Bị “kẹp” giữa vùng dự án hơn 6 năm với khổ sở trăm bề trong đời sống sinh hoạt, người dân xã Bình Dương (Thăng Bình) chấp nhận bàn giao sớm mặt bằng, tha thiết kiến nghị Nhà nước di dời đến vùng đất mới. Trong khi đó, tại xã Duy Hải (Duy Xuyên), nhiều trường hợp chưa đồng ý nhận tiền bồi thường để giao đất cho nhà đầu tư.
Thỉnh cầu di dời
Hai bên đường cứu nạn cứu hộ ven biển (đoạn qua xã Bình Dương) mùa này bằng phẳng những bãi cỏ xanh mởn. Thế nhưng, đi vào từng khu dân cư, cơ sở hạ tầng vẫn còn nham nhở, bao năm qua hầu như chẳng có gì đổi thay. Từ đầu năm nay, khi dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An quyết định đầu tư tại huyện Duy Xuyên và Thăng Bình với quy mô diện tích giai đoạn 1 hơn 1.017ha, hàng trăm người dân bị ảnh hưởng mặt bằng khấp khởi vui mừng sau ròng rã 5 năm ngóng đợi. Trước đó vào năm 2011, có hàng chục hộ dân thuộc đối tượng giải tỏa trắng cũng của dự án này (nhưng nhà đầu tư khác) được kiểm kê, áp giá bồi thường (BT). Và từ đó đến nay họ chỉ sản xuất cầm chừng vì sợ rủi ro khi bị thu hồi đất. Chính quyền cấm tuyệt đối xây mới, cơi nới, hay sửa chữa nhà, dù đã có nhiều công trình xuống cấp nặng.
Vợ chồng ông Tống Ngọc Lự thôn 5 (xã Bình Dương) than thở vì hơn 5 năm nay không được sửa chữa nhà nên mong muốn Nhà nước di dời sớm. Ảnh: TRẦN HỮU |
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của vợ chồng ông Tống Ngọc Lự (thôn 5, xã Bình Dương) suốt ngày then cài cửa đóng. Hiện ngôi nhà hư hỏng, mái ngói bể nát, ông Lự nhiều lần gửi đơn lên chính quyền xin sửa chữa, tu bổ, nhưng đều bị từ chối. Mùa mưa bão đến, sợ nguy hiểm đến tính mạng, vợ chồng già đành vào tá túc tạm tại nhà người con trai. Năm 2011, hộ ông Lự thuộc diện giải tỏa trắng nhà cửa, đất đai với diện tích 3.100m2. Trung tâm Bồi thường - giải phóng mặt bằng của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai áp giá BT thời điểm này hơn 510 triệu đồng. Và đầu năm nay, để thực thi chính sách BT, hỗ trợ (HT) theo luật định, đơn vị này lại tiếp tục kê khai và tạm tính giá BT-HT mới cho gia đình ông Lự. Đồng thời đồng ý bố trí 2 lô tái định cư tại khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương. Ông Lự giãi bày: “Dự án treo nhiều năm, gia đình tôi sống bất an trong ngôi nhà xuống cấp mỗi khi trái gió trở trời. Nguyện vọng của tôi là mong chính quyền và cơ quan chức năng chi tiền BT sớm và cho phép xây dựng nhà trên đất tái định cư để nhanh chóng ổn định cuộc sống”.
Tương tự như hoàn cảnh của ông Lự, ông Phan Công Hai (thôn 5) cũng có đơn “thỉnh cầu” chính quyền và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai cho phép di dời sớm. Chỉ vào mảng tường nhà nứt toác có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào, ông Hai nói: “Nhà hư hỏng xin sửa chữa, chính quyền không cho phép nên tôi và hơn chục hộ dân khác cực chẳng đã mới làm đơn xin vào khu tái định cư mới. Sớm muộn gì chúng tôi cũng bị giải tỏa. Trong khi các khu tái định cư trên địa bàn nhiều năm nay trong tình cảnh vườn không nhà trống, tại sao người dân chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước lại không được ủng hộ?”. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương - ông Đặng Văn Hùng khẳng định, bức xúc của các hộ dân thôn 5 (xã Bình Dương) là rất xác đáng nhưng địa phương không thể nào giải quyết linh hoạt được khi chưa có chủ trương của cấp trên. “Sau khi có đơn của người dân về nhu cầu xin đi trước vào khu tái định cư, chính quyền và đơn vị kiểm kê BT có đi khảo sát mức độ nhà cửa xuống cấp của từng trường hợp, sau đó thống nhất chung là trước mắt đề nghị cho 11 hộ vào các khu tái định cư theo nguyện vọng. Dù vậy, đến nay vẫn chưa thấy phản hồi nào từ Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và UBND huyện” - ông Hùng cho biết. Cũng theo ông Hùng, người dân bị giải tỏa (đã kiểm kê áp giá BT) hầu hết đều đồng ý nhận tiền BT-HT, có nhu cầu di dời sớm là nguyện vọng chính đáng, cần được Nhà nước xem xét tạo điều kiện; mặt khác vừa giúp cho địa phương quản lý được hiện trạng.
Lúng túng
Giải thích về nguyện vọng “tiên phong” di dời của người dân chưa được đáp ứng, ông Huỳnh Bửu - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai cho biết, chủ trương của tỉnh và công ty là thống nhất BT, xem xét quyền lợi một cách thỏa đáng cho người dân. Theo đó, từ tháng 5.2016, đơn vị đã xác định nguồn gốc đất, kiểm kê áp giá BT dự kiến. Vướng mắc hiện nay là chưa xây dựng giá đất cụ thể cho từng hộ dân. Thực tế, tại thôn 5 (xã Bình Dương) mỗi hộ có vị trí đất cách xa nhau, trong khi công ty không thể mời tư vấn làm phương án giá đất cho từng trường hợp vì tốn rất nhiều tiền. Riêng trường hợp ông Phan Công Hai, do gần đường 613, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai chính thức có văn bản xin huyện xác định giá đất cụ thể đã lập cho dự án đường dẫn trước đây (ông Hai đã đồng ý mức giá BT) song đến nay UBND huyện chưa trả lời về giá đất nên không có cơ sở thực hiện. “Đến giờ địa phương vẫn chưa đưa ra cách giải quyết. Nếu UBND huyện trả lời, công ty xây dựng giá đất cụ thể thì công ty sẽ báo cáo với tỉnh xin chủ trương hỗ trợ kinh phí như thế nào, chứ làm BT trước mắt cho 5 hộ trong số 11 hộ đề nghị di dời sớm không đủ tiền cho xây dựng một phương án giá đất cụ thể thì làm sao triển khai” - ông Bửu nói.
Phần lớn diện tích đất thuộc thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải) nhà đầu tư cần mặt bằng sạch để thi công. Tại khu 1A - xã Duy Hải, từ đầu năm đến nay hầu như không thể giải phóng mặt bằng 3,7ha trong tổng số 48ha. Theo kế hoạch sử dụng đất của chủ đầu tư thì đây là vị trí cần gấp để khởi công xây dựng các hạng mục, công trình trọng điểm. Theo chủ đầu tư, nếu khu này “án binh bất động” sẽ không thể thi công ở các khu vực khác, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư. Được biết, đất vườn ở xã Duy Hải có diện tích khá lớn (trên 1.500m2) nhưng khi xác định diện tích đất ở để BT theo quy định hiện hành (diện tích đất ở được BT không quá 5 lần hạn mức đất ở vùng nông thôn) và phần diện tích còn lại được BT theo mức giá đất vườn ao liền kề nên người dân không đồng thuận. Trong khi đó, có ít nhất 8 hộ dân thôn Tây Sơn Đông yêu cầu Nhà nước BT đúng diện tích thực tế họ đang sử dụng, chứ không thể căn cứ vào diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định BT.
Hộ ông Nguyễn Trường Sơn (xã Duy Hải) mặc dù đã được UBND huyện Duy Xuyên ban hành quyết định thu hồi đất, phương án BT-HT, công ty phối hợp với địa phương nhiều lần tuyên truyền vận động và chi tiền BT-HT, nhưng ông Sơn vẫn không chịu nhận tiền và bàn giao mặt bằng khi cho rằng giá BT về đất, vật kiến trúc quá thấp. “Tôi yêu cầu Nhà nước BT đúng diện tích vườn ao liền kề thực tế do gia đình quản lý, sử dụng” - ông Sơn nói. Trong khi đó, cơ quan BT khẳng định, việc người dân yêu sách là không có cơ sở để giải quyết quyền lợi. “Theo đề nghị của người dân là Nhà nước phải BT phần đất khai hoang tăng thêm sau khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng cơ quan BT xét thấy không có cơ sở giải quyết vì UBND huyện, xã khẳng định không BT” - ông Bửu giải thích.
Từ tháng 5.2016 đến nay, đơn vị BT và các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, đề xuất áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất với các đối tượng không chịu bàn giao mặt bằng, song dường như biện pháp xử lý cứng rắn vẫn chưa được chính quyền huyện Duy Xuyên thực hiện. Theo tìm hiểu, sở dĩ chính quyền địa phương lúng túng, thỏa hiệp trong xử lý với người dân là do trước đây UBND xã đã buông lỏng quản lý hiện trạng đất đai, quá trình xác nhận nguồn gốc đất tốn nhiều thời gian.
TRẦN HỮU
Bài 2: Mất kiểm soát