Hội thảo tăng cường sự tham gia của các bên liên quan xây dựng nền tảng quản lý từ đầu nguồn tới biển, diễn ra hôm qua 14.11 tại TP.Hội An, đã chỉ ra sự cấp bách của việc xử lý rác thải rắn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, từ đó thảo luận giải pháp để quản lý bền vững.
Áp lực từ rác thải rắn
Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cung cấp nguồn nước quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho cả tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng với hơn 2,1 triệu dân cư. Qua kết quả thống kê sơ bộ từ nhóm tư vấn chất thải và nguồn (RWA) thông qua dự án được tài trợ bởi Viện Nước quốc tế Thụy Điển (SIWI) trong tháng 10.2019, ba nguồn rác thải chủ yếu phát sinh trên lưu vực sông này gồm: rác thải sinh hoạt, rác thải thương mại và rác thải du lịch với tổng lượng phát sinh đạt gần 1.650 tấn/ngày (khu vực đô thị chiếm gần 70%).
TS. Vũ Thu Hà - thành viên nhóm tư vấn cho biết: “Tổng lượng chất thải nhựa phát sinh mỗi ngày trên lưu vực sông này vào khoảng 281 tấn; trong đó có 36,5 tấn chất thải nhựa không được quản lý hiển hiện nguy cơ gây tổn thương đến môi trường”. Bà Nguyễn Kim Hà - đại diện Ban điều phối tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thông tin: “Uớc tính hiện nay, mỗi ngày TP.Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải sinh hoạt. Từ năm 2017 đến nay, thành phần hữu cơ trong rác thải đô thị ở Đà Nẵng đang có chiều hướng giảm sút, cùng với đó là sự tăng lên của rác thải nhựa cũng như vật chất không xác định theo hướng vô cơ trong các trạm trung chuyển rác thải trong đô thị thì giảm xuống”.
Ô nhiễm nhựa tiềm tàng nguy cơ dẫn đến áp lực cho các loài thủy sinh, hủy hoại giá trị thẩm mỹ các bãi biển cũng như tích tụ chất độc sinh học rò rỉ từ chất thải nhựa. Theo tính toán của RWA, nếu giả định rằng có khoảng 10 đến 25% lượng chất thải không được kiểm soát sẽ đi vào nguồn nước thì sẽ có từ 3,7 đến 9,1 tấn chất thải nhựa mỗi ngày có khả năng rò rỉ vào nguồn nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Hiện nay, một lượng lớn chất thải rắn từ đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn chảy xuống vùng hạ lưu thuộc địa bàn TP.Hội An, huyện Duy Xuyên, huyện Núi Thành (Quảng Nam) và TP.Đà Nẵng. Bà Bùi Thị Thu Hiền - đại diện IUCN cho rằng, do đặc thù của lưu vực sông khu vực miền Trung có độ dốc lớn, nước chảy nhanh nên các tác động, tổn thương từ thượng nguồn sẽ lan xuống hạ lưu rất nhanh hơn các lưu vực sông khác.
Tiến tới quản lý có hệ thống
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Xử lý chất thải rắn là vấn đề vô cùng nan giải, nhất là ở địa phương có hệ thống lưu vực sông chằng chịt và đới bờ phức tạp như Quảng Nam. Hiện nay tỉnh đang đặt vấn đề quản lý chất thải rắn là một trong những mục tiêu vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển bền vững. Vì vậy xây dựng được nền tảng quản lý chất thải từ đầu nguồn xuống biển rất cần thiết”. Theo bà Ruth Mathews - đại diện SIWI, cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển gồm 6 bước và được xây dựng trên tham chiếu cơ sở sẵn có về quản trị, quy hoạch và quản lý. Bởi vậy cách thể hiện của phương pháp này có thể tùy theo đặc thù của từng hệ thống lưu vực sông.
Thời gian qua, chính quyền hai địa phương và cộng đồng doanh nghiệp ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã thúc đẩy các giải pháp để hạn chế phát sinh rác thải nhựa, chất thải rắn và tạo được kết quả tích cực ban đầu với các hoạt động như: ban hành kế hoạch phân loại chất thải tại nguồn đến năm 2025 (TP.Đà Nẵng), không sử dụng chai nước nhựa trong các cuộc họp, truyền thông kêu gọi phụ nữ đem giỏ đi chợ, lập nhóm các nhà quản lý khách sạn từ 3 sao trở lên ở Hội An và Đà Nẵng không sử dụng chai nước nhựa PET… Ông Thái Văn Quang - Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Đà Nẵng cho rằng: “Điều cần thiết là phải nhanh chóng cải thiện hạ tầng xử lý rác thải. Bởi đơn cử như việc dù người dân có tâm huyết phân loại tại nguồn nhưng đem ra xe thu gom lại đổ chung vào một xe thì rất khó để quản lý đồng bộ”.
Theo quy hoạch, trên địa bàn Quảng Nam đang vận hành 15 bãi chôn lấp rác thải nhựa và mở rộng 1 khu xử lý rác thải ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành và hình thành 6 bãi chôn lấp rác mới trong tương lai. Các đại biểu tham dự hội thảo ủng hộ cao với các đề xuất chính quyền cấp tỉnh, thành phố cần cải thiện hệ thống quản lý chất thải, hướng ngành công nghiệp du lịch - dịch vụ thành ngành dịch vụ không rác thải nhựa, phát triển và thực hiện thí điểm một số giải pháp thay thế phù hợp cho túi ny lon/bao gói sử dụng một lần…