Quản lý, bảo vệ rừng: Cần khắc phục hạn chế

TRẦN HỮU 14/03/2018 09:04

Hội nghị chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng do UBND tỉnh tổ chức hôm qua 13.3, tiếp tục cho thấy tình trạng lấn chiếm đất rừng để trồng rừng ở vùng  giáp ranh khá phức tạp. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp cần khẩn trương sắp xếp, đổi mới bộ máy quản lý hiệu quả, triển khai đồng bộ các giải pháp và các địa phương phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh với các hành vi phá rừng.

Quang cảnh hội nghị chuyên đề về bảo vệ rừng.
Quang cảnh hội nghị chuyên đề về bảo vệ rừng.

Xử lý vi phạm chưa triệt để

Trước việc tái diễn liên tục tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, ngày 18.8.2015, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 17/2015/CT-UBND (Chỉ thị số 17) về tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm nay, hai huyện Phú Ninh và Núi Thanh vẫn chưa xử lý dứt điểm theo tinh thần của Chỉ thị số 17. Tương tự, nhiều địa phương khác như Hiệp Đức, Bắc Trà My, Tiên Phước… nổi lên tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ để trồng keo. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Thịnh thừa nhận, thời gian qua chính quyền gặp lúng túng trong xử lý tài sản cây cối trên đất lấn chiếm nên đề xuất cơ quan chức năng tỉnh có hướng dẫn cụ thể chứ địa phương đang “bí”. Theo Sở NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 17, qua rà soát, diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị chiếm trái phép lên đến 7.267ha tại 14 huyện và 6 ban quản lý rừng. Tuy nhiên, UBND các huyện mới chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xác lập hồ sơ xử lý 385 vụ vi phạm với diện tích 1.408,3ha, trong đó đã tiến hành xử lý 291 vụ với diện tích là 741ha.

Năm 2017, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 930 vụ vi phạm lâm luật (giảm 241 vụ so với năm 2016); trong đó phá rừng 84 vụ với diện tích rừng bị thiệt hại hơn 90ha; tịch thu hơn 1.244m3 gỗ các loại, 230 cá thể động vật rừng; tạm giữ 85 ô tô, 61 mô tô cùng nhiều loại tang vật, phương tiện khác.

Ngành lâm nghiệp đánh giá, một số ban quản lý rừng chưa tham mưu xử lý triệt để các hành vi vi phạm nên đến nay số vụ và diện tích vi phạm thống kê chưa chính xác, dẫn đến UBND cấp huyện chưa phê duyệt được kế hoạch thực hiện. Thậm chí có chủ rừng chưa có hồ sơ giao để quản lý diện tích rừng và đất rừng như các Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Ngọc Linh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và các khu bảo tồn Sao La, Voi. Triển khai Chỉ thị số 17 còn vướng mắc là cây trồng trên đất lấn chiếm trái phép chưa xác định được là tang vật vi phạm hay đối tượng gì nên các địa phương khó khăn trong xử lý.

Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, vùng giáp ranh xã Trà Kót (Bắc Trà My) và Tam Trà (Núi Thành), các xã Trà Bui, Trà Giáp nằm trong lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh; giáp ranh địa bàn với huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) rất phức tạp về tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Tại huyện Tiên Phước, có gần 6.000ha rừng phòng hộ, sau vụ phá rừng Tiên Lãnh xảy ra hồi cuối tháng 9.2017, tình hình xâm hại đất rừng đã tạm thời yên ổn. Theo ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, mỗi tháng, quý địa phương lên kế hoạch kiểm tra về công tác bảo vệ rừng, rà soát lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất), chủ yếu khu vực giáp ranh. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, việc phá rừng trái phép tại khu vực giáp ranh giữa các huyện để lấy đất trồng rừng nguyên liệu chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, ngành tài nguyên - môi trường ở các địa phương chưa kịp thời dẫn đến những vụ phá rừng chậm được xử lý, không tìm ra đối tượng vi phạm. Một số điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và khai thác khoáng sản trái pháp luật trong các lâm phận quản lý của chủ rừng vẫn còn xảy ra nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn.

Lựa chọn giải pháp lâu dài

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, trên địa bàn có 3 hạt kiểm lâm, 2 ban quản lý rừng nên cần sắp xếp bộ máy quản lý tinh gọn và hiệu quả hơn. Theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, về kiện toàn chức năng nhiệm vụ của lực lượng giữ rừng nòng cốt, quan điểm của sở là phân cấp, phân quyền mạnh về cho địa phương. Tiếp tục thực hiện kiện toàn tổ chức, bộ máy lực lượng kiểm lâm và sắp xếp, bố trí vị trí việc làm phù hợp. Tiếp tục rà soát, đánh giá lại quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng với UBND các huyện và các ngành chức năng trên từng địa bàn để bổ sung cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, nhằm phát huy đầy đủ vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương gắn với định hướng phát triển các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
Về việc lúng túng của các địa phương khi xử lý tài sản trên đất lấn chiếm trái phép, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 17 đúng quy định. Ngành tài nguyên và môi trường rà soát lại diện tích đã giao, đã cấp “sổ đỏ”, nhưng không đúng quy định thì phải khẩn trương tham mưu thu hồi để giao lại cho địa phương hoặc các ban quản lý rừng quản lý theo quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp thiếu rõ ràng, chưa đồng bộ; phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ. Cho nên, ngành nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, thuê đất, thuê rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, các tổ chức cá nhân phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng. Thêm vào đó là nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp giữa các ngành, chính quyền các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch, đề án về bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt. Đồng thời có biện pháp đẩy lùi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng; xóa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép...

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý, bảo vệ rừng: Cần khắc phục hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO