Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Đông tay nhưng vỗ chưa kêu (bài 2)

NGUYỄN QUANG VIỆT 19/09/2018 02:53

BÀI 2: KHÓ GIÁM SÁT

UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tin liên quan

  • Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Đông tay nhưng vỗ chưa kêu (bài 1)
Cơ sở giết mổ bò của gia đình ông Lê Trung Cảnh (thôn Thi Thại, xã Duy Thành, Duy Xuyên) không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: QUANG VIỆT
Cơ sở giết mổ bò của gia đình ông Lê Trung Cảnh (thôn Thi Thại, xã Duy Thành, Duy Xuyên) không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: QUANG VIỆT

Không hiệu quả

Thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) hiện quản lý trực tiếp 149 cơ sở sản xuất, dịch vụ và kinh doanh thực phẩm. Chính quyền thị trấn giao Trạm Y tế quản lý 139 cơ sở, ban nông nghiệp phụ trách 10 cơ sở, còn lại thuộc phạm vi quản lý của lĩnh vực kế hoạch - tài chính. Ông Trịnh Đình Phúc - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đông Phú cho biết, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm thị trấn thời gian qua đẩy mạnh tuyên truyền trên địa bàn bằng nhiều hình thức. Cụ thể, lắp đặt các pa nô, băng rôn trực quan ở các tuyến đường chính; tuyên truyền thông qua sinh hoạt ở tổ dân phố; nói chuyện, trao đổi thông qua các hội, đoàn thể, nhất là thông qua loa đài truyền thanh. Nội dung tuyên truyền chủ yếu phổ biến các nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 178 của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với vi phạm an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 34 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống ngộ độc thực phẩm. “Qua 2 đợt kiểm tra toàn diện về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn từ đầu năm đến nay, chúng tôi không phát hiện trường hợp nào vi phạm về an toàn thực phẩm trong số 63 cơ sở ăn uống, 9 bếp ăn tập thể, 3 dịch vụ nấu ăn di dộng, 74 cơ sở sản xuất đậu khuôn, phở sắn, nấu rượu truyền thống” - ông Phúc nói. Khi được chúng tôi dẫn chứng các vi phạm của các cơ sở nấu rượu hay chế biến phở sắn thì ông Phúc cho rằng, có thể có nhiều nguyên nhân khách quan khiến cho công tác kiểm tra chưa được hiệu quả.

Theo Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh, việc thu hồi con dấu đóng dấu kiểm dịch giết mổ gia súc ở không ít địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên là do các cơ sở giết mổ gia súc không đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể, đó chỉ là các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ, manh mún, chưa được tập kết vào điểm tập trung, đầu tư sơ sài về các điều kiện điện, nước, thiết bị, dụng cụ. Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc gia súc đưa vào giết mổ lại chưa được thực hiện, sản phẩm sau giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn thừa nhận, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện hoạt động chưa đồng bộ trong thời gian qua; công tác chỉ đạo chưa sâu sát, toàn diện. Việc cấp giấy chứng nhận và bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống chưa đạt yêu cầu. Việc tổ chức các đợt kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm chưa thường xuyên. Đặc biệt, các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể chưa bám sát nhiệm vụ để triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được các ngành chức năng trên địa bàn quan tâm, vào cuộc sát sao. UBND huyện Duy Xuyên đã giao cho 3 ngành y tế, nông nghiệp và công thương phối hợp quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, các ngành chức năng đã cấp 37 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 46 bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, 101 hộ được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. “Đài Truyền thanh - truyền hình huyện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện mở chuyên mục sức khỏe và đời sống, chuyên mục tìm hiểu pháp luật về xử phạt hành chính đối với vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phát sóng liên tục để tuyên truyền, vận động người dân đảm bảo an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng tuyên truyền, phổ biến, kêu gọi người dân không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không bơm nước trước khi giết mổ gia súc, hạn chế sử dụng hóa chất trong bảo vệ thực vật, hỗ trợ sản xuất rau quả, chăn nuôi theo hướng VietGAP, cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng sử dụng thức ăn đường phố” - ông Cường nói. Vào cuộc nhiều nhưng hiệu quả mang lại tại Duy Xuyên là không cao. Các cơ sở sản xuất chả, nấu rượu thủ công, làm bánh vẫn liên tục vi phạm về an toàn thực phẩm với quy mô nặng nhẹ khác nhau trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động.

Phối hợp lỏng lẻo

Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ký kết nhằm phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Hội LHPN tỉnh qua giám sát an toàn thực phẩm ở TP.Tam Kỳ từ đầu năm đến nay đã phát hiện cả 7 cơ sở đều không đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ sở bán thức ăn ở đường phố của bà Nguyễn Thị Nhung (số 36 Lê Lợi) không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận sức khỏe. Ở Trường Mầm non Thánh Gióng (96 Nguyễn Duy Hiệu), khu vực chế biến thực phẩm không đảm bảo nguyên tắc một chiều như quy định của Bộ Y tế (đầu vào nguyên liệu xuyên suốt một chiều với đầu ra sản phẩm); chưa có thiết bị phòng chống côn trùng, động vật gây hại. Người lao động ở nhà hàng Hương Biển (37-39 Lê Lợi) chưa có đầy đủ kiến thức an toàn thực phẩm. Vệ sinh, trang thiết bị, dụng cụ, con người không đảm bảo an toàn thực phẩm; nguồn nguyên liệu chế biến không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Trái ngược với sự vào cuộc đầy năng động của Hội LHPN tỉnh, nhiều tổ chức chính trị - xã hội khác lại lơ là trong khâu quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi được hỏi về chức năng chủ trì giám sát bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm của người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, chưa tổ chức giám sát đánh giá chất lượng bữa ăn ca và bếp ăn tập thể của công nhân ở các khu, cụm công nghiệp. Bà Ánh cũng cho biết, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng chưa phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh để thực hiện chức năng giám sát an toàn thực phẩm theo phân công vì... chưa được mời. “Chúng tôi chỉ đạo các công đoàn cơ sở kiểm tra, đánh giá an toàn thực phẩm tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty, nhà xưởng, có báo cáo cụ thể. Liên đoàn Lao động tỉnh không tổ chức giám sát an toàn thực phẩm vì không đủ chuyên môn” - bà Ánh nói.

Một nội dung quan trọng trong phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm của UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là định kỳ sơ kết, tổng kết chương trình để nhìn lại quá trình triển khai, nhân rộng mô hình hay, khắc phục, chấn chỉnh các yếu kém, vướng mắc, khó khăn. Theo đó, trong quý IV.2017 tổ chức sơ kết 2 năm triển khai công tác phối hợp, tuy nhiên đến nay vẫn chưa làm được vì thiếu cơ sở đánh giá các nội dung thực hiện. Đến ngày 28.3.2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có văn bản gửi Văn phòng UBND tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh về phối hợp triển khai thực hiện sơ kết 2 năm của chương trình bằng cách gửi báo cáo các phần việc đã triển khai trong 2 năm qua về Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trước ngày 30.5.2018. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ số ít trong các sở, ngành, hội, đoàn thể có báo cáo cụ thể, còn lại là báo cáo chậm, chung chung, hình thức. Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, chưa thực sự đồng nhất, chặt chẽ trong kết hợp triển khai chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm giữa các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Việc cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm triển khai ở Duy Xuyên và Điện Bàn vẫn còn hình thức, phải khẩn trương sơ kết 2 năm để đánh giá, bàn giải pháp hữu hiệu, qua đó tạo cú hích để cam kết đi vào đời sống, tạo chuyển biến trong công tác quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở.

_______
Bài 3: Thiếu và yếu

Thiếu trang thiết bị, yếu về nhân lực là những bất cập của công tác quản lý khiến cho thực phẩm bẩn xuất hiện thường xuyên trên thị trường.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Đông tay nhưng vỗ chưa kêu (bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO