BÀI 2: MẤT KIỂM SOÁT
Xuất hiện tình trạng người dân trong vùng dự án lén lút cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc với các hình thức biến tướng mới để “chạy” chính sách bồi thường. Tuy vậy, công tác quản lý hiện trạng, quản lý dữ liệu hồ sơ đất đai vẫn còn quá nhiều kẽ hở.
|
Tình trạng lén lút xây nhà vẫn tái diễn ở vùng dự án - xã Duy Hải.Ảnh: TRẦN HỮU |
“Chạy” chính sách
Lọt thỏm giữa vùng dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, làng mạc ở các thôn Tây Sơn Tây, Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên) bây giờ không im ắng như xưa. Không khó bắt gặp cảnh người dân ngang nhiên cơi nới tường rào cổng ngõ; nhiều ngôi nhà cấp bốn tạm bợ nhưng vẫn được ốp tường bằng các loại đá đắt tiền. Chuyện sửa sang nhà cửa “cấp tốc” ở các xã Duy Hải, Duy Nghĩa rộ lên từ cuối năm 2015 đến nay, khi dự án Nam Hội An tái khởi động. Đầu năm nay, khi chính quyền thông báo giải tỏa mặt bằng gấp 50ha, sau đó mở rộng 200ha để bàn giao cho nhà đầu tư động thổ, lập tức xuất hiện “cơn sốt” xây dựng nhà cửa, công trình trái phép. Tính đến nay, chính quyền đã lập biên bản, đình chỉ xây dựng trái phép gần 50 hộ dân. Sau khi chính quyền tăng cường quản lý, xử lý cương quyết với trường hợp xây mới, cơi nới nhà thì người dân đã dùng “chiêu trò” ốp tường, lát nền bằng các loại đá hoa cương đắt tiền... Ngôi nhà cấp 4 xập xệ của ông Nguyễn Văn D. (thôn Tây Sơn Đông) nhưng bên trong lộng lẫy bởi trang trí loại đá granit đắt tiền. Tường thì lát gạch men bóng loáng. Theo chủ nhân thì, công trình đã sửa sang hoàn thành gần một tháng nay. Ở đây phần lớn người dân đều sửa nhà, công trình phụ kiểu này. “Nếu xây nhà, hay sửa chữa gì bên ngoài, khi phát hiện lực lượng chức năng đến đình chỉ ngay; còn ốp gạch, đá trong nhà diễn ra kín đáo không ai dám vào kiểm tra” - ông D. tiết lộ.
Tính đến ngày 30.9, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai thực hiện BT 124/163ha (đạt 76% diện tích cần thực hiện) trong giai đoạn 1 của dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Tại khu 1A (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải) hiện nay còn 8 hộ dân (gồm 12 ngôi nhà và 3,7ha) bị giải tỏa trắng chưa thống nhất nhận tiền BT, di chuyển chỗ ở. |
Theo tìm hiểu, người dân xã Duy Hải ốp gạch men, lát đá granit đắt tiền trong nhà không phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực tế mà để trục lợi chính sách đền bù. Tại Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND, ngày 22.12.2014 của UBND tỉnh ban hành, mỗi mét vuông gạch lát nền gần 400 nghìn đồng, đá granit là 875 nghìn đồng/m2... Với mức giá bồi thường (BT) cao này, người dân có thể kiếm lợi dễ dàng nếu di dời nhà cửa. Ông Huỳnh Bửu - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai thừa nhận, thời gian đầu nở rộ phong trào người dân lát, ốp nền, tường bằng đá đắt tiền để được hưởng chính sách đền bù. Nhận thấy lỗ hổng trong khung giá BT dễ xảy ra tiêu cực, nên mới đây UBND tỉnh đã điều chỉnh áp giá BT cho việc lát nền, ốp tường bằng gạch, đá từ khoảng 800 nghìn đồng/m2 xuống hơn 300 nghìn đồng/m2. Với đơn giá BT này, tình trạng “chạy” chính sách ở khu vực giải tỏa “nóng” đã tạm lắng xuống. Tuy nhiên, tình trạng lén lút cơi nới, trang trí nội thất công trình phụ, vật kiến trúc bằng đá, gạch đắt tiền có dấu hiệu xuất hiện ở các khu vực giải phóng mặt bằng giai đoạn về sau. Chủ tịch UBND xã Duy Hải - ông Nguyễn Văn Thống nói: “Riêng xây dựng nhà cửa, công trình phụ thì địa phương giám sát được chứ việc người dân then cài cửa đóng rồi thay đổi hiện trạng bên trong ngôi nhà bằng hình thức ốp, lát nền, tường bằng đá đắt tiền thì chính quyền... bó tay”.
Khó quản lý
Tại các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Dương (Thăng Bình), quỹ đất công ích 5% do Nhà nước quản lý đã bị người dân lấn chiếm. BT hay không BT phần diện tích khai hoang tăng thêm nằm ngoài diện tích ghi trong bìa đỏ người dân vẫn là vấn đề nan giải của địa phương. Thực tế phần đất lấn chiếm, sử dụng trái phép, nhưng chính quyền quản lý lỏng lẻo không thu hồi dẫn đến tranh chấp dai dẳng. Tại dự án đường dẫn vào cầu Cửa Đại (đoạn Thăng Bình) khối lượng thực hiện BT năm nay khoảng 15 tỷ đồng nhưng Nhà nước mới phân bổ gần 5 tỷ đồng. Khi huyện Thăng Bình bàn giao mặt bằng trồng cây xanh vệt 50m hai bên đường cho Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thì có 12 hộ ở xã Bình Minh, Bình Dương không nhận tiền BT, hoặc đã nhận tiền nhưng chưa di dời, tái sản xuất trên đất đã bàn giao gây khó cho quản lý hiện trạng. Tương tự, dự án đường dẫn từ cầu Bình Dương đến đường cứu nạn cứu hộ ven biển có tổng chiều dài 2,65km đến nay mới bàn giao mặt bằng thi công gần 1km do vướng 12 hộ bị ảnh hưởng về một phần nhà cửa.
Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - ông Hồng Quốc Cường khẳng định, các xã Bình Minh, Bình Dương đã không quản lý chặt tình trạng người dân lấn chiếm đất trồng rừng. Mua bán, chuyển nhượng đất ven biển vượt tầm kiểm soát địa phương. Đề cập trách nhiệm chậm xây dựng giá đất cụ thể làm căn cứ để BT, giải tỏa sớm người dân trên địa bàn xã Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, ông Cường giải thích do chờ hướng dẫn cụ thể của ngành chức năng tỉnh. Chính quyền địa phương đang gấp rút chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện khẩn trương ban hành giá đất cụ thể. Ở vùng đông Thăng Bình hay Duy Xuyên, quản lý đất đai rất lộn xộn. Các cơ quan chức năng thì lúng túng khi vận dụng chính sách với thực tế sử dụng đất, hiện trạng xây dựng. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN-MT cho biết, cái khó là quỹ đất công ích 5% đã bị người dân lấn chiếm sử dụng suốt thời gian dài. Có tình trạng trước đây cán bộ cấp đất cho người thân, giờ khó xác định nguồn gốc đất. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đặt vấn đề đầu tư ở vùng ven biển Bình Minh nhưng đành lặng lẽ ra đi vì người dân đẩy giá BT đất có khu vực lên đến 4 triệu đồng/m2. Luật Đất đai điều chỉnh, bổ sung dẫn đến biến động sử dụng đất qua nhiều thời kỳ nên khâu quản lý cơ sở dữ liệu hồ sơ đất đai thiếu thống nhất.
Theo ông Cao Xuân Tân - Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh, hiện nay tâm lý người dân không muốn cấp đổi bìa đỏ vì cho rằng bìa đỏ mới thể hiện rõ loại đất ở lâu dài và trồng cây lâu năm sử dụng có thời hạn đến năm 2064 nhưng giấy chứng nhận cũ (cấp năm 1997) thì thể hiện là đất ở và đất vườn sử dụng lâu dài. Nếu sau này bị giải tỏa bởi dự án, người dân sẽ được quyền lợi BT hơn ở loại giấy tờ cũ. Thống kê cho thấy, riêng xã Bình Minh còn khoảng hơn 1.300 hồ sơ đất đai đang tồn kho ở cấp xã. Thẩm định hồ sơ và cấp bìa đỏ trên địa bàn xã chỉ đạt hơn 23% khối lượng nhu cầu hồ sơ cần cấp, trong khi đó kế hoạch tỉnh giao chậm nhất đến cuối năm nay đảm bảo 70% khối lượng cấp bìa đỏ.
__________________
Bài cuối: Siết chặt quản lý hiện trạng
TRẦN HỮU