Chuyển biến
Sau hơn 2 năm đưa Nghị quyết 14-NQ/TU ngày 4.6.2010 của Tỉnh ủy về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng (gọi tắt Nghị quyết 14) vào cuộc sống, nhiều địa phương đã kiểm soát được tình trạng khai thác, vận chuyển và tiêu thụ lâm sản trái phép.
Đặc biệt các cấp ủy đảng và chính quyền gắn khâu bảo vệ rừng (BVR) với công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, để phân loại tổ chức đảng và đảng viên hàng năm. Nơi nào xảy ra “điểm nóng” phá rừng thì không thể đạt danh hiệu tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Các trường hợp vi phạm lâm luật có tính chất phức tạp, ngang nhiên như thời gian trước ít xảy ra; số vụ chống người thi hành công vụ giảm. Trên tuyến quốc lộ 14B, quốc lộ 14E, đường Hồ Chí Minh… ít xuất hiện cảnh “lâm tặc” trắng trợn chở gỗ lậu ban ngày. Những xưởng cưa “trá hình” dọc các tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn, sông Bung và các cửa rừng đã được kiểm soát. Hai năm trước, khi các nhà máy thủy điện lần lượt ngăn dòng tích nước phát điện, rừng đầu nguồn của các công trình thủy điện trở thành “miền đất hứa” với mức độ tàn phá ghê gớm. Thế nhưng, nhờ quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 14, bây giờ các phương tiện ghe thuyền tham gia chở gỗ lậu không còn hoạt động công khai trong các lòng hồ thủy điện.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang và lực lượng kiểm lâm tỉnh kiểm tra rừng ở khu vực đầu nguồn lòng hồ thủy điện Đắc My. Ảnh: H.P |
Chuyển biến rõ nét ở một số địa phương miền núi, trung du là công tác BVR được xem như nhiệm vụ sống còn, quyết định sự phát triển bền vững, làm xuất hiện nhiều điểm sáng. Đơn cử ở Tiên Phước, tinh thần của nghị quyết được quán triệt sâu rộng đến gần 1.000 hộ dân và họ đã ký cam kết BVR. Thêm nữa, tăng cường quyền lực, vai trò trách nhiệm cho chính quyền cơ sở. Mỗi năm, chủ tịch UBND xã xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức lực lượng phối hợp với kiểm lâm tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn. Những con đường vận chuyển gỗ lậu như ĐT 616, từ xã Tiên An đi Tiên Lập, Tiên Lãnh - Tiên Ngọc, Tiên Kỳ - Tiên Phong luôn đặt trong tình huống cảnh giới. Nhờ thế mà chặn đứng kịp thời nhiều vụ đưa gỗ đi tiêu thụ. Đơn cử 2 năm 2011 - 2012, lực lượng chức năng của huyện chỉ xử lý 4 vụ vận chuyển gỗ... Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT ví von rằng, Nghị quyết 14 là “bàn tay sắt” trong cuộc đấu tranh với lâm tặc để giữ vành đai xanh cho miền núi. Không thể hô theo khẩu hiệu mà phải hành động bằng chế tài đủ mạnh thì mới mong những cánh rừng được bình yên.
Nhiệm vụ dài lâu
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 14, ngành chức năng và lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 3.144 vụ liên quan đến phá rừng. Khởi tố 20 vụ vi phạm pháp luật, tịch thu 2.607m3 gỗ tròn, 3.051m3 gỗ xẻ, 131 chiếc xe máy… với tổng số tiền xử phạt hơn 32 tỷ đồng. |
Theo dõi cuộc chiến giữ rừng ở các huyện miền núi thời gian qua, thấy rằng dù một số nơi rừng tạm yên, nhưng vẫn có thời điểm báo động về độ tàn phá. Các thủ đoạn, hình thức phá rừng càng tinh vi. Tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, lấy đất trồng rừng với quy mô lớn và diễn biến khá phức tạp. Sự thật đau lòng ở chỗ, chính người dân lại là chủ thể phá rừng. Đây là vấn nạn cho các cơ quan quản lý, BVR bởi khó triệt tận gốc vì còn liên quan đến vấn đề giải quyết sinh kế lâu dài cho người dân. Thống kê của ngành kiểm lâm cho thấy, trong năm 2012, có hàng trăm héc ta rừng bị xâm hại. Chẳng hạn, Núi Thành thiệt hại 75ha rừng, khu vực rừng phòng hộ hồ chứa nước Đông Tiển (Thăng Bình) 49ha, rừng phòng hộ A Vương (Đông Giang) thiệt hại 47ha, rừng phòng hộ Sông Tranh (Bắc Trà My) 42ha… Quan ngại hơn, chính quyền huyện Nam Giang đã cấp phép sai thẩm quyền việc khai thác gỗ làm nhà ở các khu tái định cư thủy điện với khối lượng hơn 1.000m3 gỗ. Có nơi khai thác gỗ Chương trình 167 không đúng quy định, dẫn đến hậu quả cán bộ phải bị khởi tố trước pháp luật. Các tội phạm liên quan đến xâm hại rừng có xu hướng tăng ở các huyện miền núi.
Thực tế, cơ quan quản lý nhà nước, ngành chuyên môn của tỉnh đã xây dựng chiến lược giữ rừng gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 3 loại rừng. Thế nhưng, để người dân thực sự làm chủ rừng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, giảm tối đa diện tích đất lâm nghiệp hiện do chính quyền cơ sở trực tiếp quản lý. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, nhiệm vụ trước mắt lẫn lâu dài là sớm hoàn tất chủ trương giải quyết đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc đang gặp khó khăn, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chương trình định canh định cư. Quy hoạch và cụ thể hóa các chính sách hưởng lợi để người dân có thu nhập từ sản xuất, giảm bớt phụ thuộc vào thu nhập từ các hoạt động khai thác rừng trái phép. Cạnh đó, các địa phương có rừng phải xác định BVR là cuộc chiến dài lâu, không thể lơ là, chủ quan. “Kiện toàn, củng cố lại lực lượng kiểm lâm địa bàn với phương châm BVR tận gốc. Làm trong sạch đội ngũ kiểm lâm bằng cách loại ra khỏi ngành những công chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp” - ông Quang thẳng thắn.
TRẦN HỮU