Hàng năm, tại Quảng Nam diễn ra rất nhiều lễ hội lớn nhỏ, đặc biệt là vào mùa xuân. Việc quản lý hoạt động tổ chức lễ hội không chỉ góp phần giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách và nhân dân.
Lễ hội văn minh
Chỉ trong tháng Giêng này, tại Quảng Nam có hàng chục lễ hội thu hút sự chú ý của người dân địa phương và du khách. Tiêu biểu có thể kể đến lễ hội cầu Bông đã diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng ở Hội An, lễ hội Khai Sơn tổ chức vào mùng 8 ở Quế Sơn; lễ rước Cộ Chợ Được tại Thăng Bình diễn ra vào hôm qua 17.2 (mùng 10 tháng Giêng)… Lâu nay, ở các địa phương trên cả nước, điều lo lắng nhất chính là việc các lễ hội bị thương mại hóa, xuất hiện nhiều hoạt động mê tín dị đoan hoặc hành động phản cảm tiêu cực. Đáng mừng là nhiều năm qua, các hoạt động lễ hội ở Quảng Nam không bị biến tướng và vẫn giữ được những nét đặc sắc của văn hóa vùng miền.
Du khách nước ngoài tham gia cuộc thi trồng rau tại lễ hội cầu Bông ở làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An). Ảnh: MINH HẢI |
Đơn cử như ở lễ rước Cộ Chợ Được (được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014), trước đây lễ hội thường vài năm mới tổ chức một lần nhưng 3 năm qua đã được tổ chức liên tiếp, đông đảo người dân trong tỉnh đổ về trẩy hội nhưng vẫn diễn ra rất trật tự. Ông Nguyễn Tấn Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Triều (Thăng Bình) cho biết: “Từ trước đến nay, trong lễ hội rước Cộ Chợ Được chưa bao giờ xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan. Lễ hội được tổ chức theo tinh thần văn minh trong truyền thống và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hàng năm, Ban tổ chức lễ hội đều niêm yết giá giữ xe, liên hệ đề nghị Công an huyện hỗ trợ lực lượng bảo đảm an ninh trật tự trong suốt quá trình diễn ra lễ hội”.
Không chỉ các lễ hội lớn mà nhiều hoạt động lễ hội khai xuân quy mô nhỏ ở các địa phương trong tỉnh cũng đồng loạt được tổ chức một cách lành mạnh, nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người dân. Nhiều hủ tục lạc hậu như rải tiền, thả đèn trời… đã được người dân tự giác xóa bỏ, để lễ hội thực sự trở thành nơi giao lưu văn hóa, tăng tình đoàn kết, vừa là sân chơi với các hoạt động văn nghệ - thể thao nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho người dân.
Kích cầu du lịch
Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, tưởng nhớ công ơn tiền nhân, nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh còn có tác dụng kích cầu phát triển du lịch đặc biệt là tại Hội An. Có thể nói, lễ hội chính là một trong những nhân tố quan trọng khiến du khách tìm đến với đô thị cổ này. Với việc xem cộng đồng là chủ thể, các lễ hội tại Hội An luôn hướng đến sự gắn kết của người dân địa phương và du khách khắp nơi. Nhiều trò chơi được tổ chức kèm theo để du khách khắp nơi được hòa mình vào không gian lễ hội. Như lễ hội đua thuyền được TP.Hội An tổ chức trên sông Hoài vào ngày mùng 6 Tết vừa qua, có đến 8 đội thuyền của du khách nước ngoài đăng ký tham gia.
Ngoài các lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội mới được tổ chức trong thời gian gần đây đang cho thấy tác dụng lớn của mình như lễ hội Bắp nếp (phường Cẩm Nam), ngày hội Quật (xã Cẩm Hà, TP.Hội An )… Không chỉ quảng bá nét văn hóa đặc sắc và đa dạng, những ngày hội này còn giúp các sản phẩm du lịch của Hội An được biết đến, trực tiếp tạo lợi nhuận cho người dân địa phương. Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An nói: “Với một thành phố du lịch như Hội An thì lễ hội chính là điểm nhấn lớn để thu hút du khách tìm đến khám phá. Hội An rất khuyến khích xã hội hóa phát triển các lễ hội dựa trên sự cho phép và hỗ trợ của thành phố, tuy nhiên phải đảm bảo tính lành mạnh, giàu bản sắc địa phương”.
Không riêng Hội An, một số địa phương khác trong tỉnh cũng đang chú ý tận dụng các hoạt động lễ hội truyền thống để quảng bá rộng rãi hơn tiềm năng du lịch của mình. Có thể kể đến như lễ hội Khai Sơn (xã Quế Hiệp, Quế Sơn ) rất gần với thắng cảnh Suối Tiên hay lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Bà Chúa tôn vinh nghề trồng dâu nuôi tằm (Duy Xuyên )… Rõ ràng, nếu biết khai thác một cách hợp lý, lễ hội sẽ trở thành dấu ấn để làm đẹp hình ảnh thương hiệu du lịch Quảng Nam - một trong những “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch Việt Nam.
QUỐC TUẤN