Môi trường

Quản lý khoáng sản, Quảng Nam cần vào cuộc đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở

PHƯƠNG GIANG 01/10/2024 07:49

Hàng loạt giải pháp đã và đang được thực hiện sau 3 năm triển khai Kết luận số 73 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, nhìn chung công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn khó khăn, bất cập; tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra dai dẳng.

Tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn còn tái diễn. Ảnh: T.C
Tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn còn tái diễn. Ảnh: T.C

Gian nan ở “đất vàng”

Đã có rất nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý cũng như các địa phương; tuy nhiên, hoạt động quản lý khai thác khoáng sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Đoàn Văn Thông - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn nói, đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền cấp phép, huyện đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện hoạt động quản lý nhà nước theo đúng quy định.

Huyện ủy Phước Sơn thường xuyên chỉ đạo UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác khoáng sản.

Địa phương đã tổ chức 18 đợt kiểm tra, truy quét tại các điểm khai thác khoáng sản có phép và không phép. Sau khi truy quét xong đã bàn giao địa bàn lại cho UBND xã tiếp tục quản lý. Đồng thời chỉ đạo gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã nếu để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tái diễn.

z5756504188553_db3ce0110249896dcf0e06107b059e5c.jpg
Việc đóng cửa mỏ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.C

Khó khăn hiện nay là quy trình đóng cửa mỏ đối với khu vực khai thác khoáng sản vàng gốc còn chưa đảm bảo hiệu quả, chỉ dùng đất đá để lấp các miệng hầm chứ không đánh sập, phun bê tông.

Vì vậy một số đối tượng dễ dàng đào, khui lại các cửa hầm để khai thác trái phép. Hầu hết các điểm khai thác khoáng sản vàng gốc phân bố ở vùng sâu, vùng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn cũng ảnh hưởng lớn đến việc kiểm tra, truy quét.

“Bên cạnh đó, việc giám sát, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên một số người dân bất chấp nguy hiểm tiềm ẩn đi khai thác vàng tại một số điểm mỏ cũ, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của địa phương” - ông Thông thông tin.

z5390422319248_edb8634f4422aa19db54738c1380ac0b.jpg
Công an huyện Phước Sơn tăng cường truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép. Ảnh: T.C

Tại huyện Phú Ninh, lãnh đạo địa phương này cho hay, ở Tam Lãnh, UBND huyện, xã tổ chức hơn 40 cuộc truy quét hàng năm, không để xảy ra khai thác vàng bằng cơ giới nhưng khai thác trong dân, quy mô nhỏ vẫn còn.

“Thực trạng này gây nhiều khó khăn, truy quét xong thời gian sau lại xuất hiện, dù quyết liệt nhưng chưa thực hiện dứt điểm được. Chủ trương đóng cửa mỏ đã được thống nhất, việc bảo vệ thi công sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Về cát nguyên liệu, hiện đã đấu giá 2 mỏ, doanh nghiệp đang làm thủ tục khai thác và thỏa thuận với các hộ dân, nhưng việc thỏa thuận này đang gặp khó khăn trên thực tế” - ông Huỳnh Xuân Chính - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho hay.

Giải pháp mạnh để quản lý

Theo đánh giá, từ năm 2021 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng được các cấp, ngành quan tâm, chú trọng.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là với hoạt động khai thác cát sỏi trên các sông Vu Gia, Thu Bồn.

UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đảm bảo thời hạn. Ảnh: tình trạng khai thác vàng trái phép diễn biến phức tạp ở Bồng Miêu thời gian trước đây.
Phú Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép ở khu vực Tam Lãnh. Ảnh: H.Đ

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng liên tục tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra trên địa bàn các huyện Phú Ninh, Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My.

Qua đó phá hủy, tiêu hủy, làm mất tác dụng nhiều máy móc, thiết bị, phương tiện, công cụ, nhiên liệu và đánh sập các hầm, lò khai thác vàng trái phép; xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,39 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn một số huyện trung du, miền núi như Phú Ninh, Phước Sơn còn tái diễn.

Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trọng điểm là khai thác cát sỏi lòng sông, đất, đá) kê khai không đầy đủ sản lượng khai thác, kê khai giá bán thực tế không đúng với giá niêm yết, giá thể hiện trên hóa đơn... để trốn thuế nhưng chưa có giải pháp quản lý hiệu quả.

Kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thông qua hệ thống trạm cân, camera giám sát tại khu vực mỏ còn hạn chế. Một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định về đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.

Cùng với đó là những tồn tại về việc chưa tối ưu hiệu quả thu hồi vàng gây lãng phí tài nguyên, khan hiếm vật liệu san lấp, cát xây dựng, nhân lực hạn chế trong quản lý tài nguyên khoáng sản.

Công tác cấp phép, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản được tăng cường. Ảnh: T.C
Các địa phương được yêu cầu vào cuộc mạnh mẽ, xử lý các bức xúc liên quan khoáng sản. Ảnh: T.C

Yêu cầu phải xác định lại quyết tâm chính trị cao, giải pháp mạnh mẽ, phù hợp hơn từ chính quyền các cấp, đặc biệt là UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, tập trung xử lý các vấn đề bức xúc hiện nay liên quan khoáng sản.

“Các ngành, địa phương phải tăng cường quản lý khai thác khoáng sản hiệu quả hơn, làm mạnh việc thanh tra kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tiêu cực trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Trong đó, chú trọng điều tra xử lý vi phạm ở một số nơi để tăng hiệu quả quản lý.

Đối với khai thác vàng, đề nghị nghiên cứu tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án quản lý hiệu quả hơn, chỗ nào đóng cửa, chỗ nào giao cho doanh nghiệp quản lý, nghiên cứu, đầy đủ cụ thể và có phương án quyết liệt hơn trong thời gian tới” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết chỉ đạo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý khoáng sản, Quảng Nam cần vào cuộc đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO