Môi trường ngày càng được cải thiện, từng bước kiểm soát cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, khắc phục, xử lý cơ bản nhiều “điểm nóng”... là những điểm nhấn được nhắc đến qua quá trình thực hiện đề án quản lý chất thải rắn (CTR) các vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc duy trì và nâng cao hiệu quả, hướng đến mục tiêu quản lý bền vững CTR đòi hỏi sự tham gia tích cực của người dân và nhiều đơn vị trong giai đoạn tiếp theo của đề án này.
ĐỐI DIỆN THÁCH THỨC RÁC THẢI
Không dừng lại ở mục tiêu kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, thực hiện đề án quản lý CTR các vùng nông thôn từ năm 2012 đến năm 2020 còn góp phần hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Chuyển biến từ môi trường nông thôn cho thấy vai trò quan trọng của đề án này trong bối cảnh sức ép đối với môi trường ngày càng lớn phát sinh từ nhu cầu phát triển.
Làm sạch nông thôn
Phương án thu gom và xử lý rác thải được HĐND xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) thông qua từ năm 2013, sau khi đề án quản lý CTR được UBND tỉnh phê duyệt. Theo chính quyền địa phương, từ khi triển khai, công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn xã đã có bước chuyển biến tích cực. Dấu ấn lớn nhất là từ nhận thức: các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cả cộng đồng tham gia khá tích cực.
Từ nguồn kinh phí phân bổ ban đầu hơn 350 triệu đồng, địa phương đã trang bị 156 thùng rác, 13 xe đẩy rác, đồ bảo hộ và dụng cụ lao động cho người thu gom. Bước đầu, vì còn lúng túng trong công tác tổ chức, địa hình phân tán, đường giao thông không thuận lợi cho xe thu gom dẫn đến kinh phí phục vụ trung chuyển cao hơn, người dân tham gia nộp phí chỉ đạt 59% dẫn đến xã phải tạm mượn ngân sách xã bù chi.
Nhận diện những tồn tại, xã đã thành lập tổ công tác, đến từng thôn tuyên truyền, mời các hộ không tham gia đề án để lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân, giải thích cặn kẽ cho người dân. Mặt khác, địa phương tăng cường thêm thùng rác, xe trung chuyển, quan tâm hơn đến chế độ hỗ trợ cho người trung chuyển. Lộ trình thu gom cũng được điều chỉnh theo phương án phù hợp, khắc phục những bất cập.
Ông Nguyễn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa nói: “Chúng tôi vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa rà soát nhu cầu, lựa chọn vị trí xây dựng bi chứa rác bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, bể chứa rác tại các cụm dân cư mà xe thu gom không thể vào được, chọn lựa vị trí đặt thùng rác, xe trung chuyển với số lượng, quy cách, phù hợp với đề xuất của người dân ở từng thôn.
UBND xã cũng đã thành lập tổ tự quản, xây dựng quy chế, có chính sách khuyến khích để nâng cao tinh thần trách nhiệm. Nhờ “mưa dầm thấm lâu” mà việc bù chi giảm dần, đến năm 2018 Đại Nghĩa đảm bảo cân đối thu chi và duy trì hiệu quả việc thực hiện đề án cho đến nay”.
Tại huyện Thăng Bình, 100% số thôn của huyện đã có tổ thu gom rác thải đến từng kiệt, ngõ, hẻm với tần suất 1 - 2 lần/tuần. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ nộp phí vệ sinh môi trường đạt hơn 78%. Nông thôn có diện mạo khang trang, sạch đẹp hơn, ô nhiễm môi trường giảm thiểu, góp phần hiệu quả việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Ông Trương Công Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định: “Kết quả nổi bật nhất là đề án quản lý CTR nông thôn đã và đang đi vào cuộc sống, nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, hội đoàn thể tích cực tham gia và người dân luôn đồng tình ủng hộ”.
Những trở lực
Tiếp nối đề án quản lý CTR nông thôn đến năm 2020, đề án quản lý CTR trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là đề án CTR 1662) được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 6.2020.
Theo đánh giá, dù đã triển khai hơn một năm qua nhưng nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, kết quả triển khai còn chậm, nhất là việc tìm kiếm, quy hoạch, đầu tư xây dựng khu xử lý CTR và mời gọi các nhà đầu tư để xử lý CTR cho địa phương mình.
Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ IV, khóa XXII tổ chức vào tháng 7 vừa qua, những hạn chế về công tác xử lý CTR cũng đã được nhắc đến: công tác xử lý CTR chưa đạt hiệu quả, tiến độ quy hoạch và xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung còn chậm. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sản dẫn đến khiếu kiện, tập trung đông người có nguy cơ tạo “điểm nóng”.
Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT, việc chỉ đạo của một số địa phương vẫn còn thiếu quyết liệt, chưa thật sự tâm huyết, không sâu sát và thiếu sự kiểm tra, theo dõi, đánh giá. Chưa kể, tình trạng hình thức, chạy theo thành tích để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn xuất hiện ở một vài nơi, không đảm bảo tính bền vững theo mục tiêu của đề án.
“Diện tích tự nhiên của tỉnh lớn, khu vực trung du và miền núi địa hình phức tạp, dân cư tập trung không đồng đều gây khó khăn cho thu gom, chi phí vận chuyển CTR cao.
Ở một số xã miền núi cao, điều kiện giao thông cách trở, vẫn đang vận động nhân dân tự xử lý rác thải tại chỗ. Năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR của các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, nhận thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ nên công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thu gom và nộp phí tại các địa phương gặp nhiều khó khăn” - bà Hạnh đề cập.
DỰ ÁN XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN CHẬM TIẾN ĐỘ
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn trong việc triển khai các dự án xử lý CTR.
Theo thông tin từ Sở TN-MT, hiện nay mới chỉ có 4 huyện là Núi Thành, Đại Lộc, Hội An và Bắc Trà My xúc tiến thực hiện dự án xử lý CTR. Ngoại trừ dự án xử lý CTR Bắc Quảng Nam đã triển khai thi công, đảm bảo hoàn thành và vận hành vào năm 2022, dự án nhà máy xử lý CTR Hội An do năng lực hạn chế của nhà đầu tư nên phải gia hạn tiến độ thực hiện, hai dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đề xuất chủ trương đầu tư.
Các huyện đồng bằng và trung du khác vẫn chưa xúc tiến hoặc còn vướng mắc trong quá trình xác định khu xử lý. Đối với 7 địa phương khu vực miền núi, đã có các khu xử lý với quy mô nhỏ, cần phải nâng cấp, mở rộng một số hạng mục chính để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Tiến độ này đang rất chậm so với yêu cầu, sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đặt ra trong đề án CTR 1662, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố về CTR sinh hoạt tại các địa phương khi các khu xử lý cấp tỉnh đóng cửa.
Theo Sở TN-MT, công tác triển khai các khu xử lý CTR theo Đề án CTR 1662 đang gặp khó khăn trong việc vận động tuyên truyền người dân khu vực đồng thuận. Ở một số địa phương, vị trí quy hoạch trùng lắp hoặc chưa đảm bảo khoảng cách đến một số dự án khác được địa phương phê duyệt.
Nhà đầu tư đến làm việc nhưng không thiết tha với dự án đầu tư do khó khăn trong việc hoàn vốn cùng như sinh lợi, tính rủi ro cao. Việc lựa chọn công nghệ xử lý CTR sinh hoạt còn lúng túng; hầu hết địa phương đều đề xuất công nghệ cũ, lạc hậu là chôn lấp hợp vệ sinh.
“Việc áp dụng Nghị quyết số 01 trong triển khai thực hiện dự án khu xử lý theo Đề án CTR 1662, qua rà soát của cơ quan chức năng, có một số nội dung chồng chéo với các cơ chế khác theo các văn bản quy định mới. Đa số địa phương chưa thực hiện đến giai đoạn phê duyệt dự án đầu tư, chưa trình các hồ sơ công trình được hưởng theo cơ chế Nghị quyết số 01 nên chưa xác định được vướng mắc cụ thể. Thực trạng này đòi hỏi có những tác động mang tính căn cơ, để từng bước giải quyết dứt điểm khó khăn về khu xử lý CTR” - bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết.
Tại hội nghị tổng kết đề án CTR nông thôn đến năm 2020, đẩy mạnh thực hiện đề án CTR 1662 được UBND tỉnh tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên nguồn lực, từ nay đến ngày 31.12.2022 phải có 1 khu xử lý CTR cho địa phương mình.
Đồng thời chỉ đạo vận hành xử lý CTR trên địa bàn đảm bảo an toàn về môi trường; tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư dự án xử lý CTR để chủ động giải quyết lượng CTR phát sinh trên địa bàn. Đối với các khu xử lý CTR tập trung đã có quy hoạch, các địa phương tuyệt đối không phê duyệt các dự án khác chồng lấn; ưu tiên bố trí kinh phí cắm mốc, bồi thường giải phóng mặt bằng; tuyên truyền vận động nhân dân biết, nắm rõ thông tin dự án và cơ chế hỗ trợ để người dân khu vực đồng thuận.
NỢ PHÍ MÔI TRƯỜNG
Tình trạng khó khăn tài chính và việc thu phí môi trường chưa đúng, đủ dẫn đến việc sử dụng nguồn kinh phí chưa phù hợp, quản lý nguồn thu từ cộng đồng hạn chế, nợ phí công ty môi trường cao… Đây là thực trạng ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam cho hay, đề án đã được nêu rõ là ngân sách tỉnh chỉ đầu tư kinh phí ban đầu để triển khai, các địa phương phải sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ duy trì hoạt động thường xuyên.
Tuy nhiên, do tình hình khó khăn về tài chính của các địa phương thực hiện đề án, thu phí từ nhân dân chưa đúng, đủ ở một số nơi, việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chưa phù hợp dẫn đến nhiều tồn tại.
Công tác quản lý nguồn thu từ cộng đồng còn hạn chế nên đến nay số tiền các địa phương nợ công ty lên đến khoảng 9 tỷ đồng. Ngoài ra, tâm lý người dân lo ngại ô nhiễm môi trường khiến tình hình an ninh trật tự tại một số bãi rác có thời điểm diễn biến phức tạp, người dân tụ tập ngăn chặn việc đưa rác vào khu xử lý dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong cộng đồng.
“Chúng tôi đề nghị công tác truyền thông cần được các địa phương thực hiện thường xuyên. Tại các hội nghị, hội thảo, cấp cơ sở nên lồng ghép triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng kết hợp với chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi đổ rác không đúng nơi quy định. Đồng thời tuyên truyền vận động thường xuyên, liên tục hơn nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân tham gia vệ sinh môi trường trong thời gian đến.
Phía công ty mong muốn các địa phương sớm bố trí ngân sách hỗ trợ các xã, thị trấn duy trì hoạt động thường xuyên của tổ thu gom rác thải và chi trả công tác thu gom vận chuyển rác thải, giải quyết dứt điểm công nợ còn tồn đọng trong thời gian qua” - ông Dũng nói.
THAY ĐỔI TƯ DUY
Từ những tồn tại đã được phân tích, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới là phải tác động mạnh vào nhận thức của hệ thống chính trị lẫn người dân, xem rác thải là nguồn tài nguyên, phát huy vai trò giám sát, phản biện, theo dõi của cơ sở, giảm thiểu các điểm nóng về môi trường. Việc phân loại rác tại nguồn là việc làm không mới, song vẫn đang cần được quan tâm hơn trong giai đoạn sắp đến.
Đối tượng phát thải phải chia sẻ trách nhiệm
Đề án CTR 1662 được xây dựng trên quan điểm CTR phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn. Ngoài ra, phải từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến, phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích tất cả thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTR.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng: “Phải xác định quản lý CTR là nhiệm vụ chính trị gắn liền với đời sống kinh tế xã hội của địa phương, nhân dân là chủ thể phát thải CTR cũng phải chịu trách nhiệm với lượng CTR thải ra.
Thời gian sắp tới, UBND cấp xã cần đẩy mạnh quản lý, theo dõi và giám sát chặt chẽ các vấn đề về CTR trên địa bàn theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Về phía Sở TN-MT cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh, các cấp chính quyền tăng cường quản lý CTR theo chiều sâu phù hợp với tính chất vùng miền, đặc thù vị trí địa lý, hiện trạng phát sinh, năng lực quản lý CTR của từng địa phương”.
Đại diện TP.Hội An cho hay, trong bối cảnh lượng rác thải ngày càng gia tăng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì người dân, chủ doanh nghiệp phát thải cũng phải trả phí xử lý. Việc này sẽ phát huy trách nhiệm của các đối tượng phát thải, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn có khối lượng xả thải lớn, chia sẻ trách nhiệm về việc bảo vệ môi trường.
Phân loại rác tại nguồn
Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, bài học về phân loại rác tại nguồn tỏ ra khá hữu hiệu, có vai trò đặc biệt quan trọng. “Hội An đã có nhiều nỗ lực về bảo vệ môi trường, là một trong số những địa phương tiên phong trong việc phân loại rác tại nguồn từ năm 2012. Tính trung bình, mỗi ngày Hội An phát thải ra khoảng 120 tấn rác cần xử lý. Hai năm nay, do dịch bệnh, rác thải có giảm song vẫn ở mức cao, khoảng 80 tấn mỗi ngày.
Nhờ tất cả xã phường đều triển khai phân loại rác tại nguồn, tỷ lệ rác thải được xử lý triệt để ở mức cao, ổn định. Hiện nay, tại một số khu vực nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa thấp, thành phố đã có chủ trương phân cấp để xử lý thông qua việc vận động các hộ dân thực hiện các hố chôn lấp rác thải hữu cơ để giảm thiểu lượng rác tại khu dân cư, kết quả đạt được ban đầu rất đáng khích lệ” - ông Lý nói.
Hiện Sở TN-MT cũng đã thuê đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát, lập kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành và triển khai trong năm 2021. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình/đề án phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn cho phù hợp điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội, hiện trạng, năng lực quản lý CTR của địa phương mình.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng phát thải CTR.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói: “Phải tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản về môi trường để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận, đoàn thể các cấp cho đến tổ dân phố, cộng đồng dân cư cũng cần đồng hành, tăng cường sự giám sát đối với việc tổ chức thực hiện và giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. Trường hợp để xảy ra ứ đọng rác thải trên địa bàn mình quản lý do thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và nhân dân trên địa bàn”.