Tăng cường công tác quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, đặc biệt là công tác cảnh báo lũ sớm, điều tiết nước của các thủy điện... là những nội dung của buổi đối thoại liên tỉnh lần thứ 4 (SLD4), do Ban điều phối tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng vừa tổ chức.
Hạ nguồn sông Thu Bồn dễ bị tác động do diễn biến về thiên tai và biến đổi khí hậu. |
Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động tình trạng dễ bị tổn thương với lũ lụt và hạn hán do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam thực hiện tại 5 xã Điện Trung (Điện Bàn), Đại Hồng (Đại Lộc), Cẩm Kim (Hội An) và Hòa Khương, Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng) cho thấy, ngập lụt và khô hạn là hai hiểm họa chính gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân sinh tại những địa phương trên. Đặc biệt, xu hướng này ngày càng khắc nghiệt và khó đoán lường hơn trong 10 năm gần đây. Theo đại diện Tổ chức CARE, bên cạnh các nguyên nhân như thời tiết diễn biến thất thường không còn theo quy luật như trước; tốc độ phát triển nhanh của các công trình... thì việc xả nước từ các hồ chứa và đập thủy điện khiến tình trạng ngập lụt trầm trọng hơn. Trong một số trường hợp người dân không được thông báo rõ ràng khi nào nước đến, nước cao tới đâu, xả nước trong bao lâu. Chưa kể, việc xả nước thường diễn ra vào thời điểm mưa lớn làm cho ngập nước nghiêm trọng hơn. “Thông tin cảnh báo xả lũ của thủy điện chưa đủ thời gian cho người dân chuẩn bị, các kênh thông tin chưa kịp thời, hiệu quả; thiếu sự tham gia, ý kiến của cộng đồng trong tiến trình xây dựng kế hoạch xả lũ vào mùa lũ, xả nước vào mùa khô hạn, nhất là ý kiến tham gia của người trực tiếp bị ảnh hưởng ngập lụt khi thiết kế xây dựng các công trình giao thông. Bên cạnh đó, kế hoạch quản lý thiên tai vẫn theo phương thức từ trên xuống, thiếu sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương ở cộng đồng... là những nguyên nhân làm gia tăng các rủi ro cho cộng đồng” - đại diện Tổ chức CARE phân tích.
Không phủ nhận vai trò của thủy điện nhưng việc xuất hiện nhiều thủy điện trong 10 năm qua cũng là nguyên nhân gây ra những biến đổi của lũ lụt. Theo người dân tại xã Đại Hồng (Đại Lộc), trước đây lũ lụt thường nhỏ, mức cao nhất ngập trong nhà năm 2007 chỉ 1m, từ khi có thủy điện lụt ít hơn nhưng mức ngập cao hơn (năm 2009 mức ngập 2,5m). Việc xuất hiện các thủy điện cũng làm thay đổi dòng chảy trên sông Vu Gia, gây ra một số biến động về môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Cụ thể, hiện tượng sạt lở và bồi cát ngày càng trở nên nghiêm trọng, nếu như giai đoạn 2010 - 2012 diện tích đất sản xuất xã Đại Hồng là 450ha thì giai đoạn 2012 - 2014 giảm xuống còn 420ha. Riêng tình trạng sạt lở, nếu từ năm 1989 – 2016 đất sản xuất bị sạt lở hơn 24ha, nhưng chỉ giai đoạn 2010 - 2016 đã sạt lở hơn 10ha. Cùng với đó, hiện tượng bồi cát cũng xuất hiện tại 2 thôn Đông Phước và Dục Tịnh (Đại Hồng). Tính đến năm 2016, trên địa bàn xã có 150ha đất sản xuất bị bồi cát.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng, Hội An là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt gây ra, không chỉ từ mưa lũ mà còn chịu tác động từ sóng, gió, triều cường… Do đó, ngoài những thông tin, dự báo chính xác từ các cơ quan chuyên môn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức theo dõi thông tin cũng như đa dạng hóa cách truyền đạt thông tin như mạng xã hội, tin nhắn điện thoại… Đặc biệt, không phát triển thêm hệ thống thủy điện mới, đồng thời rà soát, kiểm tra lại các mỏ cát trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, kể cả nguồn cát cung cấp từ thượng nguồn xuống hạ du… Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, để nâng cao năng lực cảnh báo hiệu quả và phòng chống lũ lụt trên hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng cần có giải pháp đồng bộ. Hiện, hai địa phương cũng đã nhất trí kiến nghị Bộ TN - MT xây dựng một đề án khoa học công nghệ cấp quốc gia về nâng cao năng lực cảnh báo phòng chống lũ lụt và hạn hán lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trước mắt, sẽ triển khai một dự án nhỏ hơn là nâng cao năng lực cảnh báo và hiệu quả phòng chống lũ lụt ở khu vực hạ du sông Vu Gia qua các huyện Đại Lộc, Điện Bàn và Hòa Vang, chủ yếu khảo sát về tình trạng lũ lụt và hạn hán. Thứ hai, tính toán được lượng mưa và rừng đầu nguồn - yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc tích nước và xả lũ của các đập hồ thủy điện. Bên cạnh đó, cũng sẽ xây dựng trạm quan trắc; xây dựng bản đồ ngập lụt hàng năm; xây dựng bản tin cho từng đối tượng; tập huấn tuyên truyền cho cộng đồng…, sau khi có nội dung sẽ giao cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xây dựng đề án báo cáo UBND thành phố phê duyệt, cố gắng triển khai trong năm 2018.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong năm qua tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng cũng đã triển khai tích cực các hoạt động của ban điều phối, thực hiện đúng nội dung và tiến độ mà 2 địa phương đã đề ra. Từ đó, có phương án và kế hoạch hoạt động tốt hơn khi ứng phó với tình hình thiên tai và ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng trên hệ thống sông Vu Gia và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời gian tới ngoài việc triển khai hợp phần dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đăng ký đề tài cấp nhà nước để huy động nguồn lực của các bộ ngành phục vụ cho quản lý khu vực hạ nguồn Thu Bồn – Vu Gia, ban điều phối cũng sẽ xem lại những tác động, diễn biến về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, tình trạng xói lở diễn ra trên hệ thống lưu vực sông này ảnh hưởng trực tiếp đến vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng để có những chương trình kế hoạch hoạt động cụ thể.
GIA KHANG