Sau khi lực lượng chức năng đồng loạt ra quân xử lý các phương tiện tàu thuyền khai thác, vận chuyển cát trái phép thì lòng sông Vu Gia - Thu Bồn đã tạm yên ắng lại. Tuy nhiên, việc dùng các biện pháp cứng rắn trong chiến dịch cần được duy trì thường xuyên và liên tục.
Mỏ cát lộ thiên tại Kiểm Lâm (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên). |
Xử lý mạnh tay
Từ đầu tháng 7 đến nay, có hàng chục ghe thuyền đã bị lực lượng Công an tỉnh, chính quyền các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn xử lý, tạm giữ phương tiện. Nhiều ghe thuyền sử dụng hình thức “ăn đêm” hết sức tinh vi, tập hợp lại với nhau hoạt động. Đơn cử, trong đêm mật phục 13.7, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ 5 tàu kẹp lại san sát hút cát trái phép trên sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn). Trước đó chiều 12.7, tổ công tác Phòng PC49 cũng đã bắt quả tang 2 tàu đang hút cát trái phép trên sông Thu Bồn đoạn qua xã Duy Tân và Duy Thu (Duy Xuyên) với khối lượng hơn 200m3. Tại thị xã Điện Bàn, chính quyền đã mạnh tay với các bến bãi tiêu thụ cát sỏi. Ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương còn 7 bến bãi tập kết cát đang hoạt động, 14 bến bãi bị đình chỉ, 10 bến bãi khác, chính quyền đã ra mốc thời gian đến ngày 30.9 phải di dời xong. Trong khi đó, theo Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm, đơn vị phát hiện và xử lý 56 vụ khai thác cát trái phép, lập biên bản xử phạt 60 đối tượng với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, thu giữ 8 phương tiện vận chuyển cát lậu.
Ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường) đánh giá, chỉ hơn 1 tháng thực hiện chiến dịch siết chặt quản lý khoáng sản lòng sông, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hàng chục phương tiện hút, vận chuyển cát trái phép. Hành vi vi phạm chủ yếu là các ghe vận chuyển cát trên sông trang bị dụng cụ hút cát (gồm máy bơm và ống hút) không đúng với quy định. Các tổ tuần tra, kiểm soát cả ngày lẫn đêm nên lòng sông đã yên ắng lại. “Nếu dùng chế tài mạnh, thậm chí tịch thu luôn cả phương tiện khai thác trái phép thì sẽ hạn chế tối đa tình trạng hút cát trộm như hiện nay” - ông Ba nói.
Từ tháng 7 đến nay, UBND tỉnh triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông như thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh các vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản; thành lập thêm các điểm chốt chặn, kiểm soát trên các tuyến sông. Chỉ cho phép các phương tiện vận tải đường thủy nội địa lưu hành khi đã có đăng ký, đăng kiểm, tạm dừng cấp giấy phép mới bến thủy nội địa có kết hợp tập kết cát. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng cương quyết không giải ngân, quyết toán đối với các công trình sử dụng vốn nhà nước mà sử dụng cát không có nguồn gốc hợp pháp, không có đầy đủ chứng từ.
Quản lý chặt bến bãi
Thời gian qua, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng “tấm giấy thông hành” lén lút tiếp tay cho cát lậu, UBND tỉnh yêu cầu bắt buộc phải lắp đặt hệ thống, thiết bị khai thác cát sỏi tại phạm vi được cấp phép để khai thác và chuyển lên các phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp hoặc của tổ chức, cá nhân khác đến mua cát sỏi. Chỉ cho hoạt động khai thác, vận chuyển vào ban ngày. Máy móc, thiết bị, phương tiện khai thác, vận chuyển phải ghi tên doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại nơi dễ nhìn thấy, rõ ràng; phải thông báo tên, chủng loại, số hiệu, biển kiểm soát, mục đích sử dụng của máy móc thiết bị, phương tiện khai thác, vận chuyển cát sỏi với các cơ quan có thẩm quyền...
Sở NN&PTNT đang lên kế hoạch rà soát những đoạn sông Vu Gia - Thu Bồn bị sạt lở nặng để có phương án “giải cứu” đồng bộ. Được biết hệ thống lưu vực sông này có độ dốc lớn, bị chặn dòng ở đầu nguồn để làm thủy điện nên lượng lớn cát, sạn đọng lại ở lòng hồ. Theo quy định, phía hạ du địa điểm cấp mỏ cát lòng sông phải cách bờ tối thiểu 100m nhưng thực tế nhiều địa phương, có nơi chỉ cách bờ chỉ 70m. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, sạt lở bờ sông, đe dọa đất sản xuất đang là nguy cơ hiện hữu trước mắt. Thực tế sông Vĩnh Điện sạt lở rất nhiều do vận chuyển cát. Hiện chưa có quy định tàu vận chuyển bao nhiêu khối, chạy với vận tốc bao nhiêu trên sông để hạn chế gây sạt lở.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, đến năm 2020 sẽ loại bỏ 10 bến bãi tập kết cát ra khỏi quy hoạch. Nghĩa là từ 48 bến bãi xuống còn 38 bến bãi, cho phép chủ mỏ được đầu tư bến bãi tập kết hoặc ký hợp đồng với chủ bến bãi thay vì người dân tự phát thành lập như lâu nay. Theo UBND tỉnh, nên tận dụng vận tải đường thủy để đến điểm tập kết một số bãi vì các bãi đó gắn với thị trường. Thị trường ở đây là cự ly vận chuyển đến chân công trình ngắn để vừa giảm giá thành, vừa đảm bảo giao thông. Sau năm 2020, mỗi địa phương có vài ba điểm để tập trung quản lý. Có thể một doanh nghiệp được cấp 2 đến 3 điểm mỏ nhưng tỉnh phải quản lý chặt chẽ. “Yêu cầu Sở Giao thông vận tải không gia hạn giấy phép cho các bến bãi tập kết cát, sỏi ngoài quy hoạch. Đặc biệt, đối với các bến bãi không có phép, UBND tỉnh chỉ đạo đến ngày 30.9 phải chấm dứt hoạt động. Lực lượng công an làm nòng cốt, phải thường xuyên tuần tra, truy quét, mật phục bất ngờ để xử lý các tàu thuyền khai thác trái phép, thậm chí doanh nghiệp có hành vi khai thác không đúng với nội dung ghi trong giấy phép ” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý.
TRẦN HỮU