt được bán có nhãn ghi là đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng không biết ai là chủ sản xuất, sản xuất ngày nào, hạn sử dụng đến bao lâu. Một số mặt hàng như sữa đã hết hạn sử dụng nhưng ông Đào vẫn bày bán. Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương (Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành) yêu cầu ông Đặng Đào ký vào biên bản làm việc và nhắc nhở cơ sở phải tuân thủ các quy định về ATTP. 

Bị động

Ông Nguyễn Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho biết, quản lý ATTP ở cơ sở rất khó khăn. Cán bộ phụ trách ATTP của xã là cán bộ phụ trách mảng địa chính, xây dựng kiêm nhiệm. Xã có đoàn kiểm tra ATTP nhưng khi đi kiểm tra thì chủ yếu chỉ sử dụng mắt thường để quan sát, thấy mất vệ sinh thì nhắc nhở cơ sở bán hàng chấn chỉnh. Do cán bộ không có nghiệp vụ, chuyên môn lại không có dụng cụ test nhanh nên xử lý qua loa rồi... thôi. Trong khi đó, rất nhiều cơ sở nấu rượu truyền thống hoạt động trên địa bàn nhưng không đảm bảo quy định.

“Tôi không có tên trong Ban chỉ đạo ATTP cấp huyện nhưng phải luôn thay thế chủ tịch xã đi họp vì đồng chí ấy quá bận nên nhiều khi cũng lúng túng. Tôi có nghe nói nhiều cơ sở nấu rượu chỉ dùng men Trung Quốc hoặc lấy thuốc pha nước lã thành rượu, rất nguy hiểm. Mong các cơ quan của tỉnh, huyện kiểm tra, xử lý rốt ráo để đảm bảo an toàn” - ông Nguyễn Văn Ba nói.

Ông Trần Châu Giang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên lo lắng về chất lượng thịt heo được bán trên địa bàn. Dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt nên có thể có thịt heo nhiễm bệnh được bày bán. Lượng thịt heo đó có thể từ các tỉnh đưa về, cũng có thể từ heo bị dịch trên địa bàn. Khi không có dấu kiểm dịch thì chắc chắn chất lượng thịt heo chưa đảm bảo quy định về ATTP.

Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, bất cập lớn nhất trong quản lý ATTP của huyện là thiếu cán bộ phụ trách được đào tạo chính quy, có chuyên môn, nghiệp vụ bài bản. Cán bộ phụ trách ATTP kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo cộng thêm thiếu dụng cụ như bộ test nhanh nên rất khó phát hiện, xử lý các sai phạm về ATTP. Trong khi đó, nhiều chủ cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm hiện vẫn chưa chấp hành nghiêm túc quy định về ATTP.

“Mong tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, giúp cán bộ phụ trách ATTP trên địa bàn được trang bị, cập nhật, bổ sung các kiến thức, qua đó nâng cao năng lực, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý các sai phạm về ATTP trên địa bàn. Đoàn kiểm tra nên tham mưu UBND tỉnh tăng thêm nguồn kinh phí, giúp cấp huyện quản lý, kiểm tra ATTP được thuận lợi hơn” - ông Lê Trung Cường nói.

Theo ông Thiều Việt Dũng, để đảm bảo ATTP, cả hệ thống chính trị cấp huyện, xã ở Duy Xuyên cần vào cuộc đồng bộ hơn. Huyện Duy Xuyên cần xây dựng dữ liệu thống kê để tiện quản lý ATTP, tránh bị động trong kiểm tra cũng như phạt nặng nếu cơ sở vẫn vi phạm sau khi được nhắc nhở, vận động. Trong tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định ATTP cần thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Huyện cần vận động mọi cơ sở, sản xuất kinh doanh thực phẩm đều phải cam kết bảo đảm ATTP. Sau đó, giám sát, kiểm tra chặt để xử lý rốt ráo các sai phạm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý an toàn thực phẩm ở Duy Xuyên: Lúng túng, khó kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO