Quản lý kinh doanh vàng theo Nghị định 24: Thất thoát thuế

CHIÊU THỤC ANH 10/06/2014 10:30

Sau hai năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, vẫn còn nhiều hộ chưa chuyển đổi hình thức kinh doanh. Một thực tế phát sinh cũng đang làm “đau đầu” cơ quan quản lý là nguồn thuế thu được giảm sút đáng kể sau khi hộ cá thể kinh doanh vàng chuyển sang doanh nghiệp.

Nhiều hộ chưa chuyển đổi

Theo quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, kể từ ngày 25.5.2013, chỉ những doanh nghiệp có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng mới được phép mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Thực hiện nghị định này, được sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng như Sở Kế hoạch - đầu tư, Cục Thuế tỉnh…, rất nhiều hộ cá thể kinh doanh vàng đã hoàn tất thủ tục chuyển đổi hình thức kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Giám đốc doanh nghiệp vàng Nghĩa Tín (445 Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Những ngày đầu khi nghị định có hiệu lực, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn được tạo điều kiện tối đa như hướng dẫn các văn bản pháp luật, biểu mẫu kê khai, chế độ kế toán… Trong năm 2013, 60 doanh nghiệp kinh doanh vàng như chúng tôi đã được Sở Kế hoạch - đầu tư mời lên phổ biến luật, giải đáp thắc mắc, nghe tâm tư nguyện vọng và những khó khăn thuận lợi khi chuyển đổi hình thức kinh doanh để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp chúng tôi đỡ lúng túng khi thực hiện quy định mới”.

Người mua không muốn đưa thông tin cá nhân nên rất khó cho doanh nghiệp kinh doanh vàng khi làm chứng từ. Ảnh: C.T.A
Người mua không muốn đưa thông tin cá nhân nên rất khó cho doanh nghiệp kinh doanh vàng khi làm chứng từ. Ảnh: C.T.A

Tuy nhiên, qua hơn hai năm thực hiện nghị định, toàn tỉnh vẫn còn gần 20 hộ kinh doanh vàng chưa làm các thủ tục chuyển đổi hình thức kinh doanh. Ông Phùng Nhanh, Trưởng phòng Tổng hợp - nghiệp vụ - dự toán (Cục Thuế tỉnh) cho biết, trước khi thực hiện Nghị định 24, toàn tỉnh có 181 hộ cá thể kinh doanh vàng nhưng tổng hợp sơ bộ đến cuối năm 2013 thì chỉ mới có 119 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vàng, giảm 62 đối tượng kinh doanh vàng. Sáu tháng đầu năm 2014 tiếp tục có 18 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vàng, nghỉ kinh doanh 15 hộ và 20 đối tượng chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác hoặc chưa đăng ký chuyển sang doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trước ngày 25.5.2013, TP.Tam Kỳ dẫn đầu với 28 hộ cá thể kinh doanh vàng, sau đó là Duy Xuyên (23 hộ), Hội An (19 hộ)... Khi chuyển đổi sang hình thức mới, Tam Kỳ chỉ còn 16 doanh nghiệp, Duy Xuyên (20), Đại Lộc (18), Hội An (17)...

Ông Trần Kim Đạt - chủ Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng Nguyệt Kim Sơn (huyện Tiên Phước) cho hay, khi chuyển sang hình thức kinh doanh mới ban đầu còn lúng túng vì phải lập nhiều thủ tục giấy tờ như sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ, kê khai thuế… Nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng mô hình doanh nghiệp kinh doanh vàng không khác bao nhiêu so với hộ cá thể kinh doanh vàng nhưng lại phải làm quá nhiều thủ tục, giấy tờ kê khai thuế. Bởi, hộ cá thể kinh doanh vàng nộp thuế theo hình thức khoán còn doanh nghiệp phải nộp theo thực tế kinh doanh. Từ đó, chi phí cho hoạt động kinh doanh tăng lên và các loại thuế nộp về ngân sách giảm xuống. Bà Nguyễn Thị Kim Liên nói: “Tâm lý lâu nay khi liên quan đến tài sản cá nhân, nhất là vàng, rất ít khách hàng muốn chia sẻ thông tin cá nhân để chúng tôi viết hóa đơn, chứng từ. Hơn nữa, đa số là khách hàng nhỏ lẻ, dành dụm được ít tiền đến mua 3 phân, 5 phân vàng để dành nên càng không thích mọi người biết thông tin này. Điều này chắc chắn buộc các chủ doanh nghiệp phải khai man để hợp lý hóa giấy tờ với cơ quan chức năng. Tôi tin chắc việc khai man, trốn thuế không phải là ý muốn của cơ quan nhà nước khi ra các quy định quản lý kinh doanh vàng”.

Thất thu thuế

Theo báo cáo sơ bộ của Cục Thuế tỉnh, khi chưa chuyển đổi hình thức kinh doanh từ hộ cá thể sang doanh nghiệp, năm 2012, nguồn thuế thu được từ 181 hộ kinh doanh vàng là hơn 2,6 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng là 217 triệu đồng. Nhưng khi chính thức áp dụng Nghị định 24, trong vòng 6 tháng năm 2013, nguồn thuế cả tỉnh thu được từ doanh nghiệp kinh doanh vàng là 568 triệu đồng, trung bình 91 triệu đồng/tháng. “Con số trên biểu hiện sự thất thoát thuế khá lớn khi chuyển đổi hình thức kinh doanh vàng. Các doanh nghiệp đưa ra lý do là khi chuyển đổi hình thức kinh doanh phải tốn chi phí cho hoạt động kinh doanh hơn so với hình thức trước đó. Đây là lý do chính đáng nhưng lại được nhiều doanh nghiệp vin vào để trốn thuế” - ông Phùng Nhanh nói thêm.

Nhìn nhận thực tế này, ông Lê Mai Khắc Hưng – Cục phó Cục Thuế tỉnh nói: “Hiện Cục Thuế đang chỉ đạo các chi cục rà soát, thống kê số doanh nghiệp kinh doanh vàng, những hộ kinh doanh nhưng không chuyển đổi hoặc mua bán không đăng ký kinh doanh để có hình thức xử lý bởi thực tế có khá nhiều đối tượng không chấp hành nghiêm túc quy định của Chính phủ. Do kinh doanh vàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nếu không thực hiện đúng theo quy định sẽ nảy sinh nhiều rắc rối khó lường. Trong trường hợp hộ kinh doanh vàng không chuyển đổi sang doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép cũ và có hướng xử lý theo quy định của pháp luật”.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý kinh doanh vàng theo Nghị định 24: Thất thoát thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO