Ngành kiểm lâm mạnh dạn cải tổ, sắp xếp bộ máy quản lý tinh gọn và hiệu quả hơn; phục hồi diện tích rừng ven biển, giữ rừng ở các huyện miền núi... là những vấn đề đặt ra trong năm tới.
Năm 2018 ghi nhận nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của cơ quan kiểm lâm. TRONG ẢNH: Cán bộ kiểm lâm thị sát sự hiện diện của gia đình đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây hồi tháng 10. Ảnh: T.H |
Kiểm soát rừng chưa chặt chẽ
Nóng nhất trong năm là vụ xâm hại 127m3 gỗ ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung mà cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh làm rõ. Bước đầu có một số cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng (BVR) bị khởi tố. Lực lượng kiểm lâm và các ban quản lý rừng phát hiện 752 vụ vi phạm liên quan đến phá rừng (tăng 105 vụ so với cùng kỳ năm 2017). Trong số đó đã khởi tố 39 vụ án hình sự (tăng 19 vụ so với cùng kỳ năm 2017). Trong năm, do thời tiết nắng nóng kéo dài và người dân sử dụng lửa bất cẩn nên để xảy ra 6 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 51,5ha rừng trồng và rừng tự nhiên.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép còn diễn ra phức tạp, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Trong đó, nổi cộm là tình trạng khai thác gỗ trái phép tại huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My... gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng kiểm lâm. Tại một số huyện miền núi, việc quản lý khai thác gỗ vườn nhà, vườn rừng chưa kiểm soát chặt chẽ theo quy định nên xảy ra tình trạng lợi dụng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Nhức nhối hơn là nạn sử dụng súng tự chế trong nhân dân để săn bắn động vật rừng, đặc biệt là các loài động vật rừng quý hiếm ngày càng gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến hệ lụy trên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, là do triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, xây dựng đề án về lâm nghiệp còn nhiều bất cập; trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp chưa đồng bộ; lực lượng quản lý, BVR còn hạn chế về nhiều mặt, đặc biệt là công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với chính quyền các địa phương thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Sắp xếp lại bộ máy quản lý
Thời gian qua, Sở NN&PTNT thử nghiệm nhiều mô hình quản lý BVR, rồi sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các lực lượng quản lý BVR. Theo đó, các ban quản lý rừng sẽ chuyển về UBND huyện trực tiếp quản lý các khu rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn và được giao quản lý thêm các diện tích rừng tự nhiên hiện nằm rải rác ngoài rừng phòng hộ, đặc dụng do UBND xã đang quản lý. Cạnh đó, tách hạt kiểm lâm khỏi các ban quản lý rừng và tổ chức lại 9 huyện miền núi (mỗi huyện một hạt kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh). Đối với 9 huyện đồng bằng sẽ tổ chức thành 3 hạt kiểm lâm liên huyện, củng cố 2 Đội kiểm lâm cơ động phụ trách 2 khu vực phía bắc và phía nam vừa xử lý vi phạm trên khu vực phụ trách trong trường hợp cần thiết, vừa làm công tác chuyên trách phòng cháy chữa cháy rừng.
Đáng chú ý trong phương án sắp xếp lại bộ máy tổ chức là các trạm kiểm lâm sẽ bị giải thể để tăng cường lực lượng giữ rừng tận gốc, ngoại trừ các trạm chốt chặn vận chuyển gỗ tại các tỉnh, thành phố giáp ranh. Bố trí ít nhất mỗi xã một kiểm lâm địa bàn, chịu sự quản lý điều hành của chủ tịch UBND xã. Hiện, phần mềm giám sát rừng bằng thiết bị di động qua vệ tinh được chuyển giao từ Tổng cục Lâm nghiệp được Chi cục Kiểm lâm triển khai nhằm giám sát rừng hiệu quả và khoa học hơn. Sở NN&PTNT dự thảo đề án hỗ trợ công tác khoán quản lý, BVR trên địa bàn tỉnh theo hướng chuyển từ giao khoán cho nhóm hộ sang lựa chọn đội BVR tại các cộng đồng và hợp đồng trực tiếp với chủ rừng, đồng thời có cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với những dự án có mức chi trả thấp để đảm bảo chế độ, thu nhập của người tham gia tuần tra BVR không thấp hơn 3 triệu đồng/tháng.
Phục hồi rừng đã mất
Năm 2018 cũng ghi nhận nỗ lực của ngành kiểm lâm trong việc thành lập nhóm bảo tồn cộng đồng, điều tra đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và sao la; chuyển giao công nghệ giám sát rừng bằng công nghệ mới cho các chủ rừng, cộng đồng nhận khoán BVR. Kiểm lâm huyện Núi Thành còn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức các đợt điều tra khảo sát và xây dựng dự án bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành).
Từ vốn ODA, trong năm, cơ quan kiểm lâm còn thực hiện dự án KfW10 và dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (giai đoạn 2). Kết thúc tháng 9.2018, xã Cà Dy (Nam Giang) đã trồng xong 140ha mây dưới tán rừng đạt 100% kế hoạch giao. Theo ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua vành đai rừng ven biển được trồng phục hồi từ chỉ tiêu trồng rừng thay thế. Đến nay, Tam Kỳ và Núi Thành được giao trồng 60,2ha rừng trên đất cát ven biển. Đáng mừng là phong trào trồng rừng gỗ lớn, rừng đạt chứng chỉ quốc tế FSC đã lan tỏa trong nhân dân. Chín tháng đầu năm, rừng trồng của người dân thuộc 3 huyện Hiệp Đức, Tiên Phước và Phú Ninh được cấp chứng chỉ FSC gần 1.000ha, nâng tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh lên hơn 3.019ha. Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, khi bàn về cơ chế chi trả rừng, hầu hết ý kiến đều thống nhất bổ sung thêm kinh phí với các khu vực có đơn giá BVR dưới 400 nghìn héc ta/năm. “Năm 2019, tỉnh kiến nghị Trung ương cho chủ trương thống nhất thực hiện công tác khoán BVR theo hướng chủ rừng tự tổ chức quản lý BVR trên toàn bộ diện tích được giao quản lý; ký hợp đồng với các lực lượng trong cộng đồng để BVR và ký hợp đồng với cộng đồng dân cư thôn chi trả theo một đơn giá cho toàn tỉnh là 440.000 đồng/ha/năm” - ông Khánh đề xuất.
TRẦN HỮU