Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Đông tay nhưng vỗ chưa kêu (bài 3)

NGUYỄN QUANG VIỆT 20/09/2018 02:42

BÀI 3: THIẾU VÀ YẾU

Thiếu trang thiết bị, yếu về nhân lực là những bất cập của công tác quản lý khiến cho thực phẩm bẩn xuất hiện thường xuyên trên thị trường.

Tin liên quan

  • Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Đông tay nhưng vỗ chưa kêu (bài 2)
  • Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Đông tay nhưng vỗ chưa kêu (bài 1)
Còn nhiều bất cập trong việc xử lý các trường hợp không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh:  Q.V
Còn nhiều bất cập trong việc xử lý các trường hợp không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Q.V

Thiếu thiết bị

“Yếu kém của công tác quản lý an toàn thực phẩm có nguyên nhân từ người đứng đầu. UBND tỉnh đã quy định chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm ở địa bàn quản lý nhưng hầu như toàn bộ công việc này chỉ được phụ trách bởi cấp phó”. (Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh)  

Huyện Duy Xuyên đang tiến hành tổng điều tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ về thực phẩm. Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, cái khó lớn nhất để ngăn chặn tình trạng mất an toàn thực phẩm là thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm. Huyện Duy Xuyên đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ bộ test nhanh, tạo thuận lợi cho các đoàn kiểm tra phát hiện, xử lý sai phạm về an toàn thực phẩm. Theo UBND huyện Duy Xuyên, nếu không test nhanh để phát hiện dấu hiệu không an toàn của thực phẩm thì không thể buộc dừng lưu thông lô hàng đang có mặt trên thị trường. Nếu đúng lô hàng thực phẩm đó bẩn mà không ngăn chặn kịp thời thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Còn nếu buộc dừng lô hàng đó lại, lấy mẫu kiểm nghiệm mà kết quả cho thấy đảm bảo an toàn thực phẩm thì phải bồi thường thiệt hại. Khoản phí này rất lớn, huyện không kham nổi. Cũng do thiếu kinh phí, không được trang bị thiết bị kiểm nghiệm mà công tác xét nghiệm các mẫu rau ở các chợ của huyện Duy Xuyên, nhất là chợ Nam Phước gặp khó. Tương tự, muốn xử lý các lò nấu rượu thủ công buộc phải lấy mẫu kiểm tra các yếu tố gây độc hại mà đoàn kiểm tra cấp huyện thì chưa có thiết bị.

Lâu nay tình trạng thực phẩm nhập lậu, thực phẩm được ngâm, tẩm phụ gia hóa chất độc hại hay rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định vẫn còn tồn tại trên thị trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa được giải quyết căn cơ, dứt điểm. Nạn lạm dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, dùng chất kích thích tăng trưởng trên rau quả vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý hóa chất, thuốc kháng sinh trong ngành nông nghiệp chưa chặt chẽ, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, việc kiểm soát kinh doanh các loại phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm hiện nay còn lỏng lẻo. Lo ngại hơn, hóa chất, phụ gia công nghiệp được kinh doanh, bảo quản chung với phụ gia dùng cho thực phẩm trong khi từ trung ương đến tỉnh chưa có cơ chế quy định kiểm soát.

Ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết, thanh tra an toàn thực phẩm đã khó lại thêm cái khó khăn về kiểm định mẫu vật. Quảng Nam chưa có phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm được Bộ NN&PTNT công nhận đủ điều kiện nên phải gửi mẫu kiểm nghiệm đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (TP.Đà Nẵng) xét nghiệm. Phải mất chừng 15 ngày mới có kết quả nên rất khó xử lý vi phạm.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện được giao cho 3 ngành công thương, nông nghiệp và y tế nên đã xảy ra tình trạng chồng lấn, dẫm chân lên nhau. Tại các chợ, việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa của các ngành còn thiếu chặt chẽ đã khiến cho các sản phẩm rau quả, gia súc, gia cầm, thủy sản không rõ xuất xứ trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng. Bà Lê Thị Huy - Phó ban Kinh tế - xã hội của Hội Nông dân tỉnh cho biết, do không được trang bị các thiết bị kiểm định, xét nghiệm nên công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi không thể xử lý được các sai phạm vì thiếu căn cứ.

Lo nhân lực

Mục tiêu của Quảng Nam trong công tác quản lý an toàn thực phẩm đến cuối năm 2017 là vận động ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tất cả xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đến thời điểm này vẫn chưa đạt mục tiêu.

Tại huyện Quế Sơn, công tác kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nhân lực. Tiêu biểu như tại thị trấn Đông Phú, ông Lê Hoàng Sa, cán bộ phụ trách kế hoạch - tài chính phải cáng đáng thêm nhiệm vụ kiểm tra an toàn thực phẩm. Ông Sa cho biết, vì kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ nên công việc kiểm tra an toàn thực phẩm có phần xao nhãng ở nhiều thời điểm. Trên địa bàn có đến 149 cơ sở sản xuất, dịch vụ và kinh doanh thực phẩm mà đã khó thống kê chứ chưa nói hoạt động như thế nào, có vi phạm quy định của pháp luật không. “Rất khó để cán bộ cấp xã hoàn thành các nhiệm vụ về an toàn thực phẩm vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thiếu người, thứ 2 là yếu chuyên môn nghiệp vụ, thứ 3 là không có kinh phí để theo sát các diễn biến trên địa bàn” - ông Sa thẳng thắn. Ông Lê Xuân Mai - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Y tế huyện Quế Sơn đề xuất UBND tỉnh giao kinh phí của chương trình an toàn thực phẩm về cấp huyện để địa phương bố trí, phân bổ phục vụ hoạt động quản lý được tốt hơn. Cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm vừa yếu vừa thiếu nên cần được tỉnh tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để vững vàng hơn trong phát hiện, xử lý các sai phạm.

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, yếu kém của công tác quản lý an toàn thực phẩm có nguyên nhân từ người đứng đầu. UBND tỉnh đã quy định chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm ở địa bàn quản lý nhưng hầu như toàn bộ công việc này chỉ được phụ trách bởi cấp phó. Mà cấp phó thì đâu đủ quyền hạn, chức trách để quyết định mọi việc về an toàn thực phẩm. Phải báo cáo, xin ý kiến, tốn rất nhiều thời gian trong khi đó xử lý thực phẩm bẩn đòi hỏi phải quyết đoán, nhanh nhạy vì để lâu thì càng rắc rối, phức tạp, khó giải quyết. “Muốn quản lý tốt thì phải quyết liệt trong phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm. Khi đã nhận được thông tin thì các sở, ngành, địa phương phải thành lập đoàn, triển khai nhiều thủ tục hành chính, vì thế mà mất thời gian. Sự chậm chạp, rườm rà của các cấp quản lý, những người thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm đã khiến cho công tác này thiếu trôi chảy, hiệu quả” - ông Long nói.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, cán bộ phụ trách cấp huyện, xã đã không theo kịp những biến động khó lường về an toàn thực phẩm trong thời gian qua. Công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, chỉ tập trung vào một số đợt cao điểm trong năm như tết, trung thu. Cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm chưa đầu tư sâu vào lĩnh vực được phân công. Ở cấp huyện, xã, việc tập huấn nghiệp vụ an toàn thực phẩm cho cán bộ còn hạn chế. Cán bộ chưa thống kê đầy đủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về thực phẩm trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra ở cơ sở còn theo phong trào, được chăng hay chớ. Khi phát hiện sai phạm, cán bộ cấp huyện, cơ sở chỉ nhắc nhở chứ không kiên quyết xử lý mạnh tay để chấn chỉnh, đảm bảo an toàn thực phẩm.

-------------------------------
Bài cuối:  Cần giải pháp đồng bộ

Đã đến lúc cần những giải pháp quản lý bài bản, khoa học, đồng bộ để chấn chỉnh tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra phổ biến hiện nay.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Đông tay nhưng vỗ chưa kêu (bài 3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO