Năm 2015, qua những con số về vi phạm lâm luật đã cho thấy thực trạng xâm hại tài nguyên vẫn đáng cảnh báo, gây khó khăn cho lực lượng kiểm lâm trong nhiệm vụ “gác cổng” rừng.
Dai dẳng xâm hại rừng
Từ hàng loạt chính sách, quy định của pháp luật, lực lượng kiểm lâm được trang bị “cây gậy thần” trong cuộc đấu tranh với lâm tặc. Dãy rừng Trường Sơn qua Quảng Nam thuộc loại đa dạng sinh học bậc nhất khu vực, còn nhiều loại gỗ quý nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Đội quân “phá sơn lâm” thì luôn tìm cách triệt hạ rừng vì nguồn thu lợi bất chính quá lớn, tạo ra không ít áp lực cho những người làm công tác bảo vệ rừng. Gần đây, lần lượt những cánh rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, rừng phòng hộ vùng giáp ranh giữa huyện Đông Giang - Hòa Vang, rừng giống A Sờ thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng A Vương, rừng phòng hộ Phú Ninh tiếp tục bị hủy hoại. Và mới đây nhất là tình trạng khai thác gỗ trái phép với số lượng lớn tại rừng đầu nguồn Sông Tranh qua địa bàn xã Trà Bui (Bắc Trà My).
Gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ gia tăng. TRONG ẢNH: Nhiều phách gỗ với đường kính trên dưới 1m vừa được kiểm lâm tịch thu, tập kết tại Trạm kiểm lâm Đại Hồng (Đại Lộc).Ảnh: T.H |
Nhìn trên “bản đồ” phá rừng năm qua, có thể nói hầu hết đều nhắm vào các chủ rừng đang nắm giữ một diện tích lớn. Mặc dù ngành lâm nghiệp đang cố gắng cải tổ, sắp xếp lại các ban quản lý rừng, nhưng vì quản không xuể, cơ chế giao trách nhiệm kể cả quyền lợi không rõ ràng cho chủ rừng nên thực tế rừng vẫn bị xâm hại. Trong các lỗ hổng về quản lý, thì việc quy hoạch chi tiết 3 loại rừng, quy hoạch phát triển vùng, kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ rừng ở miền núi còn bất cập. Ví như người dân xã Trà Bui (Bắc Trà My) thiếu đất nương rẫy sản xuất, trong khi các khu dân cư, tái định cư nằm sát vùng lõi rừng phòng hộ Sông Tranh. Ngành nông nghiệp đã đưa ra con số quy hoạch 3 loại rừng, nhưng để trả lời quy hoạch đó có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn hay không thì chưa ai dám khẳng định.
Thả nổi ghe thuyền
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, năm 2015, đơn vị và các cơ quan chức năng khác đã phát hiện, lập biên bản 1.086 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu hơn 1.800m3 gỗ các loại và 246 cá thể động vật rừng; tạm giữ 123 ô tô và hơn 100 phương tiện vận chuyển gỗ lậu. Cạnh đó, triển khai 720 lượt tuần tra, truy quét về khai thác khoáng sản trái phép có xâm hại đến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Núi Thành, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My. Theo đó, phá hủy gần 200 máy nổ và máy xay đá; đốt phá 243 lán trại, 575 bẫy thú rừng... |
Có mặt trên lòng hồ thủy điện Nam Sông Bung, đoạn qua thôn Vinh (xã Tà Pơơ, Nam Giang) vào chiều tối ngày 5.1, chúng tôi ghi nhận có hàng chục ghe thuyền đang trục vớt gỗ mục dưới nước, kể cả gỗ lậu. Một số phương tiện còn ngụy trang đánh bắt cá lòng hồ. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 257 phương tiện hoạt động trên các lòng hồ thủy lợi, thủy điện. Cụ thể, huyện Phước Sơn 24 ghe thuyền, Nông Sơn 11, Bắc Trà My 14, Nam Giang 57 ghe thuyền, chủ yếu hoạt động ở khu vực thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung; Phú Ninh có 59 chiếc, Núi Thành 86 chiếc. Đáng nói chỉ có 133 chủ phương tiện cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; 59 ghe thuyền buộc tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo các quy định của pháp luật. Qua các đợt tuần tra, truy quét gần đây, lực lượng kiểm lâm đã tạm giữ 27 ghe thuyền vi phạm, tịch thu hơn 40m3 gỗ xẻ vận chuyển bằng đường thủy. Thực tế, trên lòng hồ thủy điện, số ghe thuyền hoạt động trái phép phổ biến. Việc quản lý phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng trái phép và xử lý ghe, thuyền không có đăng ký, đăng kiểm hoạt động trong các lòng hồ thủy điện thiếu triệt để.
Phần lớn diện tích rừng tự nhiên đã được giao khoán đến hộ và nhóm hộ để thực hiện các hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Quyết định 24/2012/QĐ-TTg, Nghị định 99/2010/NĐ-CP nhưng tái diễn tình trạng phá rừng trái phép. Theo ông Trần Văn Thu - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân là một số hạt kiểm lâm chưa chủ động làm việc với chính quyền các xã để nắm bắt tình hình địa bàn, chưa chủ động trong đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm; kiểm lâm phụ trách địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, chậm phát hiện các vụ phá rừng quy mô lớn. Thêm nữa, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng buông lỏng quản lý trong lâm phận được giao, nhất là diện tích đã giao khoán nên để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép.
TRẦN HỮU