(QNO) - Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 2.2.2015 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tại các lưu vực hồ thủy điện, Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đắk Mi (Phước Sơn) đã bố trí lực lượng 24/24 kiểm soát chặt chẽ ghe thuyền trên lòng hồ thủy điện Đắk Mi. Nhờ đó, tình trạng xâm hại rừng giảm hẳn.
Siết chặt quản lý ghe thuyền
Rừng phòng hộ Đắk Mi được UBND tỉnh cho chủ trương giao khoán cho người dân bảo vệ. Tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng hơn 30,9 nghìn héc ta, trong đó giao khoán cho 36 cộng đồng thôn, khối phố với tổng diện tích hơn 25 nghìn héc ta và BQL rừng phòng hộ Đắk Mi bảo vệ hơn 5,9 nghìn héc ta.
Từ sau khi hồ thủy điện Đắk Mi tích nước, một số đối tượng đã lợi dụng khu vực lòng hồ để khai thác, vận chuyển tập kết gỗ gần quốc lộ 14E, lực lượng kiểm lâm đã bắt nhiều vụ tại địa điểm này. Nắm được tình hình, đường đi của lâm tặc, từ đầu năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã kiểm soát chặt chẽ ghe thuyền hoạt động trên khu vực lòng hồ.
Ông Nguyễn Văn Tình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm kiêm Giám đốc BQL rừng phòng hộ Đắk Mi cho biết, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng yêu cầu các chủ ghe thuyền phải làm cam kết không được hoạt động ghe thuyền trái phép. Ghe thuyền hoạt động trên lòng hồ phải được đăng ký mục đích sử dụng qua Phòng Đăng ký hạ tầng giao thông huyện Phước Sơn. Nếu phát hiện ghe thuyền hoạt động trái phép, lực lượng kiểm lâm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Để kiểm soát tốt ghe thuyền hoạt động, BQL rừng phòng hộ Đắk Mi đã thành lập tổ chốt chặn trên lòng hồ gồm 4 thành viên, trang bị một ghe máy làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát hơn 5km chiều dài trên mặt lòng hồ, kịp thời phát hiện những đối tượng có hành vi khai thác rừng trái phép. Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay có khoảng 30 chiếc ghe thuyền bị xử lý, tiêu hủy do không có giấy đăng ký hoạt động trên lòng hồ.
“Từ khi thường xuyên thực hiện tuần tra kiểm soát ghe thuyền hoạt động trên lòng hồ thủy điện Đắk Mi đã hạn chế được tình trạng xâm hại rừng tại khu vực lòng hồ. Quan điểm của đơn vị là ghe thuyền nào không có giấy phép, đăng ký phải xử lý tại chỗ” - ông Tình nói.
Gắn với bảo vệ dược liệu
Từ giữa năm 2018 đến nay, ngoài nhiệm vụ kiểm soát ghe thuyền, theo dõi mọi biến động tại lòng hồ thủy điện Đắk Mi, tổ chốt chặn lòng hồ còn kiêm nhiệm vụ bảo vệ khu vực cửa ngõ “vương quốc” ba kích tím ở huyện Phước Sơn.
Rừng ba kích tím hơn 1.000ha ở bãi Đà Lạt, xã Phước Kim có giá trị dược liệu rất cao và là “kho báu” về dược liệu ở địa phương. Nếu bảo tồn và phát triển tốt sẽ giúp người dân địa phương phát triển kinh tế. Tuy nhiên để giữ được rừng ba kích quý này phải làm tốt công tác quản lý ghe thuyền hoạt động trên lòng hồ.
Anh Cao Văn Long - thành viên tổ chốt chặn lòng hồ thủy điện Đắk Mi cho biết, công việc của tổ là bảo vệ vững chắc khu vực lòng hồ, có như vậy mới bảo vệ được khu vực sâm ba kích tím tự nhiên.
“Ban ngày anh em đi tuần tra trên lòng hồ, khi phát hiện ghe lạ thì kiểm tra hoặc báo về đơn vị để xử lý. Vào ban đêm, anh em luôn túc trực dưới ghe để canh giữ, kịp thời phát hiện những đối tượng có hành vi xâm hại đến rừng hoặc dùng ghe thuyền chích cá” - anh Long nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, trong những năm qua huyện đã giao BQL rừng phòng hộ Đắk Mi kiểm tra, rà soát các phương tiện trên lòng hồ. UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí xây dựng chốt trong lòng hồ để bảo vệ lâm sản gắn việc quản lý cây ba kích; hỗ trợ kinh phí đảm bảo ăn uống, nhiên liệu ghe thuyền tuần tra. Nhờ vậy mà tình trạng khai thác trái phép lâm sản đã giảm hẳn.